Chuyên gia luật chỉ cách đòi nợ sao cho hợp pháp sau vụ đánh người ở TPHCM

An Huy

(Dân trí) - Luật sư chia sẻ việc chủ nợ xông vào nhà dân đòi nợ và đánh đập gia chủ là hành vi xâm phạm gia cư bất hợp pháp. Người gây ra vụ việc có thể bị xử lý hình sự về tội Cố ý gây thương tích.

Liên quan vụ nhóm người xông vào nhà dân trên đường Phạm Thế Hiển, phường 3 (quận 8) đòi nợ chiều mùng 1 Tết rồi đánh luôn gia chủ, luật sư đã chia sẻ với phóng viên Dân trí về vấn đề pháp lý việc đòi nợ thế nào là hợp pháp.

Cách đòi nợ hợp pháp

Luật sư Ngô Quí Linh, Giám đốc Công ty luật Mai Đăng Khang cho biết, nếu giao dịch cho vay là hợp pháp, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay trả đầy đủ khoản nợ gốc và lãi còn thiếu.

Chủ nợ có thể đề xuất một số phương án thương lượng để các bên có thể giải quyết khoản vay nợ với nhau trên tinh thần thiện chí, tự nguyện. Trường hợp các bên không thể tự thương lượng giải quyết được, bên cho vay có quyền khởi kiện bên vay ra tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.

Chuyên gia luật chỉ cách đòi nợ sao cho hợp pháp sau vụ đánh người ở TPHCM - 1

Người đàn ông bị nhóm đòi nợ hành hung ngày mùng 1 Tết (Ảnh: chụp màn hình).

Nếu bên cho vay nhận thấy bên vay có một số dấu hiệu như trốn tránh, cố tình chây ì nhằm chiếm đoạt khoản tiền đã vay hoặc phát hiện có dấu hiệu bất thường khác có thể làm đơn tố giác đến cơ quan công an về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (theo Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) hoặc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 Bộ luật hình sự).

Như vậy, pháp luật hiện nay đã có các quy định để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người cho vay. Mọi hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc xúc phạm uy tín danh dự, nhân phẩm của người khác để đòi nợ, hoặc tự ý chiếm đoạt tài sản để cấn trừ nợ… đều bị coi là hành vi trái pháp luật và sẽ bị xử lý tùy mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra.

Vì vậy, người cho vay cần hết sức kiềm chế, lựa chọn các biện pháp hợp lý và hợp pháp để đòi nợ, tránh bị rơi vào tình huống đi đòi nợ trái pháp luật.

Đánh người vay tiền là vi phạm pháp luật

Theo luật sư Linh, việc xông vào nhà đánh đập con nợ là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Trước hết, căn cứ quy định tại Điều 158 Bộ luật hình sự, hành vi xông vào nhà người vay tiền để đòi nợ có thể bị coi là tội phạm xâm phạm chỗ ở của người khác. Người vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 đến 5 năm.

Hành vi đánh đập người vay tiền có thể bị xử lý với tội danh Cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự. Theo đó, có thể không cần căn cứ vào mức độ thương tật của nạn nhân, người có hành vi phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến chung thân.

Như vậy, có thể thấy, việc gây ra thương tích có thể không cần phụ thuộc vào mức độ thương tật của nạn nhân do chủ nợ hoặc người khác gây ra đều có thể bị xử lý hình sự.

Chuyên gia luật chỉ cách đòi nợ sao cho hợp pháp sau vụ đánh người ở TPHCM - 2

Nhóm người xông vào nhà hành hung ông B. (Ảnh: Cắt từ clip).

Theo luật sư Linh, song song với trách nhiệm hình sự, người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về tinh thần, sức khỏe cho người bị xâm hại theo các quy định của Bộ luật dân sự và hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 6 tháng 9 năm 2022.

Ngoài ra, hành vi đòi nợ trái pháp luật nêu trên cũng có thể bị xử lý thêm về hành vi Gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự. Theo đó, hình phạt áp dụng đối với tội danh này có thể là phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.

Hành vi tạt sơn sẽ bị xử lý ra sao?

Luật sư Ngô Quí Linh cho biết, trường hợp chưa đến mức bị xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi Gây rối trật tự công cộng, người đòi nợ trái pháp luật như trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với rất nhiều mức phạt khác nhau tương ứng với từng mức độ vi phạm. Mức phạt từ 300.000 đồng đến 8 triệu đồng.

Hành vi chửi bới người vay tiền, người vi phạm ngoài việc có thể bị xử lý hành chính còn có thể phải bồi thường thiệt hại về mặt tinh thần cho nạn nhân.

Theo luật sư trong trường hợp có đủ căn cứ, cơ quan có thẩm quyền có thể xử lý người chửi bới con nợ với tội danh Làm nhục người khác theo các quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự.

Theo đó, người có hành vi vi phạm có thể bị phạt thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Hành vi tạt sơn nhà con nợ có thể bị xử lý hình sự với tội Gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự. Nếu hành vi tạt sơn chưa đến mức xử lý hình sự, người có hành vi tạt sơn có thể bị xử lý hành chính, buộc phải khôi phục lại tình trạng nhà của con nợ như trước khi bị tạt sơn.

Nếu người đòi nợ đe dọa giết con nợ và có căn cứ xác định con nợ lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, người đe dọa có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm theo các quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự.

Ngày 19/2, mạng xã hội lan truyền clip hơn 4 phút ghi lại cảnh 5 người vào nhà ông Đ.T.B. ngụ trên đường Phạm Thế Hiển, phường 3, quận 8. Họ lao vào đánh ông B. khi nạn nhân đang ăn cơm.

Bà Bùi Thị Ngọc Hạnh (vợ ông B.) cho biết, thời điểm xảy ra vụ việc chiều mùng 1 Tết. Chồng bà và con gái đang ngồi ăn cơm trong nhà bị nhóm người xông vào gây chuyện và hành hung.

"Chồng tôi nợ cờ bạc hơn 100 triệu đồng từ nhiều năm trước và những người này đến đòi nợ", bà Hạnh nói.