Cử nhân, thạc sĩ ồ ạt bỏ phố về quê vì chán cảnh sống bon chen

Thư An

(Dân trí) - Quá áp lực với cuộc sống thành thị và không thể tìm việc làm, ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc chuyển về nông thôn để sống chậm lại. Nhưng đây có thể không phải là "thiên đường" của họ.

Sau một thập kỷ làm trong lĩnh vực phát triển phần mềm ở thành phố, Liu Bin (33 tuổi) bỏ việc tại một công ty công nghệ ở Thượng Hải (Trung Quốc) vào năm 2022. Tháng 3 năm ngoái, anh chuyển đến tỉnh Phúc Kiến để tận hưởng cuộc sống bình dị mà mình mong ước từ lâu.

Trong căn gác mái rộng 100m2 ở làng Qiantou (thị trấn Xiling, thành phố Ninh Đức, Trung Quốc), Liu mở tiệm cà phê sách với giá thuê mặt bằng là 1.000 nhân dân tệ/tháng (hơn 3,4 triệu đồng). Ngoài khoản này, chi tiêu hàng tháng của anh cũng chỉ rơi vào tầm đó.

Chàng trai gốc Tô Châu chia sẻ với Lianhe Zaobao: "Tôi xuất thân từ một vùng nông thôn và phải chật vật khi sống ở thành phố. Mọi thứ thật mông lung. Tôi không thể cứ mãi thuê nhà sau khi kết hôn và có con. Tiền vay mua nhà, chi phí chăm sóc sức khỏe và giáo dục đều rất tốn kém".

Tương tự Liu, nhiều thanh niên Trung Quốc làm việc ở khu vực thành thị đều có chung suy nghĩ rằng, họ có cật lực làm việc cả đời cũng không đủ để ổn định cuộc sống ở thành phố lớn.

Cử nhân, thạc sĩ ồ ạt bỏ phố về quê vì chán cảnh sống bon chen - 1

Liu Bin từ bỏ sự nghiệp 10 năm để bắt đầu cuộc sống ở ngôi làng nông thôn (Ảnh: Liu Bin).

"Nông dân kỹ thuật số" ngày càng tăng

Tình trạng căng thẳng do thất nghiệp và công việc gây ra đang thúc đẩy ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc chuyển từ thành phố về nông thôn để theo đuổi lối sống "nằm yên". Tuy nhiên, Liu không nghĩ như vậy.

"Sau cùng, tôi vẫn cần làm việc", anh giải thích.

Số tiền 100.000 nhân dân tệ (hơn 340 triệu đồng) mà Liu đầu tư để mở quán cà phê sách là công cuộc khởi nghiệp đầu tiên của anh ở làng Qiantou. Nơi này vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, chưa nhộn nhịp như những ngôi làng khác ở vùng lân cận nên chàng trai có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn.

Mặc dù không có dữ liệu thống kê về số lượng thanh niên Trung Quốc chuyển đến sống ở nông thôn vài năm qua, sự chuyển dịch này đã trở thành xu hướng mới trong giới trẻ. 

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nông thôn (RCRE) của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc vào tháng 4/2023, có hơn 40.000 nhà sáng tạo nội dung liên quan đến cuộc sống nông thôn trên nền tảng Douyin tính đến tháng 12/2021.

Trong số đó, nhóm lớn nhất là công nhân cổ trắng (người lao động trí thức) trở về từ thành phố để khởi nghiệp (21%), tiếp đó là công nhân nhập cư (17%) và sinh viên đại học (13%). Xét về độ tuổi, 54% số này trong độ tuổi 31-40.   

Zhang Jing - trợ lý nghiên cứu của RERC phụ trách báo cáo trên - nói rằng, trong số "nông dân kỹ thuật số" trên Douyin, 62,96% có trình độ đại học và 33,33% có ít nhất là bằng thạc sĩ.  

Cử nhân, thạc sĩ ồ ạt bỏ phố về quê vì chán cảnh sống bon chen - 2

Liu Bin đầu tư số tiền không nhỏ để mở quán cà phê sách ở làng Qiantou, thành phố Ninh Đức (Ảnh: Liu Bin).

Trong cuộc khảo sát với 2.007 thanh niên do China Youth Daily thực hiện năm 2023, hơn 70% số người được hỏi cho rằng, vùng nông thôn hấp dẫn hơn thành phố chủ yếu do nhịp sống chậm, ít cạnh tranh căng thẳng và chi phí sinh hoạt rẻ hơn.

Khi một thế hệ thanh niên Trung Quốc hướng về vùng quê, một số làm vậy để theo đuổi lối sống tích cực hơn, còn những người khác tìm kiếm cơ hội làm ăn ở các ngôi làng kém phát triển.

Zhao Yanjun - 33 tuổi, đến từ làng Yaozu, thành phố Thiều Quan, phía Bắc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc - là một ví dụ. Sau khi nhìn thấy tiềm năng của các sản phẩm nông nghiệp địa phương, anh bỏ việc tại một công ty công nghệ ở thành phố Quảng Châu để về quê bán mật ong vào năm 2015.

Vận dụng kiến thức sẵn có về thương mại điện tử, Zhao giúp nhiều nông dân địa phương tăng doanh số bán sản phẩm. Các đặc sản quê anh cũng được tỏa đi khắp Trung Quốc.

Từ thành công ban đầu, Zhao mở trang trại nuôi ong và sản xuất mật ong của riêng mình. Sau 5 năm làm việc chăm chỉ, anh hiện sở hữu 6 trang trại như vậy và được chính phủ chỉ định làm cơ sở trình diễn nghề nuôi ong cho vùng Yaoshan.

Cử nhân, thạc sĩ ồ ạt bỏ phố về quê vì chán cảnh sống bon chen - 3

Zhao Yanjun hiện sở hữu 6 trang trại nuôi ong là doanh nghiệp kiểu mẫu cho vùng Yaoshan (Ảnh: Zhao Yanjun).

Lối thoát cho giới trẻ?

Tăng trưởng kinh tế chậm lại, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và nông thôn đang mất dần sức sống khiến chính phủ Trung Quốc khuyến khích người trẻ về nông thôn xây dựng quê hương.

Để giảm bớt áp lực tìm việc, nhiều tỉnh của Trung Quốc tăng cường tuyển dụng công chức và nỗ lực thu hút thanh niên về nông thôn làm việc.

Meng Jie (23 tuổi) tham gia kỳ thi công chức năm 2022 và vượt qua hơn 10 người để nhận được công việc ở một ngôi làng. Nhiệm vụ chính của anh là đảm bảo an toàn cho người dân địa phương. Vào mùa thu, Meng đi tuần tra để xác định nguy cơ cháy rừng. Tới mùa đông, anh đến từng nhà kiểm tra hệ thống sưởi ấm nhằm ngăn ngừa ngộ độc khí gas.   

Công việc của Meng không liên quan đến những gì anh học ở trường đại học và có mức lương thấp hơn nhiều so với mong đợi. Hiện tại, chàng trai kiếm được khoảng 3.500 nhân dân tệ/tháng (hơn 12 triệu đồng), thấp hơn mức lương trung bình hàng tháng là 5.990 nhân dân tệ (20,5 triệu đồng) mà một sinh viên tốt nghiệp đại học khóa 2022 kiếm được, theo số liệu chính thức.

Dù vậy, tiền bạc với Meng không phải vấn đề chính. Là một người lớn lên ở thành phố lớn, anh không quen với môi trường sống khắc nghiệt và thiếu các lựa chọn giải trí ở vùng quê. 

"Hai người sống cùng nhau trong ký túc xá nên việc nuôi thú cưng rất bất tiện. Ở đây cũng có rất ít nhà hàng để lựa chọn", anh kể.

Để cuộc sống thoải mái hơn và có chỗ nuôi thú cưng, Meng phải chi 1.500 nhân dân tệ/tháng (hơn 5,1 triệu đồng) để thuê nhà trong thị trấn. Cuối tuần, anh cũng lái xe hơn 2 tiếng vào thành phố để gặp bạn bè trên chiếc ô tô nhỏ do bố mẹ tài trợ.

Có nhiều lý do khiến Meng có phần do dự về việc gắn bó lâu dài ở nông thôn.

Cử nhân, thạc sĩ ồ ạt bỏ phố về quê vì chán cảnh sống bon chen - 4

Nhiều người trẻ tham gia hội chợ việc làm tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh (Trung Quốc) vào tháng 6/2023 (Ảnh: Thomas Peter/Reuters).

Tan Gangqiang - người đứng đầu trung tâm tư vấn tâm lý ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc - cho biết, ngày càng có nhiều thanh niên Trung Quốc mong muốn hoặc trở về sống và làm việc ở nông thôn phản ánh hai xu hướng. 

Đầu tiên là sự tuyệt vọng do thiếu các lựa chọn. Một số người gặp khó khăn ở thành phố, đặc biệt là sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm, phải về vùng nông thôn - nơi có chi phí sinh hoạt thấp hơn để tự trang trải cuộc sống. 

Thứ hai là nhiều thanh niên có thể nhận ra rằng, cuộc sống thành thị không dành cho họ. Khi có lựa chọn, họ sẽ đi đến nơi tốt hơn cho sự phát triển của mình là vùng nông thôn.

Trong khi đó, nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc cũng đang cung cấp các hình thức hỗ trợ khác nhau cho những thanh niên muốn khởi nghiệp kinh doanh ở khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, do thiếu các hoạt động thương mại và cơ hội việc làm ở khu vực nông thôn, việc trở về vùng quê có phải là giải pháp lâu dài cho hầu hết người trẻ?

Wang - người gốc Hà Bắc, Trung Quốc - về quê cách đây 14 năm để khởi nghiệp. Anh cho biết, điều kiện ở ngôi làng nơi mình sống được cải thiện so với 10 năm trước nhưng rất ít người trẻ quay lại định cư.

Các khoản đầu tư lớn và rủi ro cao cũng đồng nghĩa với việc những thanh niên thiếu kinh nghiệm, thiếu tiền bạc sẽ rất khó khởi nghiệp kinh doanh thành công ở nông thôn. 

Hiện tại, những người có thu nhập cao nhất trong làng của Wang chỉ kiếm được 2.000-3.000 nhân dân tệ/tháng (6,8-10,2 triệu đồng). Đó là lý do nhiều người trẻ tuổi không muốn quay lại làm những công việc lương thấp.

Chen Jingjing - thành viên nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Tư vấn cho Hiệp hội Nông dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc - cho rằng, để khu vực nông thôn thu hút và giữ chân thanh niên, họ cần có cơ hội phát triển tốt hơn thành phố.

"Người trẻ sẽ chỉ trở về định cư khi nông thôn phát triển hơn, có điều kiện sống tốt hơn và nhiều cơ hội việc làm hơn", ông nói.