Thư gửi người bạn trẻ: “Giấc mơ Mỹ”

Người ta thường nói về "Giấc mơ Mỹ" (American Dream). Không biết đã có bao nhiêu người thành công thực hiện được giấc mơ đó, nhưng nó vẫn luôn có một lực hấp dẫn lớn đối với không ít người "mong muốn sống một đời sống lạ", như lời tâm tình của một cô ca sĩ Việt vừa mới định cư sang đây.

Tôi có chị bạn vừa bảo lãnh sang cậu con trai lớn gần 30 tuổi, tưởng gia đình đoàn tụ vui vẻ nhưng trông chị lại rất buồn. Chị cho hay anh ta cứ nhất định đi Mỹ cho được, nay đã sang đây rồi lại nằm khềnh ra đó, than thân trách phận, nói nếu biết trước cơ sự khó khăn kiểu này thì đã không đi. Anh đã có vị trí vững vàng ở trong nước, nay phải bắt đầu lại từ đầu thì không biết làm sao đây.

Trường hợp đó có lẽ cũng không mấy căng nếu so sánh với các nghệ sĩ. Cô bạn của con gái tôi, một nghệ sĩ từng đoạt giải nhất cuộc thi toàn quốc biểu diễn đàn dân tộc. Lấy chồng sang Mỹ tưởng dễ dàng thi thố tài năng mình, nay hầu như bỏ nghề. Chỉ ráng ra được một CD (ít ai mua, chủ yếu để biếu bạn bè), đi biểu diễn "chùa" (không có thù lao) một vài show văn nghệ quyên tiền làm từ thiện, gây quỹ cộng đồng.

Tình trạng một số ca sĩ nổi danh từng làm live show ở Việt Nam sang đây chắc cũng dễ thất vọng. Ở xứ này khó có ai kiếm sống nổi bằng nghề ca hát, nhất là trình diễn nhạc Việt.

Mấy nhạc công, ca sĩ than: "Ở bên nhà, mỗi đêm đi đàn, đi hát, sang đây cả tuần chỉ có mỗi cái weekend (ngày nghỉ cuối tuần). Mà dễ gì chen chân vào. Không có cái nghề khác phòng thân thì có mà chết đói !".

Đó là chưa kể việc phải đối phó ngay với thực tế cuộc sống ở xứ người. Nào thi lấy bằng lái xe (ở các nước khác còn có hệ thống xe công cộng, còn ở Mỹ thì kẹt cứng, ra đâu cũng gặp freeway (xa lộ), không dám chạy), học ngay một nghề tay trái để kiếm sống. Rồi phải tiết kiệm từng đô la, cuối tháng là phải đương đầu với một đống bill (biên lai) đủ thứ tiền phải thanh toán!

Học lại ư, làm nghề gì đây? Kéo dài bao nhiêu lâu? Lại còn phải hiểu và nói được tiếng người ta, cũng hơi "bị" khó đấy. Bản thân tôi mới vài năm quay trở lại Pháp, Mỹ, nghe người ta nói mà mình khó hiểu theo kịp!

"Giấc mơ Mỹ" nhiều khi phải trả giá đắt và tưởng chừng như là "ảo ảnh cuộc đời" đối với những ai quá mơ mộng!

Tuy nói vậy chứ không phải tình hình toàn đen tối cả. Người có kinh nghiệm nói khởi đầu thì ai cũng như vậy. Khối người mình đã sinh sống được ở xứ người. Cái chính là phải có ý chí và quyết tâm vượt qua, nếu có năng lực và tài năng thì càng tốt hơn. Và cũng nên khoan ước mơ to tát quá.

Tôi quen một anh người trẻ lấy cô bạn cũ định cư trước ở Mỹ, chờ đợi mấy năm anh mới sang được. Anh vẫn tiếp tục làm việc, vừa tìm hiểu và chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho cuộc sống mới ngay từ khi còn ở quê nhà. Đến nơi là lao vào học tiếng, không nề hà làm bất cứ công việc gì, "đi cày" cật lực kiếm sống cái đã.

Trước mắt thì muôn vàn khó khăn đó, nhưng tôi nghĩ những người như vậy trước sau gì rồi cũng vượt qua được thử thách và thành đạt. Dĩ nhiên, không phải ai cũng dễ dàng vượt qua giai đoạn thử thách (thường là đối với người hơi lớn tuổi). Lẻ tẻ tôi cũng gặp ở trong nước có người đã quay trở lại quê nhà.

Phần lớn các em ở lứa tuổi đôi mươi hoặc trẻ hơn thì dễ hội nhập. Chỉ vài năm là theo kịp người, với điều kiện là có quyết tâm và không ngại khó. Em N. mấy năm trước, viết thư cho bạn ở Việt Nam, nói mình khởi đầu ở Hoa Kỳ bằng cách vừa đi học vừa làm nghề bốc vác cho hãng dịch vụ chuyển hàng nhanh UPS, các bạn em không tin. Tuy vậy, điều đó là có thật. Nhưng bây giờ em đã là một chuyên gia vi tính vào hạng giỏi.

Người Mỹ thường nêu quyết tâm thực hiện cho được "Giấc mơ Mỹ" của họ. Không phải ai cũng thành đạt theo như niềm ước mơ ban đầu, nhưng ít ra nó cũng khuyến khích ta tiến tới. Đây là một xã hội cạnh tranh rất dữ dội, ta phải tranh đua với không ít người tài giỏi từ hàng chục nước khác nhau trên thế giới đến đây đua sức, ai không ráng vượt qua thì sẽ bị bỏ lại rất xa.

Người có quyết tâm và có tài thì trước sau gì cũng thành đạt, nói như những người lạc quan. Riêng bản thân tôi, tôi có nhiều lý do để không mấy tin tưởng vào "Giấc mơ Mỹ", như lời của nữ tài tử điện ảnh nổi tiếng Jane Fonda: "Nước Mỹ không phải là thiên đường!". Tuy vậy, tôi vẫn thích khía cạnh lạc quan và sinh động của giấc mơ đó.

Theo Nguyễn Hữu Thái - Thanh Niên