1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Đất trụ sở công ty nhà "Cường đôla"… không thuộc sở hữu công ty

(Dân trí) - Đây là thông tin khá thú vị với một doanh nghiệp cổ phần. Thực tế, quyền sử dụng khu đất này là tài sản góp vốn của cá nhân bà Nguyễn Thị Như Loan và đã được thế chấp ngân hàng.

Mặc dù đã gần nửa năm 2020 trôi qua, song tới nay, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán QCG) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã qua kiểm toán.

Tại báo cáo này, đơn vị kiểm toán cho biết, chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến chi phí lãi vay phải trả ngân hàng BIDV - Chi nhánh Quang Trung tại ngày 31/12/2019.

“Với các tài liệu và thông tin hiện có tại tập đoàn, chúng tôi không thể xác định được chi phí lãi vay phải trả BIDV - Chi nhánh Quang Trung bằng các thủ tục kiểm toán khác” - kiểm toán viên cho hay khi nêu cơ sở ý kiến kiểm toán ngoại trừ.

Ngoài ra, theo kiểm toán viên, báo cáo tài chính của QCG cũng đang phản ánh quyền sử dụng đất với giá trị theo sổ sách là 47,6 tỷ đồng không thuộc về quyền sở hữu của tập đoàn.

Cũng chính bởi lý do báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 không nhận được ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán, do đó, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai mới đây đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM bổ sung vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.

Đất trụ sở công ty nhà Cường đôla… không thuộc sở hữu công ty - 1

Quyền sử dụng khu đất xây trụ sở QCG là tài sản góp vốn của bà Nguyễn Thị Như Loan

Có khoản vay chịu lãi tới 20%

Trong văn bản giải trình được bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai gửi Uỷ ban Chứng khoán, bà Loan cho biết, về khoản lãi phải trả tại BIDV - Chi nhánh Quang Trung, QCG phải chịu nghĩa vụ này khi sáp nhập với Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Xanh (SGX).

Cụ thể, SGX có món vay tại BIDV - CN Quang Trung và đã trả 100% nợ gốc cho ngân hàng từ năm 2013, song lãi vay tại thời điểm SGX vay quá cao mà kết quả kinh doanh của công ty này lại thua lỗ nhiều năm.

SGX đã bán tài sản để trả dứt điểm toàn bộ nợ gốc cho ngân hàng và sáp nhập vào QCG. Để giảm thiệt hại cho các cổ đông, công ty SGX đã có các tờ trình xin BIDV giảm bớt lãi vay từ 18%-20%/năm xuống còn 9%-10%/năm. Đến hiện tại, BIDV vẫn đang xem xét giải quyết.

Sau khi SGX sáp nhập vào QCG, QCG phải chịu nghĩa vụ phải trả này. Bà Nguyễn Thị Như Loan cho hay, để tỏ thiện chí, QCG đã thanh toán một phần lãi vay cho ngân hàng và tiếp tục có công văn xin giảm lãi với mức lãi hợp lý của thị trường trong bối cảnh hiện nay. “QCG đã cam kết sau khi được xem xét, QCG sẽ trích trả ngay dứt điểm phần lãi vay với BIDV” - bà Loan khẳng định.

Do thời điểm hiện tại ngân hàng BIDV vẫn đang xem xét nên công ty kiểm toán đã không thể xác định được chi phí lãi vay phải trả và đã đưa ra ý kiến ngoại trừ cho phần này.

Quyền sử dụng đất trụ sở không thuộc sở hữu QCG

Về vấn đề quyền sử dụng đất không thuộc quyền sở hữu công ty, bà Loan cho hay, quyền sử dụng đất (QSDĐ) này có diện tích 26.427 m2 và hiện đang là trụ sở văn phòng của QCG tại Gia Lai.

Đáng chú ý, theo thông tin được Chủ tịch QCG tiết lộ thì QSDĐ này là tài sản góp vốn của cá nhân bà Nguyễn Thị Như Loan vào QCG và hiện chưa được sang tên QCG vì QSDĐ này đang được thế chấp tại Vietcombank - Chi nhánh Gia Lai để đảm bảo cho khoản vay của QCG vay đầu tư nhà máy thuỷ điện Iagrai2.

Hiện tại, nhà máy thuỷ điện Iagrai2 đã phát điện và QCG đang làm thủ tục cấp QSDĐ và tài sản trên đất cho nhà máy thuỷ điện này. Ngay sau khi nhà máy thuỷ điện Iagrai2 được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, QCG sẽ tiến hành giải chấp QSDĐ nêu trên để bà Loan hoàn tất các thủ tục sang tên sở hữu cho QCG theo đúng quy định. Thời gian dự kiến hoàn thành là vào cuối năm 2020 này.

Lãi “bốc hơi” gần 28% sau kiểm toán

Báo cáo tài chính sau kiểm toán của QCG cũng cho thấy có những thay đổi đáng kể về số liệu so với báo cáo tài chính do công ty tự lập.

Đất trụ sở công ty nhà Cường đôla… không thuộc sở hữu công ty - 2

(Số liệu: BCTC QCG - Đồ hoạ: Mai Chi)

Theo đó, mặc dù doanh thu không đổi, vẫn ở mức 858,5 tỷ đồng nhưng giá vốn hàng bán lại tăng gần 3,9 tỷ đồng lên 742,9 tỷ đồng.

Trong khi doanh thu hoạt động tài chính giảm 21% so với báo cáo tài chính tự lập xuống còn 26,6 tỷ đồng thì chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 10,4% lên 23,2 tỷ đồng và chi phí khác tăng tới 71,4% lên 19 tỷ đồng.

Từ đó kéo theo tổng lợi nhuận kế toán trước thuế giảm 21,2% (tương ứng giảm 21,1 tỷ đồng) còn 78,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cũng giảm 27,8% (tương ứng 22,5 tỷ đồng) xuống còn 58,5 tỷ đồng.

Theo giải thích của lãnh đạo QCG, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí khác và giá vốn tăng chủ yếu do trong báo cáo của công ty lập năm 2019, QCG đã không hạch toán chi phí thuế do quyết toán thuế năm 2016, năm 2018 được kết luận năm 2020. Công ty kiểm toán đã đề nghị hạch toán chi phí thuế này vào kỳ 2019. Bên cạnh đó, QCG còn phải trích lập thêm dự phòng công nợ phải thu khó đòi.

Sau kiểm toán, doanh thu hoạt động tài chính của QCG cũng bị giảm chủ yếu do công ty hạch toán thiếu bút toán điều chỉnh khi thoái vốn tại công ty con.

Mai Chi