Thành công của mô hình đổi pin xe máy điện có thể "màu nhiệm" với cả ô tô

Nhật Minh

(Dân trí) - Mô hình đổi pin nhanh hơn đổ xăng đã chứng minh được hiệu quả với xe 2-3 bánh chạy điện. Và đó là lý do một số nhà sản xuất ô tô điện đã nhanh chóng "vào việc".

Hsiao Ding Hong, nhân viên văn phòng 26 tuổi ở Đài Loan, cực kỳ hài lòng với chiếc xe máy điện Gogoro của mình. Nó không gây ồn khi hoạt động, không rung, cũng không phát thải ô nhiễm. Xe có ngoại hình ưa nhìn với màu sơn xám phối xanh lơ, có thể điều khiển qua ứng dụng trên điện thoại thông minh và thậm chí có thể hát chúc mừng vào ngày sinh nhật Hsiao. Trên hết, nó chỉ mất một phút để có một bộ pin đầy.

Thành công của mô hình đổi pin xe máy điện có thể màu nhiệm với cả ô tô - 1

Các công ty như Gogoro đã chứng minh hiệu quả của mô hình đổi pin với xe 2 bánh và 3 bánh (Ảnh: Bloomberg).

Giải pháp hoàn hảo cho xe máy điện ở châu Á

Mức phí đổi pin cho chiếc xe máy điện của Hsiao là 849 Đài tệ, tương đương 650 ngàn đồng, không hạn chế số lần đổi pin, cho phép anh di chuyển tối đa 630km/tháng. Vào các ngày trong tuần, Hsiao dùng xe máy đi làm công việc hành chính tại một trường đại học ở thành phố Hoa Liên. Ứng dụng trên điện thoại sẽ xác định trạm gần nhất có pin sạc đầy sẵn để đổi. Khi tới đây, anh chỉ cần tháo hai bộ pin đã cạn trong xe ra, lắp vào thiết bị giống như máy bán hàng tự động, rồi lấy bộ pin đầy lắp vào xe. Tất cả chỉ mất 60 giây và anh lại có thể lên đường, yên tâm rằng xe sẽ chạy được khoảng 65km mới hết pin.

"Nếu không có dịch vụ đổi pin thì có lẽ tôi sẽ mua một chiếc xe máy điện", Hsiao nói. Trước đây, anh đi xe chạy xăng và mới chuyển sang xe máy điện từ năm 2021. "Dịch vụ đổi pin thực sự hấp dẫn, vì nó giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian".

Hsiao là một trong nhiều người tiêu dùng ở châu Á bắt đầu quen với việc sử dụng xe điện nhờ sự tiện dụng của dịch vụ đổi pin. Dù quy trình đổi pin phức tạp hơn với ô tô điện, nhưng các công ty như Gogoro đang chứng minh nó hoàn toàn phù hợp với xe 2-3 bánh vì nhanh và tiện, khiến người dùng không phải lo lắng về việc xe hết pin giữa đường, từ đó thúc đẩy doanh số xe điện.

Thành công của mô hình đổi pin xe máy điện có thể màu nhiệm với cả ô tô - 2

Việc đổi pin cho xe máy điện chỉ mất một phút, nhanh hơn thao tác đổi xăng (Ảnh: Bloomberg).

Tuy nhiên, việc phổ cập xe điện không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Ví dụ, ở Ấn Độ, gần 80% số xe bán ra thị trường là xe hai bánh, ba bánh, hoặc xe kéo, chiếm khoảng 1/3 lượng nhiên liệu tiêu thụ cho phương tiện giao thông, theo BloombergNEF. 

"Điện khí hóa xe hai bánh và ba bánh có thể giúp giảm khí thải ô nhiễm trong thập kỷ này, trước khi lượng xe điện tăng lên ở các phân khúc khác", nhà phân tích Allen Tom Abraham của BloombergNEF cho biết. Hồi năm 2020, mới chỉ có 2% xe hai bánh ở Đông Nam Á là xe điện. Theo dự báo của BloombergNEF, tỷ lệ này sẽ tăng lên 20% vào năm 2030, một phần nhờ mô hình đổi pin. 

Hiện tại, Gogoro cho biết họ có hơn 500.000 người dùng dịch vụ đổi pin mỗi tháng, và mỗi phút có hơn 260 người thực hiện việc đổi pin ở hệ thống của họ ở Đài Loan. Ngoài ra, họ cũng đang triển khai các chương trình thử nghiệm ở Indonesia, Philippines và Ấn Độ.

Tại Ấn Độ, công ty RACEnergy bán bộ kit chuyển đổi xe lôi chạy xăng thành xe chạy điện, sử dụng loại pin có thể đổi ở trạm dịch vụ. Tại Singapore, công ty MO Batteries đang triển khai chương trình thử nghiệm đổi pin, và dự kiến vào cả Malaysia. Công ty cũng đang thử nghiệm dịch vụ này với công ty vận chuyển DHL ở Việt Nam. Tiềm năng của mô hình đổi pin thu hút sự chú ý của các công ty đa quốc gia: Honda Motor gần đây đã lắp đặt trạm đổi pin đầu tiên của mình cho xe điện ở Tokyo (Nhật Bản).

Mô hình đổi pin ô tô điện thất bại ở phương Tây

Hầu hết nỗ lực xây dựng mô hình đổi pin của các công ty phương Tây đều thất bại. Công ty khởi nghiệp Better Place của Israeli đã ra mắt dịch vụ này phục vụ ô tô điện vào năm 2007, nhưng đến năm 2013 thì phá sản, chủ yếu do chi phí phát triển cơ sở hạ tầng sạc và đổi pin cho xe quá lớn. Cũng trong năm đó, Tesla đã công bố kế hoạch phát triển hệ thống trạm đổi pin 90 giây cho xe Model S, nhưng không thể hiện thực hóa nó. 

Các trạm đổi pin dành cho xe 2-3 bánh dễ làm hơn so với ô tô, cả về mặt kỹ thuật lẫn chi phí. Ngoài ra, các công ty như Gogoro thường ký thỏa thuận hợp tác để đảm bảo rằng nhiều nhà sản xuất sử dụng cùng một loại tin tiêu chuẩn có thể dùng lẫn trên xe của các hãng khác nhau. Ngược lại, việc thiếu sự phối hợp giữa các nhà sản xuất pin ô tô khiến cho mô hình đổi pin khó triển khai ở hầu hết mọi nơi ngoài Trung Quốc.

Chetan Maini, người chế tạo mẫu ô tô điện đầu tiên của Ấn Độ - Reva, hiểu rõ việc khó thuyết phục người dùng chuyển sang dùng xe điện như thế nào. Khi Maini chuẩn bị bán mẫu Reva ra thị trường vào đầu những năm 2000, ở Ấn Độ có rất ít xe điện, do chi phí quá cao và cơ sở hạ tầng sạc hạn chế. Ông đã mất cả chục năm để vượt qua những rào cản này.

Năm 2017, Maini đồng sáng lập công ty khởi nghiệp Sun Mobility chuyên dịch vụ đổi pin ở Bangalore, đến nay đã bắt tay hợp tác với khoảng 10 nhà sản xuất xe lôi và xe máy điện. Giờ đây, các khách hàng có thể đổi pin cho xe tại gần 300 trạm của Sun Mobility đặt tại 18 thành phố trên khắp Ấn Độ. 

Maini cho rằng việc để người dùng không phải gánh chi phí pin khiến quá trình điện khí hóa dễ thực hiện hơn, vì pin chiếm tới gần một nửa giá xe điện. Được sự hậu thuẫn của công ty Bosch Gmbh (Đức) đang nằm 26% cổ phần, Sun Mobility hiện có khoảng 15.000 khách hàng, tăng gấp 7,5 lần so với năm ngoái, và đang thảo luận với các nhà đầu tư để huy động ít nhất 100 triệu USD phục vụ việc mở rộng hệ thống, theo nhà đồng sáng lập công ty - ông Ajay Goel. Ông Maini ước tính người dùng xe máy điện tiết kiệm được tới 40% chi phí sử dụng hàng tháng.

"Xét về mặt thời gian và không gian, mô hình đổi pin đang là giải pháp hiệu quả", ông Abhinav Singh, giám đốc phụ trách hoạt động vận chuyển của Amazon Ấn Độ, cho biết. Năm ngoái, công ty này đã tăng gấp đôi số lượng xe sử dụng dịch vụ đổi pin của Sun Mobility lên 200. "Bạn có thể điều xe rất nhanh", ông nói. 

Công ty ô tô điện Trung Quốc "tất tay" với mô hình đổi pin

Nếu như các nhà sản xuất ô tô phương Tây vẫn chưa mặn mà với giải pháp đổi pin, mà chỉ tập trung vào công nghệ sạc, thì  ở Trung Quốc, nhiều công ty đang "tất tay" với giải pháp này.

Đi tiên phong về công nghệ đổi pin xe điện là hãng Nio và gần đây nhất là Geely, với kế hoạch triển khai 5.000 trạm đổi pin trên khắp Trung Quốc vào năm 2025.

Phần lớn các trạm sạc được thiết kế để phục vụ xe du lịch của Geely, nhưng công ty cũng không bỏ qua phân khúc xe tải cỡ lớn dùng trong hoạt động xây dựng và logistics. Mới đây, Geely đã mở một trạm đổi pin cho cả xe trộn xi măng.

Trong khi đó, Nio vừa triển khai công nghệ đổi pin mới, cho phép mỗi trạm đổi 408 bộ pin/ngày, tăng 30% so với các trạm dùng công nghệ cũ. Nio cho biết sẽ lắp đặt 1.000 trạm đổi pin mới trên khắp Trung Quốc ngay trong năm nay. Trong đó sẽ có 400 trạm được lắp đặt ở dọc đường cao tốc thu phí, còn 600 trạm sẽ được lắp trong các khu đô thị. Nio hiện vận hành 1.300 trạm đổi pin.

Nio không chỉ có kế hoạch mở rộng hệ thống trạm đổi pin ở Trung Quốc, mà còn kỳ vọng số lượng trạm đổi pin trên toàn cầu sẽ vượt mốc 4.000 vào năm 2025 (Video: Car News China).

Những rào cản

Dù thành công ở châu Á là bài học kinh nghiệm đáng giá cho các nước đang phát triển khác - dịch vụ tương tự đang được triển khai ở Kenya và Brazil, nhưng mô hình đổi pin xe điện vẫn còn nhiều rào cản, khó khăn cần vượt qua, lớn nhất là việc tiêu chuẩn hóa pin. Các công ty như MO Batteries đang nỗ lực cung cấp các giải pháp có tính toàn cầu, nhưng khả năng thành công của bất kỳ công ty khởi nghiệp nào trong lĩnh vực đổi pin cũng bị giới hạn bởi số lượng nhà sản xuất sử dụng loại pin mà nó hỗ trợ.

Thực tế là trạm đổi pin là mô hình đang được mở rộng, nhưng vẫn không đủ để hỗ trợ việc chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng xe điện. Ví dụ, ở Ấn Độ, mỗi lần đổi pin tại trạm Sun Mobility cho phép các xe ba bánh chở hàng của Amazon di chuyển 45km, đủ để giao hàng trong nội đô Mumbai nhưng không đáp ứng được nhu cầu tới các vùng ngoại ô. 

Ngay cả với sự hiện diện của mô hình đổi pin, cũng cần có thời gian để người tiêu dùng xóa bỏ mối lo xe hết pin giữa đường. Tại Đài Loan, nơi Gogoro đã đầu tư hàng triệu USD và gần một thập kỷ để mở rộng mạng lưới, Hsiao vẫn phải lên kế hoạch trước cẩn thận cho việc đổi pin, dù chỉ di chuyển khoảng 30km trong thành phố. Anh cũng phải đổi pin nhiều hơn mức cần thiết vì việc đi xe lên dốc khiến anh lo nó có thể hết pin giữa đường. "Đó là cảm giác yên tâm. Nếu đi xe chạy xăng thì tôi không phải lo lắng việc này", Hsiao nói.