1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Bình Dương:

Phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại xưởng gỗ “tù binh”

(Dân trí) – Vài ngày sau khi ông Phong bị bắt, Đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra xưởng gỗ “tù binh” của ông này và phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.

Xưởng gỗ của ông Phong bị Đoàn kiểm tra phát hiện hàng loạt sai phạm
Xưởng gỗ của ông Phong bị Đoàn kiểm tra phát hiện hàng loạt sai phạm

Chiều 8/7, Đoàn thanh tra liên ngành huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) đã có báo cáo kết quả thanh tra xưởng gỗ của ông Trần Tấn Phong (51 tuổi, chủ xưởng gỗ Tấn Phong, đóng tại ấp Cà Tong, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng).
 
Theo đó, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng loạt sai phạm về hợp đồng lao động, không thực hiện chế độ bảo hiểm, không đăng ký tạm trú tạm vắng cho công nhân, không có phương án đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, giờ giấc làm việc cũng như thang bảng lương không rõ ràng…

Từ những kết quả thanh tra được, Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ xem xét, làm cơ sở xử lý trách nhiệm của UBND xã và Công an xã Thanh An và các ban ngành liên quan. Xưởng gỗ của ông Phong được xem như xưởng gỗ “tù binh”, với hành vi “Giam giữ người trái phép” ông chủ xưởng gỗ này đã bị công an huyện Dầu Tiếng khởi tố bắt tạm giam 3 tháng vào chiều 4/7.

Ông Phong bị bắt vào chiều 4/7 vì hành vi Giữ người trái phép
Ông Phong bị bắt vào chiều 4/7 vì hành vi "Giữ người trái phép"

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở gỗ của ông Phong có 10 bản hợp đồng lao động nhưng chưa được kiểm tra tính xác thực và chưa đăng ký với cơ quan quản lý lao động. Điều này chứng tỏ, ông chủ xưởng gỗ Tấn Phong đã ký hợp đồng “ảo” để sử dụng lao động “chui” rồi áp dụng chế độ làm việc, quản lý hết sức hà khắc. Tất cả hành động từ làm việc đến ăn nghỉ, đi vệ sinh của các công nhân đều phải chịu sự giám sát 24/24 của 8 chiếc camera. Không ít công nhân làm thuê cho ông Phong không chịu được cảnh này đã liều mình bỏ trốn khỏi xưởng gỗ mà xung quanh được bố trí như một “pháo đài”.

Riêng trong 6 tháng của năm 2013, ông Phong thuê 6 lao động nhưng không được ký kết hợp đồng, trong số đó có anh Sơn Bồ Rót (25 tuổi, ngụ Sóc Trăng). Anh Rót cũng là nạn nhân trong việc móc nối với các “cò lao động” từ TP.HCM của ông Phong.
 
Chỉ khoảng 1 tuần làm việc, anh Rót cùng một công nhân khác không chịu được cảnh “tù binh” nên trưa 26/5, hai thanh niên này đã bỏ trốn bằng cách bơi qua hồ Cần Nôm (nằm giáp với xưởng gỗ), hậu quả anh Rót bị đuối sức chết chìm giữa hồ, người bạn cùng trốn may mắn thoát khỏi miệng “hà bá”.

Hồ Cần Nôm nơi công nhân Rót chết đuối khi cố trốn khỏi xưởng gỗ tù binh
Hồ Cần Nôm nơi công nhân Rót chết đuối khi cố trốn khỏi xưởng gỗ "tù binh"

Nhằm dễ quản lý và bóc lột sức lao động, ông Phong thông qua các “cò lao động” chỉ tuyển người làm thuê chủ yếu là người Kh’mer, học vấn thấp. Ngay khi đến xưởng gỗ, ông Phong giữ hết giấy tờ, tư trang. Theo ông Nguyễn Công Danh, Chánh thanh tra Nhà nước huyện Dầu Tiếng, hiện Đoàn kiểm tra đang hoàn tất hồ sơ, chuyển cơ quan điều tra nhằm làm rõ sai phạm của xưởng gỗ này.

Nơi ở của các công nhân nhìn như chuồng cọp
Nơi ở của các công nhân nhìn như "chuồng cọp"

Liên quan đến việc, nhiều tờ rơi có nội dung cho rằng ông Phong bị oan được rải nhiều nơi trên địa bàn xã Thanh An, gây bức xúc dư luận trong thời gian vừa qua được xác định nguồn phát tán là từ chỗ công an xã Thanh An gây ra.

Về những vấn đề này, Thiếu tá Hồ Văn Dũng cho biết, sẽ mở rộng điều tra để làm rõ động cơ, mục đích của người phát tán tờ rơi, gây hoang mang dư luận và làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Trung Kiên