1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nhân sự trẻ hay nhảy việc vì áp lực

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Ngày càng nhiều lao động trẻ tìm kiếm công việc linh hoạt, đảm bảo chất lượng cuộc sống hơn là các công việc lương cao nhưng áp lực lớn.

Hai vợ chồng Thùy Trang đều là dân tỉnh lên TPHCM học tập rồi ở lại làm việc. Sau gần 10 năm ra trường, tổng thu nhập của 2 vợ chồng gần 30 triệu đồng mỗi tháng. Dù chi tiêu rất căn cơ, mỗi tháng Trang chỉ tiết kiệm được chừng 5 triệu đồng.

Trang chia sẻ: "Tiền học của 2 con, tiền thuê nhà là 2 khoản cố định không thể cắt giảm, chiếm gần 50% chi tiêu hằng tháng nên muốn tiết kiệm thêm cũng không được. Trong khi đó, áp lực công việc ở thành phố lớn quá. Vợ chồng tôi tính chuyển về quê sống, thu nhập thấp hơn nhưng gần nhà, đỡ mệt mỏi chuyện kẹt xe, tăng ca, chi phí đắt đỏ...".

Nhân sự trẻ hay nhảy việc vì áp lực - 1

Lao động trẻ hiện ít gắn bó với một công việc, chủ động tìm việc khác khi quá tải (Ảnh: Enervon).

Khác với chồng Trang, anh Cao Hoài Tú bỏ việc tại một trung tâm tư vấn du học Nhật Bản vì quá mệt mỏi với công việc kéo dài đến 15 tiếng mỗi ngày. Có lợi thế tiếng Nhật sau 3 năm làm thực tập sinh, Tú làm việc thuận lợi, nhận mức lương khá cao.

Tuy nhiên, vì nhà xa nơi làm và đặc thù công việc phải trực tại trung tâm ban ngày rồi còn phải tư vấn, dạy tiếng Nhật vào buổi tối nên Tú không còn thời gian riêng cho bản thân. Mệt mỏi, Tú nghỉ việc rồi chạy Grab gần 2 tháng nay, để chủ động thời gian.

Theo các chuyên gia nhân sự, nghỉ việc vì áp lực, lựa chọn công việc nhẹ nhàng hơn, đảm bảo cân bằng giữa công việc và cuộc sống đang là xu hướng ngày càng phổ biến của người lao động, nhất là trong nhóm lao động trẻ tuổi.

Trong Báo cáo xu hướng nhân tài Việt Nam mà Anphabe mới công bố, đơn vị này cho rằng: "Đối với thế hệ lao động mới, đặc biệt là Gen Z, thời gian gắn bó ngắn hạn với công ty (chỉ từ 1-2 năm) đã trở thành một chuẩn mực mới".

Mặc dù rất chú ý đến thu nhập nhưng môi trường làm việc linh hoạt, cân bằng cuộc sống đang trở thành tiêu chuẩn mới của người lao động trẻ. Theo Anphabe, có đến 71% Gen Z tham gia khảo sát cho biết sẽ cân nhắc công việc khác nếu công ty không có chế độ làm việc linh hoạt.

Nhân sự trẻ hay nhảy việc vì áp lực - 2

Làm việc linh hoạt đang trở thành tiêu chuẩn mới của người lao động (Nguồn: Anphabe).

Báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cho thấy, trong quý I/2024, TPHCM có 26.142 người được nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì có đến 71% là người trẻ tuổi.

Cụ thể, lao động nam từ 40 tuổi trở xuống nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm 32%, lao động nữ từ 40 tuổi trở xuống chiếm 39%.

Anphabe nhận định, tình trạng nghỉ việc nhanh trong giới trẻ hiện nay phổ biến đến mức nó không còn là điểm trừ lớn trong hồ sơ xin việc của họ.

Khảo sát của Anphabe vào nửa đầu năm 2023 cho thấy, cứ mỗi 10 người nghỉ việc, 7 người tìm được công việc mới ngay. Trong số 7 người này, chỉ có 1 người chấp nhận lương thấp hơn, 3 người giữ nguyên mức lương và 3 người thậm chí tìm được việc với mức lương mới cao hơn.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, dù tình trạng thất nghiệp hiện khá căng nhưng nhảy việc vẫn là thực trạng phổ biến hiện nay, đặc biệt trong giới trẻ, sinh viên mới tốt nghiệp.

Nhân sự trẻ hay nhảy việc vì áp lực - 3

Với kinh nghiệm hơn 40 năm công tác trong ngành nhân lực, ông Tuấn đánh giá: "Dù trước đây hay hiện giờ, trong quá trình lao động, mỗi người đều phải biết cân bằng thời gian giữa làm việc và chăm lo đời sống cá nhân thì mới thật sự hạnh phúc và có cuộc sống ổn định, bền vững".

"Tuy nhiên, tính bền vững còn nằm ở chỗ mỗi cá nhân cần liên tục phát triển chứ không đơn thuần là sự lựa chọn lương thấp hay cao, công việc áp lực hay không. Nếu chuyển việc chỉ theo cảm tính hoặc căn cứ đơn thuần vào thu nhập thì sự thiệt hại trước tiên thuộc về người lao động", ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.