92.000 lao động mất việc ở TPHCM, ngành nào sa thải nhân viên nhiều nhất?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Trong số gần 92.000 lao động mất việc trong 6 tháng đầu năm 2023 có gần 18.000 người trên 40 tuổi, chiếm 30%.

Chiều 3/8, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TPHCM, Liên đoàn Lao động Thành phố, Bảo hiểm xã hội TP và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đã ký kết quy chế phối hợp trong vấn đề lao động, việc làm.

92.000 lao động mất việc ở TPHCM, ngành nào sa thải nhân viên nhiều nhất? - 1

Ông Phạm Anh Thắng (đứng giữa), Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, chúc mừng 4 đơn vị tham gia lễ ký kết.

Tại lễ ký kết, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cho biết: "Trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố ghi nhận 91.968 trường hợp nghỉ việc và đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp".

Trong số gần 92.000 lao động mất việc trên, lĩnh vực cắt giảm nhiều lao động thuộc hoạt động thương mại dịch vụ (26.454 người); công nghiệp chế biến, chế tạo (23.969 người); xây dựng (1.854 người); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (1.266 người).

Có 17.752 lao động mất việc trên 40 tuổi, chiếm 30%. Số lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm tỉ lệ cao 52,41% (30.923 người).

Trong các doanh nghiệp có người lao động nghỉ việc, thành phố ghi nhận có 29 doanh nghiệp có số lượng giảm lao động trên 500 người (dựa trên số liệu doanh nghiệp báo cáo giảm tham gia BHXH), số lao động giảm là 38.462 người.

Trước tình hình đó, Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố đã tổ chức 59 phiên, sàn giao dịch việc làm trực tuyến, tư vấn việc làm cho gần 70.000 lượt người và có hơn 43.000 người nhận việc.

92.000 lao động mất việc ở TPHCM, ngành nào sa thải nhân viên nhiều nhất? - 2

Theo ông Lê Văn Thinh, trước tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế suy giảm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, công ăn việc làm của người lao động. Để thúc đẩy ổn định tình hình quan hệ lao động trên địa bàn thành phố, nhiều giải pháp đã được tích cực triển khai và phát huy hiệu quả.

Hội nghị ký kết quy chế phối hợp giữa 4 đơn vị hôm nay cũng nhằm tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm trên địa bàn Thành phố.

Để quy chế phối hợp được thực hiện tốt, 4 đơn vị đã phân công lãnh đạo các phòng, ban quản lý lĩnh vực liên quan làm thường trực, đầu mối theo dõi, phối hợp thực hiện các nội dung của quy chế.

Ông Lê Văn Thinh hy vọng, quy chế này sẽ góp phần để 4 đơn vị liên kết chặt chẽ hơn trong việc giải quyết các vấn đề lao động việc làm; góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo đời sống cho người lao động.