1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Quán cơm thố mở 18 chi nhánh trong 2 năm Covid-19 nhờ app công nghệ

Trường Thịnh

(Dân trí) - Là thương hiệu tiên phong kinh doanh cơm thố ở Hà Nội, Cơm thố Anh Nguyễn đã có 2 năm phát triển thần tốc ngay trong đại dịch nhờ bắt tay với các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến.

Cơm thố - làn gió ẩm thực mới lạ giữa đất Hà thành

Trong 4 năm sinh sống và làm việc tại Singapore và Malaysia, anh Nguyễn Văn Hậu - 34 tuổi - có ấn tượng sâu đậm với món cơm thố của cộng đồng người Hoa sinh sống tại hai quốc gia này. Anh luôn ấp ủ giấc mơ xây dựng một cơ ngơi kinh doanh món ăn này tại quê nhà.

Trong một dịp về nước, tìm hiểu thị trường và nhận ra mô hình cơm thố chưa phát triển ở Việt Nam, anh quyết định từ bỏ công việc làm nhà quản lý lao động để về quê lập nghiệp với món cơm thố. Cửa hàng cơm thố Anh Nguyễn đầu tiên ra đời vào năm 2015, tọa lạc tại số 36 Duy Tân (Hà Nội).

Cơm được nấu riêng từng suất trong nồi (thố) nhỏ, dùng chung với các món mặn bao gồm gà quay, xá xíu, bò xào, gà áp chảo, sườn nướng… Mỗi thố cơm được bán với giá từ 35.000 đến 60.000 đồng.

Ngoài bí kíp luôn có "hạt giòn" trong thố cơm, Cơm thố Anh Nguyễn còn hút khách ở các món mặn đều được chế biến tươi mới sau khi khách đặt hàng.

Quán cơm thố mở 18 chi nhánh trong 2 năm Covid-19 nhờ app công nghệ - 1
Món cơm thố hấp dẫn thực khách bởi bí quyết "hạt giòn" và được chế biến tươi mới (Ảnh: Anh Nguyễn).

Kể về những ngày đầu lập nghiệp, anh Hậu cho biết lúc mới mở cửa hàng, mặt bằng là yếu tố tiên quyết để quyết định quán có khách hay không. "Tôi phải tính toán rất kỹ, chọn nơi tập trung đông đúc trường đại học, văn phòng. Nhờ vậy, cửa hàng đông khách, tạo động lực để tôi mở rộng Cơm thố Anh Nguyễn thành một chuỗi thương hiệu phủ sóng ở Hà Nội và TPHCM", anh Hậu kể.

Thế nhưng, vận hành một cửa hàng khác rất nhiều so với vận hành một chuỗi cửa hàng. CEO công ty này tính toán, một ngày chuỗi bán 200-300 suất, việc tính tiền và thu tiền đều làm thủ công, không có hóa đơn. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát đơn hàng và quản lý cửa hàng.

Mỗi khi khai trương cơ sở mới, đích thân anh Hậu và nhân viên phải đi phát tờ rơi quảng cáo. Anh Hậu hiểu rằng, ngày càng sẽ có nhiều người nhập cuộc kinh doanh cơm thố khiến mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt. "Do đó, lựa chọn chiến lược kinh doanh và đối tác phù hợp là cách giúp chúng tôi tạo lợi thế cạnh tranh", anh cho biết thêm.

Quán cơm thố mở 18 chi nhánh trong 2 năm Covid-19 nhờ app công nghệ - 2
Anh Nguyễn Văn Hậu, người đứng sau sự thành công của chuỗi Cơm thố Anh Nguyễn (Ảnh: Anh Nguyễn).

Mở rộng nhờ bắt tay ứng dụng công nghệ

Từ năm 2015 đến 2019, Cơm thố Anh Nguyễn mất khá nhiều công sức mới mở được 6 chi nhánh. Cuối năm 2019, ông chủ Cơm thố Anh Nguyễn quyết định bắt tay với các nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến như GoFood của ứng dụng Gojek, để giảm bớt áp lực về đi tìm mặt bằng và marketing quảng cáo. Quyết định này đến ngay trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nên CEO Nguyễn Văn Hậu đã có cơ hội để chứng minh lựa chọn của mình là đúng đắn.

Trong giai đoạn dịch, khi nhiều quán ăn, nhà hàng phải điêu đứng, đóng cửa thì Cơm thố Anh Nguyễn liên tục mở các cửa hàng mới, tăng từ 6 cửa hàng lên thành 24 cửa hàng trong vòng 2 năm. Đại diện doanh nghiệp tiết lộ, tất cả các cửa hàng đều làm ăn có lãi.

Vị CEO này thống kê từ khi Covid-19 bùng phát đến nay, Gojek là kênh bán tốt nhất trong số các ứng dụng mà chuỗi nhà hàng này hợp tác. Trước dịch, 80% doanh số thu được đến từ bán tại chỗ, 20% bán mang về, còn trong dịch và sau dịch thì tỷ lệ lại đảo ngược. Việc kinh doanh online giúp doanh nghiệp chỉ cần tìm mặt bằng trong ngõ, vừa dễ thuê vừa tiết kiệm chi phí.

"Trong quá trình làm nhà hàng gần 8 năm của tôi, hầu như 3 năm đầu là để tìm khách, bán không thể bù lỗ được. Cho đến khi bắt tay với các nền tảng giao nhận đồ ăn này, mọi thứ đã thay đổi", CEO chuỗi cửa hàng cơm thố cho biết.

Quán cơm thố mở 18 chi nhánh trong 2 năm Covid-19 nhờ app công nghệ - 3
Bắt tay với GoFood giúp nhà hàng phát triển và gia tăng doanh số (Ảnh: Anh Nguyễn).

"Một trong những ưu điểm lớn của Gojek là mức độ hiển thị của các nhà hàng trên app. Càng được hiển thị thì độ nhận diện thương hiệu của nhà hàng càng tăng, khách hàng càng đặt nhiều. Trong dịch, Gojek còn hỗ trợ nhà hàng quảng cáo OOH (quảng cáo ngoài trời) kèm tặng ô, tặng túi, tặng tem thực phẩm bảo đảm an toàn. Trên quảng cáo online, đơn vị cũng giúp chúng tôi hiển thị trên tất cả các kênh để mở rộng đối tượng khách hàng", anh Hậu nói thêm.

Bà Lê Nguyễn Ngọc Dung, Giám đốc Phát triển Đối tác GoFood của Gojek Việt Nam cho biết Gojek luôn đặt mục tiêu phát triển các giải pháp toàn diện nhằm giúp các đối tác tối ưu hóa doanh thu và tăng trưởng kinh doanh.

"Việc hiểu rõ nhu cầu cũng như các giai đoạn phát triển của các đối tác nhà hàng cho phép Gojek đưa ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời và phù hợp. Khi Việt Nam bước vào giai đoạn bình thường mới và đang trong quá trình phục hồi nền kinh tế, chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành cùng các nhà bán hàng và không ngừng hoàn thiện chất lượng dịch vụ dành cho các thành viên trong hệ sinh thái", bà Dung chia sẻ.

Nhờ nhạy bén và biết tận dụng thế mạnh của các nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến như GoFood của Gojek, Cơm thố Anh Nguyễn đã phát triển "thần tốc". CEO Nguyễn Văn Hậu kỳ vọng sẽ tiếp tục mang món cơm thố đến với nhiều tỉnh thành hơn nữa, đáp ứng nhu cầu ẩm thực ngày càng đa dạng của người dân Việt Nam.