Bé sinh non 400g phát triển như thế nào sau một năm?

Tú Anh

(Dân trí) - Thai phụ bị cạn ối, nhiễm trùng ối, chuyển dạ sinh con khi mới mang bầu 22 tuần 4 ngày. Bé gái nặng vỏn vẹn 400g chào đời, suy hô hấp...

Tăng 6kg trong một năm

Ngày 26/10, tại Hội nghị Khoa học điều dưỡng quốc tế lần thứ III, đào tạo và cập nhật trong thực hành lâm sàng và quản lý điều dưỡng do Bệnh viện Bạch Mai và Hiệp Hội Điều dưỡng Việt Nam tổ chức, ca bệnh đặc biệt, chăm sóc thành công bé sinh non 400g đã được báo cáo.

Điều dưỡng Nguyễn Lệ Huyền, Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, điều trị để em bé sinh non 400g vượt qua rất nhiều giai đoạn khó khăn, hiện phát triển khỏe mạnh và ổn định.

Trước đó, 8h45 phút ngày 3/8/2022, bé gái An Chi (Hà Nội) chào đời khi mới được 22 tuần 4 ngày tuổi, nặng 400g, không cất tiếng khóc. Ngay lập tức, các cô y tá, hộ lý, bác sĩ nhi khoa đưa bé vào lồng ấp và hỗ trợ bình thở oxy cầm tay, rồi nhanh chóng được đưa xuống cấp cứu tại Trung tâm Nhi khoa và trải qua hành trình dài giành giật sự sống.

Bé sinh non 400g phát triển như thế nào sau một năm? - 1

Bé An Chi trong thời gian nằm lồng ấp, chỉ nhỏ xíu như chú chuột Hamster, xung quanh là máy móc, dây chuyền chằng chịt (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Mẹ cô bé từng chia sẻ, khi nhìn thấy con gái bé nhỏ, chỉ to nhỉnh hơn con chuột Hamster một chút, rồi các máy móc thiết bị, các dây truyền chằng chịt được cắm, kẹp lên đôi tay, đôi chân bé xíu xiu, trái tim chị như nghẹn lại, nước mắt lặng lẽ rơi, chỉ biết cầu mong phép màu đến với con.

Rồi "phép màu" ấy cũng đến, khi các y bác sĩ, điều dưỡng đồng hành cùng "chiến binh" An Chi vượt qua nhiều đợt viêm phổi, suy hô hấp, viêm ruột... Bé được ra phòng thường, rồi xuất viện, và đón sinh nhật 1 tuổi với các chỉ số "trong mơ": Nặng 6,4kg, cao 67cm, thể trạng đều ổn định; biết bò, mọc 2 răng.

Bé sinh non 400g phát triển như thế nào sau một năm? - 2

Sự tỉ mẩn, kiên trì của người điều dưỡng trong quá trình chăm sóc trẻ sinh non (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Điều dưỡng Huyền cho biết, tất cả những vấn đề vô cùng khó khăn trong chăm sóc trẻ sinh non, ở em bé nhẹ cân nhất này càng khó khăn gấp bội. Từ việc đảm bảo thân nhiệt, vô khuẩn, lấy máu xét nghiệm, nuôi dưỡng, hỗ trợ hô hấp kéo dài... các điều dưỡng đều thực hiện kiên nhẫn, tỉ mỉ theo y lệnh của bác sĩ.

Từ những lần ăn sữa 1ml/lần, ngày 8 bữa... sự kiên trì và khéo léo của người điều dưỡng là vô cùng quan trọng; Đến chăm sóc chống loét tì đè khi trẻ nằm viện lâu ngày đều cần sự quan tâm, bao quát của người điều dưỡng để thực hiện đều đặn, chăm sóc trẻ trong suốt 6 tháng.

Theo điều dưỡng Huyền, trong ca bệnh này, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa điều dưỡng với bác sĩ nhằm thực hiện những can thiệp chăm sóc, điều trị toàn diện với chất lượng tốt nhất cho bệnh nhi trong suốt quá trình điều trị.

Bé sinh non 400g phát triển như thế nào sau một năm? - 3

Bé An Chi của hiện tại, nặng hơn 6,4kg, biết ngồi, đang tập bò (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Việc theo dõi sát diễn biến của bệnh nhi, thực hiện đúng y lệnh của bác sĩ đã giúp em bé sinh non 400g, cũng như nhiều trường hợp sinh non khác mỗi ngày vượt qua được chút khó khăn, tiến tới khỏi bệnh và ra viện.

"Đến nay, đây là bé sinh non nhẹ cân nhất Việt Nam được chăm sóc, nuôi dưỡng thành công", Bệnh viện Bạch Mai thông tin.

Theo điều dưỡng Huyền, ca bệnh này tăng tỷ lệ thành công cũng nhờ mô hình liên kết sản nhi. Ngay khi có ca đẻ sinh non, bác sĩ, điều dưỡng sơ sinh có mặt ngay trong phòng đẻ/mổ, để khi em bé chào đời kịp thời hồi sức, cấp cứu tốt nhất.

Điều dưỡng: Lực lượng không thể thiếu 

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đánh giá, sứ mệnh của điều dưỡng viên là chăm sóc sức khỏe người dân tốt nhất, do đó yêu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực này khắt khe về chuyên môn, về y đức.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, các điều dưỡng cũng luôn có những nghiên cứu, áp dụng kiến thức hàn lâm vào thực tiễn cuộc sống. 

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến chất lượng bệnh viện của các điều dưỡng được công bố và áp dụng đã giúp nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai và trong ngành y tế.

Bé sinh non 400g phát triển như thế nào sau một năm? - 4

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đánh giá cao vai trò của điều dưỡng trong quá trình chăm sóc, điều trị người bệnh (Ảnh: M.T).

Thạc sĩ Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam cho biết, Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam hiện có hơn 140.000 hội viên trên cả nước, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của y học Việt Nam nói chung và sự phát triển chuyên ngành điều dưỡng nói riêng.

Hằng năm, cả nước có gần 5.000 điều dưỡng tốt nghiệp đại học và hàng ngàn điều dưỡng tốt nghiệp cao học. Đội ngũ trí thức điều dưỡng đang tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng.

"Lực lượng điều dưỡng đóng vai trò không thể thiếu trong chăm sóc và phục hồi sức khỏe cho người bệnh.

Họ là những người đầu tiên tiếp cận người bệnh khi đến bệnh viện, có trách nhiệm chăm sóc, theo dõi, phối hợp đồng nghiệp, cán bộ y tế khác nhằm thực hiện những can thiệp chăm sóc, điều trị toàn diện với chất lượng tốt nhất cho người bệnh trong suốt quá trình điều trị", ông Mục nói..

Người điều dưỡng cũng là cán bộ y tế cuối cùng tiếp xúc với người bệnh trước khi họ xuất viện; hướng dẫn, tư vấn sức khỏe, dặn dò điều cần thiết sau khi người bệnh xuất viện cũng như hoàn thiện thủ tục hành chính khi xuất viện.

"Hiện nay, các điều dưỡng đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học chất lượng, là minh chứng đưa ngành điều dưỡng thành một ngành khoa học, đóng góp nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe nhân dân", ông Mục chia sẻ.

Tại hội nghị, nhiều bài báo cáo khoa học về chăm sóc sức khỏe người bệnh trong các lĩnh vực được các điều dưỡng chia sẻ kinh nghiệm, nhằm nâng cao năng lực, chất lượng điều trị, chăm sóc người bệnh.