Bị cáo vụ Nhật Cường: Lúc đương chức ông Nguyễn Đức Chung như… "cậu trời"!

Phúc Lâm

(Dân trí) - Cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội khai nhận, bị cáo Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo rất quyết liệt việc dừng thầu. Ông buộc phải thực hiện vì thời điểm đó ông Chung như "cậu trời".

Ba cuộc điện thoại của cựu Chủ tịch Hà Nội

Chiều 27/12, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung được yêu cầu cách ly để Hội đồng xét xử (HĐXX) thẩm vấn các bị cáo khác trong vụ án giúp liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng thầu trái quy định.

Trả lời thẩm vấn đầu tiên, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội Nguyễn Văn Tứ khai nhận, khi ông được bổ nhiệm chức Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội, gói thầu số hóa năm 2016 đã được triển khai nhiều phần việc, trong đó gói thầu này ông Nguyễn Tiến Học - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT - được phân công thay mặt Ban Giám đốc và nhận ủy quyền của Giám đốc Sở KH&ĐT ký các văn bản liên quan.

"Thực tế, ông Học đã thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công" - ông Tứ khai.

Cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết đã nhận được chỉ đạo "rất quyết liệt" của cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung qua 3 cuộc điện thoại. Trong đó, ngày 15/5/2016, ông Tứ nhận được 2 cuộc điện thoại của ông Chung. Theo khai nhận, trong hai cuộc điện thoại này, bị cáo Chung đã rất quyết liệt yêu cầu dừng gói thầu số hóa năm 2016.

"Chủ tịch cho rằng chúng tôi làm một số công việc chưa đúng quy định của Chính phủ như chưa có ý kiến của Sở Thông tin và Truyền thông. Lý do thứ hai, Chủ tịch yêu cầu dừng thầu để đưa công nghệ số hóa mới của Nga vào" - ông Tứ nói trước tòa.

Bị cáo vụ Nhật Cường: Lúc đương chức ông Nguyễn Đức Chung như… cậu trời! - 1

Bị cáo Nguyễn Văn Tứ - cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội (Ảnh: TTXVN).

Cuộc điện thoại thứ 3 của ông Nguyễn Đức Chung với bị cáo Tứ diễn ra vào sáng ngày 16/5/2016, ngay trước cuộc họp giao ban của Sở KH&ĐT. Theo khai nhận của bị cáo Tứ, cuộc gọi này, ông Chung yêu cầu dừng thầu duy nhất một lý do là để đưa công nghệ mới vào.

Cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội thừa nhận, trước giờ mở thầu, Sở này đã thực hiện hoàn toàn đầy đủ các yêu cầu theo luật định. Theo quy định, bản thân ông là người có thẩm quyền đối với gói thầu này. Ngoài 3 cuộc điện thoại của bị cáo Chung, ông không nhận được văn bản nào yêu cầu dừng thầu.

"Bị cáo thấy ông Chung chỉ đạo rất quyết liệt, nói bị cáo nếu không dừng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật…" - bị cáo Tứ nói và cho hay, Sở KH&ĐT do trực tiếp ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo, ông không còn lựa chọn nào, buộc phải dừng thầu.

Đối với văn bản thông báo dừng thầu được ông Nguyễn Tiến Học ký sau đó, bị cáo Tứ cho rằng, văn bản này được ban hành theo ý kiến của Chủ tịch Hà Nội chứ không phải ý kiến của ông.

Bị cáo Tứ thừa nhận, việc dừng thầu là không đúng quy định "nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng vì Chủ tịch nêu lý do đưa công nghệ mới vào".

"Nếu biết rằng thiệt hại như kết luận thì bị cáo không bao giờ cho dừng" - cựu Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội nói.

"Ông Chung như… cậu trời"

Bị cáo Nguyễn Văn Tứ khai nhận, sau khi gói thầu được mở lại, Sở KH&ĐT đã làm văn bản xin ý kiến và được UBND thành phố đồng ý cho Công ty Nhật Cường thí điểm số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Kết quả, Nhật Cường mới chỉ hoàn thành được phần số hóa tài liệu, chưa đính được tài liệu lên hệ thống.

Cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cũng thừa nhận, vào dịp Tết Nguyên đán năm 2017, bị can Bùi Quang Huy có đến chúc Tết, biếu một chai rượu ngoại và 300 triệu đồng, nói rằng "năm nay công ty em làm ăn được, trong đó có trúng gói thầu của Sở anh". Ông Tứ từ chối thì Bùi Quang Huy nói rằng đây chỉ là quà Tết, không liên quan đến việc trúng thầu.

Theo lời bị cáo Tứ, sau này nhìn lại sự việc, ông thấy rằng phía Nhật Cường không hẳn "vô tư" như vậy mà thực tế đã được hưởng lợi lớn từ gói thầu. Ông nhận thức đó là số tiền hưởng lợi bất chính vì có liên quan đến việc chỉ đạo gói thầu số hóa năm 2016 mà Công ty Nhật Cường đã trúng thầu nên đã tác động với gia đình nộp lại số tiền trên.

Chủ tọa vặn hỏi về những chỉ đạo của cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, bị cáo Nguyễn Văn Tứ cho biết, ông là cấp dưới, ông Chung là cấp trên, lại có tính cách chỉ đạo rất quyết liệt, quyết đoán.

"Đến bây giờ ông Chung vướng hết vụ án này vụ án kia nhưng thời điểm đấy ông như là cậu trời…" - bị cáo Tứ đang trình bày thì bị chủ tọa ngắt lời, yêu cầu không khai lan man.

Kết lời, cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, bản thân đồng tình với cáo trạng, song có một số khía cạnh ông xin HĐXX có cái nhìn đa chiều để đưa ra phán quyết đúng người đúng tội.

Theo cáo buộc, quá trình thực hiện gói thầu số hóa năm 2016, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bị cáo Nguyễn Văn Tứ đã chỉ đạo các bị cáo Nguyễn Tiến Học, Phạm Thị Kim Tuyến, Phạm Thị Thu Hường tham mưu, ban hành văn bản số 2109 ngày 16/5/2016 về việc tạm dừng công tác lựa chọn nhà thầu gói thầu số hóa năm 2016 trái với quy định tại Điều 17, Điều 92 Luật Đấu thầu, Điều 123 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.

Sau khi tạm dừng gói thầu, bị cáo Tứ đã chỉ đạo cho Công ty Nhật Cường vào làm thí điểm, đưa thêm yêu cầu cập nhật công nghệ số hóa đã được thực hiện trong quá trình thí điểm (mặc dù kết quả thí điểm không đạt yêu cầu), thêm yêu cầu phải cập nhật hệ thống dữ liệu dùng chung thành phố trong khi thành phố chưa có hệ thống dùng chung để sửa đổi hồ sơ mời thầu, tạo lợi thế cho Công ty Nhật Cường (liên danh Nhật Cường - Đông Kinh tham gia gói thầu) trúng thầu gói thầu số hóa năm 2016, vi phạm Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ, quy định về lập hồ sơ mời thầu.

Hành vi của Nguyễn Văn Tứ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu, thuộc các hành vi bị nghiêm cấm, quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật Đấu thầu.