Cần sớm có quy chuẩn xử lý hóa chất BVTV tồn lưu

Xử lý hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu là công việc đòi hỏi phải thực hiện đúng quy trình, có quy chuẩn xử lý nghiêm ngặt và phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay nước ta vẫn chưa có quy chuẩn phù hợp.

Cần sớm có quy chuẩn xử lý hóa chất BVTV tồn lưu
 
Nhằm đưa ra quy chuẩn phù hợp trong xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường tại các điểm ô nhiễm hóa chất BVTV tồn lưu, mới đây, Cục Quản lý chất thải và Cải thiện Môi trường đã tổ chức Hội thảo “Rà soát, hoàn thiện quy chuẩn dư lượng hóa chất BVTV tồn lưu trong môi trường” với sự tham gia của nhiều đơn vị liên quan.

Tại Hội thảo, nhiều vấn đề nổi cộm được đưa ra thảo luận và đánh giá một cách cụ thể, trong đó vấn đề quy chuẩn cho công tác xử lý hóa chất BVTV tồn lưu được các đại biểu “mổ xẻ” nhiều.

Theo ông Hoàng Thành Vĩnh, Phó trưởng phòng Cải thiện Môi trường, Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, hiện nay số lượng các điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất ở Việt Nam là quá lớn (1.153 điểm), chủ yếu là ô nhiễm hóa chất BVTV dạng POP tồn lưu do yếu tố lịch sử, lan truyền trên diện rộng, vấn đề lớn là đất nhiễm diện. Nếu áp dụng Quy chuẩn Việt Nam 15:2008 là 0,01ppm đối với đất nhiễm hóa chất BVTV tồn lưu như hiện tại thì chi phí quá lớn, không thực hiện được, không đảm bảo tính chi phí - lợi ích.

“Do vậy, rất cần thiết xây dựng một quy chuẩn mới chỉ để áp dụng phục vụ cho công tác xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường tại các khu vực ô nhiễm do hóa chất BVTV POP tồn lưu”, ông Vĩnh đề nghị.

Theo kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến trên thế giới như New Zealand hay Hà Lan - 2 quốc gia cũng chịu sự ảnh hưởng nặng nề từ hóa chất BVTV POP tồn lưu như Việt Nam, khi thực hiện xử lý đất nhiễm, các giá trị ngưỡng mà họ đưa ra lại rất linh hoạt, tương ứng với từng mục đích sử dụng đất cụ thể.

Ví dụ, khi xử lý vùng đất có nhiễm DDT và Adrin; mục đích sử dụng đất sau khi xử lý là làm nhà ở, các chuyên gia New Zealand đã tính toán và đưa ra ngưỡng sau xử lý đạt chuẩn với DDT là 05 ppm, với Adrin là 03ppm, cao hơn quy chuẩn hiện nay của Việt Nam lần lượt là 500 và 300 lần.

Trước những con số có phần chênh lệch này, nhiều câu hỏi đã dược đặt ra. Tuy nhiên, trên thực tế cả New Zealand và Hà Lan đều là những quốc gia rất chú trọng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Vì thế, việc đưa ra kết luận và những con số nêu trên chắc hẳn phải có sự tính toán và đánh giá kỹ lưỡng.

Các kinh nghiệm quốc tế cũng chỉ ra rằng: áp dụng một giá trị ngưỡng linh hoạt dựa trên các yếu tố ngoại vi là một cách tiếp cận quản lý hợp lý. Nếu ngưỡng xử lý quá thấp sẽ gây lãng phí thời gian, tiền bạc, không cần thiết và cũng không khuyến khích các doanh nghiệp tham gia.

ThS.Đỗ Thanh Bái - Trung tâm bảo vệ môi trường và An toàn hóa chất - Hội hóa học Việt Nam nhấn mạnh: Hiện nay, chưa có cơ quan nào đưa ra quyết định xem mức ô nhiễm POP là bao nhiêu thì đạt tiêu chuẩn cho một mục đích sử dụng cụ thể. Thêm vào đó, các lần xử lý hóa chất POP tồn lưu trước đây thường phải áp dụng ngưỡng của Chất thải nguy hại để đánh giá mức độ ô nhiễm dẫn đến tình trạng lãng phí đất.

Do đó, đã đến lúc cần đưa ra bộ quy chuẩn mới, linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Cần phân loại đất nhiễm theo các mục đích sử dụng khác nhau để thiết lập các tiêu chuẩn xử lý khác nhau nhằm xử lý đất nhiễm hóa chất BVTV tồn lưu một cách phù hợp, linh hoạt, tiết kiệm và hiệu quả.

Vân Anh