Tôi đi “tiếp thị” an toàn tình dục

Đến quán nhậu, cánh mày râu thường quen mắt với các cô gái váy ngắn mời chào các sản phẩm bia rượu. Gần đây, họ được tiếp nhận thêm một loại sản phẩm mới: tình dục an toàn.

Khoác trên người chiếc áo của đội ngũ tuyên truyền viên dự án Sức khỏe nam giới tại TPHCM (ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS), trong vai một tình nguyện viên, tôi đã vào quán nhậu...

Để nói chuyện khó nói...

Tôi rụt rè cầm xấp tờ rơi và một lố bao cao su theo Phạm Hoàng Yến, thành viên của nhóm, vào quán lẩu dê trên lề đường Nguyễn Công Trứ. “Các anh ơi!...”- Yến mở đầu bằng câu ngọt lùi với các mày râu.

“Tiếp thị gì vậy em?” - một anh mồm nhồm nhoàm chẳng cần ngẩng đầu hỏi. Chẳng mấy khó khăn với vài câu mào đề, Yến và tôi được các chàng vui vẻ kéo ghế mời ngồi. Chỉ trong ít phút, từng người một được Yến khéo léo kéo vào tham dự bày tỏ quan điểm và những hiểu biết về sự lây lan HIV/AIDS.

Lấy một bao cao su, Yến hướng dẫn sử dụng một cách cặn kẽ. “Nào giờ cứ tròng vô làm đại, chứ đâu có ai chỉ bài bản vậy đâu - một mày râu thú nhận, kèm theo... thắc mắc: Hai em có chồng chưa mà rành quá vậy?”.

Hơn 30 phút truyền thông, hai chúng tôi mới rời khỏi bàn với những chiếc bao cao su, tờ rơi gửi lại và kèm theo dặn dò: “Nhậu xong nếu có nhu cầu chuyện đó, các anh nhớ xài bao để tự bảo vệ mình nha”. Hớp một ngụm nước, Yến nêu kinh nghiệm: “Truyền thông phải có sự tiếp nhận mới hiệu quả. Tùy thái độ của khách mà cuộc truyền thông sẽ dài hay ngắn, nên nói cái gì trọng tâm”. Yến lại chuẩn bị thêm một số tờ rơi và bao cao su tiếp tục chọn một bàn khác.

22h30, nồi nước lèo của chủ quán đã cạn, bàn nhậu tiễn lượt khách cuối cùng, cổ họng ai nấy khan vì “phát thanh” liên tục. Thanh Nguyệt ở tận Hóc Môn, Võ Thức Quang Duy ở Thủ Đức cho biết ngày nào về đến nhà cũng ngấp nghé 0 giờ.

“Tôi muốn biết nhưng chẳng ai nói”

Tháng 1/2006, nhóm “đánh” được 30 quán ở quận Bình Thạnh, tháng hai “đánh” qua trung tâm thành phố, tháng ba chuyển hướng về ngoại thành. Huyện Bình Chánh với đối tượng nam công nhân là mục tiêu dự án muốn tiếp cận. Quanh các khu công nghiệp của huyện Bình Chánh quán nhậu chỉ tập trung một cụm, nhà trọ nam nữ ở lộn xộn. Bữa đầu nhóm gần như về tay không vì công nhân tăng ca hoặc đóng cửa ngủ rất sớm.

Rút kinh nghiệm, hôm sau chúng tôi đi Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (xã Tân Nhựt) sớm hơn để điều nghiên trước. Dãy quán nhậu có vẻ xôm tụ vì công nhân mới lĩnh lương. Gần như đến bàn nào chúng tôi cũng được tiếp đón nồng hậu, chân tình, nói hoài cũng không dừng được. Nhiều chủ quán tạm ngưng phục vụ sà vào bàn tham gia. “Nào giờ tưởng chuyện “siđa” là của ai, ở tận đâu, giờ nghe rồi mới giật mình thấy nó là của mình, ở ngay cạnh mình” - anh Sơn, chủ quán bê thui, lẩu dê, nhận xét.

Hầu như ở bàn nào tuyên truyền viên cũng phải sử dụng mô hình để hướng dẫn cách sử dụng bao cao su một cách trực diện nhất. “Trước giờ chưa có ai nói chuyện này, bọn tui muốn biết cũng chẳng biết hỏi ai”- cánh mày râu khề khà thú thật. Tại các khu nhà trọ, từng nhóm nhỏ nam công nhân tụ lại một phòng đóng cửa lại để “phe mình nói chuyện”.

Sự cố gần như phải đối diện hằng ngày. Chẳng hạn một quán bia tươi ở quận 1 khách chật kín nhưng chủ quán không cho vào, nhóm phải hùn tiền vào quán gọi vài món lai rai, rồi mới đi từng bàn tiếp cận. Huỳnh Tấn Tài đã từng bị chủ quán túm cổ khi đang truyền thông.

Còn ở quán nhậu trên đường Lý Tự Trọng, chủ quán kiểm tra chất lượng bằng cách cho truyền thông trước với đội ngũ phục vụ nam, vậy mà tối kéo đến tiếp cận truyền thông thì quán lại toàn khách nước ngoài! Tuy vậy, nhiều hôm nhóm cũng nhận được nhiều lời mời từ một số cán bộ, giám đốc các doanh nghiệp tại bàn nhậu. Họ rất khoái đã đề nghị nhóm đến truyền thông cho cánh công nhân nam ở đơn vị mình.

Anh Trần Bá Cường - giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Thành đoàn TPHCM, điều phối viên dự án - cho biết: “Hơn 6.000 nam thanh niên đã được nhóm tiếp cận, truyền thông (tổng số của dự án là 12.000 người). Xong ở huyện Bình Chánh nhóm sẽ trở lại quận 1 và Bình Thạnh với đối tượng là cánh tài xế đường dài. Cũng vì tính chất công việc mà ban đầu dự án không tuyển nữ.

Nhưng cuối cùng các cô gái lại có mặt trong đội hình vì khả năng và bản lĩnh truyền thông của mình đã thuyết phục. Tất cả thành viên đều tinh nhuệ”.

“Công việc khá cực, thời gian cũng ngặt, nhưng thật hấp dẫn. Sự truyền thông của mình thật sự đã đem lại những kiến thức bổ ích để khách hàng thay đổi hành vi” - một bạn tình nguyện viên nói. 

Theo Tố Oanh
Tuổi Trẻ