Sinh viên “kiếm bộn” nhờ kỳ thi đại học

(Dân trí) - Kỳ thi đại học, việc tưởng như chẳng liên quan gì đến các bạn sinh viên. Thế nhưng, không ít người “kiếm bộn” bằng việc cho thí sinh ở trọ, bán đáp án thi, thậm chí cả chạy xe ôm.

Được nghỉ hè từ ngày 26/6 nhưng Hiền, ĐH Công nghiệp quyết nán lại chờ ngày thi đại học để cho thuê phòng trọ của mình để có thêm ít tiền. Chẳng cần treo biển, hay rao có chỗ trọ, tự thí sinh tìm đến khu trọ của Hiền ở Minh Khai  (Từ Liêm) hỏi phòng. Thế là cô “bắt mối” luôn, cho hai bạn nữ quê Thái Nguyên thuê trọ.

Hiền lấy mỗi bạn 30.000 đồng/ngày đã bao gồm cả điện nước. Hết một đợt thi, Hiền có khoảng 300.000 đồng, tính ra cũng thanh toán được nửa tháng tiền phòng.
 
Sinh viên “kiếm bộn” nhờ kỳ thi đại học  - 1
Sinh viên bán đáp án trước điểm thi trường HV Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: Hoài Nam).

Cả dãy trọ của Hiền, có 9 phòng thì có 4 phòng cùng tham gia vào việc cho thí sinh thi đại học ở trọ để kiếm tiền. “Chúng em nghỉ hè hai tháng nhưng muốn giữ phòng thì vẫn phải đóng tiền nhà. Thế này cũng để giảm bớt gánh nặng tiền phòng”, một cậu sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội có hai cậu thí sinh “ở nhờ” cho hay.

Tuy nhiên chỉ những chỗ trọ cách xa chủ nhà, sinh viên mới dám “làm ăn” kiểu này. Như Hiền, không ở cùng chủ nhà nhưng họ vẫn có thể ghé qua bất ngờ nên cô phải dặn trước ba em thí sinh nói là em họ lên thi. “Em ở lại chờ thi đợt 2 kiếm thêm ít tiền nữa rồi mới về quê. Cả hai đợt thi, em cũng đủ thanh toán thanh toán tiền phòng tháng 7”.

Không chỉ cho một hai cha con ở Quảng Ninh ở trong phòng trọ với giá 400.000 đồng cho cả đợt thi, Duy, CĐ Thành Đô còn kiêm luôn nhiệm vụ làm tài xế xe ôm cho họ. Thật ra, công việc này không xuất phát từ dự định của Duy. Trước ngày thi, ông bố chạy vạy đi “đặt” xe ôm đưa đón hai bố con cho ba buổi thi nhưng người ta đòi 100.000 đồng cho mỗi lượt đi và về nên ông không thuê nổi. Về phòng, ông bố nói với Duy: “Hay cháu chạy xe ôm giúp chú luôn”.

Duy thấy cũng hợp lý, cậu có sẵn xe máy, lại đang nghỉ hè. Duy đồng ý với “phi vụ làm ăn” này với giá chỉ bằng một nửa của các bác xe ôm. “Sáng em phải dậy từ 5 giờ, cũng mệt, đường lại tắc nhưng khi chở được bố con bác ấy đến trường thấy mình cũng giống như sĩ tử đi thi vậy. Hôm qua, em ấy làm được bài, hai cha con vui lắm”.

Một “nghề” nữa rất “hút” sinh viên trong các đợt thi đại học là bán đáp án. Minh, ĐH Thương mại cho hay, sau hai buổi bán đáp án đề thi cậu đã bỏ túi gần 300.000 đồng. “Cũng nhờ em khéo ăn khéo nói nên các phụ huynh mới bỏ tiền ra mua đấy, chứ không phải ai bán các bác ấy cũng mua đâu”, Minh khoe.

Theo ghi nhân, tại các điểm thi, xuất hiện rất nhiều bạn sinh viên bán đáp án để kiếm tiền. Thật ra việc này không có gì đáng lên án. Chỉ những bạn bán đáp án mà không quan tâm đến độ chính xác và còn tranh thủ “chặt chém” phụ huynh, thậm chí có bạn có dùng áo Đoàn để “mua” lòng tin phụ huynh để bán đáp án mới là điều đáng trách.

Nói về việc sinh viên tranh thủ mùa thi cử để kiếm tiền, Hiền chia sẻ: “Có thể nhiều người nghĩ em “đục nước béo cò” nhưng đây cũng là cách kiếm tiền chính đáng. Chúng em chỉ kiếm ít tiền chứ không chặt chém vô tội vạ nên giá cả rất phải chăng, được phụ huynh và thí sinh vui lòng chấp nhận. Còn những bạn làm “con buôn” lúc này thì em không bàn tới”.

Còn Duy, tối qua cậu đã được thanh toán tiền ở trọ và tiền xe ôm, tổng tiền 550.000 đồng nhưng thấy mình tự nhiên… có nhiều tiền quá, Duy bớt lại 100.000 cho bố con họ tiền xe cộ về quê. Chẳng những thế, trưa nay, Duy còn chở miễn phí hai cha con ra tận bến xe Mỹ Đình. “Lúc về bác ấy còn nói, chẳng ai đưa con về Hà Nội thi mà ít tốn kém như bố con bác”, Duy hồ hởi.

Hoài Nam