1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông:

Tổng Giám đốc Tổng thầu Trung Quốc nói cần thêm 50 triệu USD chạy thử tàu

(Dân trí) - Đây là thông tin được Cục 6 Đường sắt Trung Quốc - Tổng thầu Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đưa ra khi trao đổi với chủ đầu tư, 50 triệu USD này nhằm phục vụ quá trình chạy thử Dự án.

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT), trong đó có đề cập đến nhiều dự án chậm tiến độ. Điển hình là dự án Cát Linh - Hà Đông tiếp tục kéo dài thời gian đưa vào khai thác do các kỹ sư và chuyên gia kỹ thuật người Trung Quốc chưa thể quay lại Việt Nam sau dịch Covid.

Báo cáo của Chính phủ cho biết Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên chưa đủ điều kiện nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác, còn tồn tại một số các vướng mắc liên quan đến thiết bị công nghệ khu depot, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành toàn hệ thống và thanh quyết toán.

Hiện nay, dự án đã giải ngân hơn 14,7 nghìn tỷ đồng trong tổng số trên 15 nghìn tỷ đồng, đạt 81,9%.

Đáng nói, báo cáo tiết lộ tổng thầu đề nghị số tiền 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao.

Tổng Giám đốc Tổng thầu Trung Quốc nói cần thêm 50 triệu USD chạy thử tàu - 1
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa biết khi nào mới có thể tiếp tục thi công do thiếu nhân sự Tổng thầu Trung Quốc (ảnh: Toàn Vũ)

Trao đổi với PV Dân trí chiều nay (1/6), lãnh đạo Bộ GTVT cho biết:  “Quá trình trao đổi qua điện thoại, giải quyết các vướng mắc của dự án giữa Ban Quản lý dự án Đường sắt và Tổng thầu Trung Quốc, Tổng Giám đốc Cục 6 Đường sắt Trung Quốc đề cập tới việc cần 50 triệu USD để chạy thử toàn hệ thống”. 

Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, đề nghị của Tổng Giám đốc Cục 6 Đường sắt Trung Quốc đã bị bác bỏ. Chủ đầu tư khẳng định phải thực hiện dự án theo điều kiện hợp đồng. Việc này cũng được Ban Quản lý dự án Đường sắt báo lên Bộ GTVT.

“Đây là đề nghị không chính thức, không có văn bản cụ thể. Trường hợp là đề nghị chính thức thì phía Việt Nam cũng không chấp thuận và phải thực hiện theo điều kiện quyết toán đã ký trong hợp đồng EPC” - lãnh đạo Bộ GTVT nói và cho rằng chạy thử dự án là việc của Tổng thầu phải thực hiện, phía Việt Nam không có trách nhiệm phải quyết toán thêm khoản tiền này. 

UBND TP. Hà Nội và Bộ GTVT đã thống nhất thành lập Tổ công tác để xây dựng kế hoạch, giải pháp hoàn thành những nhiệm vụ cuối cùng của dự án để sớm đưa tuyến Cát Linh - Hà Đông vào vận hành khai thác theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ (thông báo 2538-TB/TU-GTVT ngày 31/3/2020).

Sáng cùng ngày, trao đổi với PV Dân trí, Ban Quản lý Dự án Đường sắt (QLDA) thông tin: Đến nay mới chỉ có 4 chuyên gia cấp cao của Tổng thầu Trung Quốc có mặt tại Việt Nam, trong đó có Giám đốc dự án Đường Hồng và 3 nhân sự khác.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho phép nhập cảnh đối với người nước ngoài làm việc tại dự án, Ban QLDA đã lên kế hoạch để đưa các nhân sự Tổng thầu trở lại Việt Nam.

“Chúng tôi đã làm đề nghị đưa 150 nhân sự còn lại của Tổng thầu Trung Quốc sang Việt Nam để tiếp tục thi công dự án và đã được TP. Hà Nội chấp thuận danh sách này. Do không có chuyến bay kết nối giữa 2 nước nên tất cả các nhân sự này sẽ di chuyển bằng đường bộ, nhập cảnh tại cửa khẩu Hà Khẩu - Lào Cai” - lãnh đạo Ban QLDA Đường sắt cho hay.  

Được biết, TP.Hà Nội đã có văn bản gửi sang Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an - để xúc tiến các thủ tục cấp visa đưa 150 nhân sự Trung Quốc trở lại Việt Nam tiếp tục thi công Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.  

Cũng theo lãnh đạo Ban QLDA Đường sắt, sau khi 150 nhân sự lao động Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, tất cả sẽ được đưa đi cách ly tập trung 14 ngày để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 theo quy định. Các lao động này chỉ được về dự án làm việc khi cơ quan y tế xác định tình trạng sức khỏe đảm bảo.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.  

Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và TVGS thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng “lỡ hẹn” và phải lùi thời hạn vận hành sang năm 2018, tiếp đó lại xin gia hạn tới tháng 4/2019, nhưng do Tổng thầu không thực hiện đúng cam kết nên tới nay tuyến đường sắt này vẫn không thể đưa vào khai thác.

Châu Như Quỳnh