1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Đại án VNCB:

Sáng nay xét hỏi bị cáo Phạm Công Danh

(Dân trí) - Được xác định là bị cáo “cầm đầu” trong đại án kinh tế gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại ngân hàng Xây Dựng (VNCB), bị cáo Phạm Công Danh sẽ bị HĐXX chính thức xét hỏi vào sáng nay, ngày 29/7.

danh2-1469416930943

Bị cáo Phạm Công Danh được cảnh sát dẫn giải đến tòa

Phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm chính thức được đưa ra xét xử vào ngày 19/7. Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Phạm Lương Toản. Bị cáo Phạm Công Danh và 35 đồng phạm bị VKS truy tố các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngày đầu xét xử, bị cáo Danh đến dự tòa với chai nước lọc trên tay và mắt kính vừa cắt trong túi, bị cáo Phạm Công Danh khá bình thản và mạnh khỏe. Tuy nhiên, đến phần thẩm vấn lý lịch thì bị cáo trả lời chậm chạp các câu hỏi của HĐXX. Nhiều câu hỏi Phạm Công Danh trả lời không được với lý do “trí nhớ kém”, không nhớ rõ việc mình làm và cũng không nhớ rõ năm sinh của các con của mình. Trong lần bị đưa ra xét xử này, Danh thuê 5 luật sư bào chữa cho mình.

Theo cáo trạng, Phạm Công Danh (SN 1964, quê Quảng Ngãi, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh). Bị cáo Danh bị truy tố theo khoản 3 điều 165 và khoản 3 điều 179 Bộ luật Hình sự, mỗi tội danh có khung hình phạt từ 10 – 20 năm tù.

Đây không phải lần đầu tiên Phạm Công Danh rơi vào vòng lao lý, Phạm Công Danh từng bị TAND tỉnh Quảng Ngãi tuyên phạt 20 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Sau đó VKSND tối cao kháng nghị bản án sơ thẩm, TAND tối cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm tuyên bị cáo 6 năm tù về tội danh trên.

Trước khi bị khởi tố và chuyển sang kinh doanh ngân hàng, bị cáo Danh đã mua cổ phần VNCB của nhóm cổ đông cũ Ngân hàng TMCP Đại Tín (sau đổi tên thành VNCB), Phạm Công Danh được giới doanh nhân biết đến là ông chủ Tập đoàn Thiên Thanh, một trong những đại gia trên thương trường về lĩnh vực vật liệu xây dựng, salon ô tô, du lịch – nhà hàng – khách sạn, tài chính – dịch vụ tài chính, kinh doanh bất động sản.

Ngay thời điểm trước khi bị bắt, Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh từng gây sốt khi nói về đại dự án đầu tư xây dựng khu phức hợp Trung tâm thương mại vật liệu xây dựng – nội thất có 4 mặt tiền (Tô Hiến Thành, Đồng Nai, Tam Đảo, Thành Thái) thuộc P.15, Q.10, TP.HCM với quy mô xây dựng 500.000m2, vốn đầu tư dự kiến ít nhất 500 triệu USD.

Bị cáo Phạm Công Danh
Bị cáo Phạm Công Danh

Chiều 28/7, HĐXX tiếp tục làm việc với phần xét hỏi các để làm rõ “đường đi” của việc thẩm định hồ sơ cho vay gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ở Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). Thông tin đang chú ý xảy ra ở cuối buổi làm việc, khi HĐXX đã có đã phần xét hỏi ngắn đối với bị cáo Phạm Công Danh. Chủ tọa hỏi sức khỏe bị cáo, bị cáo Danh khai nhận mình cũng đang cố gắng, đang sử dụng thuốc vào những bệnh như sỏi thận, thần kinh, viêm phổi. Vì vậy HĐXX cũng xem xét cho bị cáo Phạm Công Danh một ghế riêng nhằm đảm bảo sức khỏe cho bị cáo.

Tại sao tòa đã cắt kính mà bị cáo không đeo? HĐXX hỏi - Bị cáo Danh trả lời khi nào đọc thì sẽ đeo. “Sáng mai tòa sẽ hỏi bị cáo, bị cáo nhớ đảm bảo sức khỏe tư tưởng, yêu cầu bác sĩ chú ý sức khỏe bị cáo Danh”, Chủ tọa phiên tòa nói.

Bị cáo Phạm Công Danh cùng thuộc cấp đã làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB
Bị cáo Phạm Công Danh cùng thuộc cấp đã làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB

Dư luận hiện đang quan tâm đến số tiền hơn 5.000 tỷ đồng của nhóm bà Trần Ngọc Bích đã bị bốc hơi tại VNCB khi không có chữ ký của chủ tài khoản. Cáo trạng có kết luận: “Ngoài những lần giao dịch đã tất toán trên của 2 bên, Phạm Công Danh còn tự ý rút gần 5.200 tỷ đồng từ tài khoản của bà Bích tại VNCB (do VNCB giải ngân các khoản bà Bích vay bằng cách cầm sổ tiết kiệm) mà không có chữ ký của bà này. Ngoài ra, còn có 300 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm đứng tên 3 cá nhân trong nhóm bà Bích nhưng cũng bị Danh chỉ đạo rút ra chi tiêu mà không hề có hồ sơ chứng từ”.

Hiện nay, nhóm bà Bích đang yêu cầu VNCB trả lại 124 sổ tiết kiệm với số tiền 5.881 tỷ đồng mà nhóm này đã gửi tại VNCB. Vì lý do số tiền của bà Bích vay 5.190 tỷ đồng bằng việc cầm 124 sổ tiết kiệm trên được VNCB chuyển vào tài khoản của bà nhưng đã bị Danh tự ý lấy sử dụng. 3 sổ tiết kiệm khác cũng bị Danh tự ý lấy ra 300 tỷ đồng.

Báo Dân trí tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ đại án kinh tế này.

Trung Kiên – Xuân Duy