1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chứng khoán bị thổi bay hơn 100 điểm, 16 tỷ USD "bốc hơi" chỉ trong 1 tuần

Mai Chi

(Dân trí) - Chỉ trong vòng một tuần, VN-Index đã lao dốc hơn 100 điểm, cuốn phăng hơn 16 tỷ USD vốn hóa HoSE. Tài sản nhà đầu tư thiệt hại nặng nề.

Với mức giảm 18,16 điểm trong phiên 19/4, VN-Index lùi về mốc 1.174,85 điểm, tương ứng giảm 1,52%. Mặc dù đóng cửa tuần trên ngưỡng 1.170 điểm nhưng thị trường đã trải qua một tuần sóng gió với những phiên giảm sâu, gây thiệt hại nặng nề cho giới đầu tư.

Tính chung một tuần qua, VN-Index giảm tổng cộng 101,75 điểm (tương ứng giảm 7,97%) - mức giảm mạnh nhất trong một tuần kể từ tháng 10/2022. HNX-Index giảm 20,54 điểm (tương ứng mức giảm 8,51%).

Quy mô vốn hóa thị trường (market cap) sàn HoSE mất mốc 5 triệu tỷ đồng, "bốc hơi" 413.329 tỷ đồng (tương đương 16,24 tỷ USD) xuống còn 4,78 triệu tỷ đồng.

Chứng khoán bị thổi bay hơn 100 điểm, 16 tỷ USD bốc hơi chỉ trong 1 tuần - 1

VN-Index lao dốc, mất hơn 100 điểm trong tuần qua (Nguồn: Bloomberg).

Với áp lực bán mạnh và lan rộng, hầu hết cổ phiếu trên thị trường có diễn biến tiêu cực, đặc biệt là ở những nhóm ngành có đà tăng nóng trong thời gian trước như bất động sản và chứng khoán.

Tại nhóm bất động sản, nhiều cổ phiếu giảm với biên độ lớn như FIR giảm 23,45%; CEO giảm 21,33%; DXG giảm 21,21%; NHA giảm 19,91%... Cổ phiếu các công ty chứng khoán cũng thiệt hại nặng: BSI mất 20,7% thị giá; FTS giảm 18,7%; VDS giảm 17,31%; VIX giảm 16,41%.

Cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu cũng điều chỉnh mạnh: DPG giảm 18,28%; KSB giảm 18,26%; HHV giảm 17,22%; FCN giảm 16,88%. Các cổ phiếu dầu khí cũng bị xả hàng mạnh mẽ: CNG giảm 17,47%; POS giảm 16,48%; PVC giảm 13,41%; PVS giảm 10,7%.

Giá trị tài sản nhà đầu tư hao hụt. Với những nhà đầu tư mua cổ phiếu ở vùng giá cao, mức thua lỗ sẽ rất lớn, tình hình càng trở nên khó kiểm soát nếu bị bán giải chấp do vi phạm ký quỹ, lạm dụng đòn bẩy margin.

Một số nhà đầu tư ngậm ngùi chia sẻ, chê tiết kiệm 5% thấp, ôm tiền đầu tư chứng khoán mong lãi lớn thì nay tài sản đã giảm hơn 10%. Thực tế, mức giảm tài sản lên tới 10-20% không ít, khi mà giá cổ phiếu giảm sàn liên tục, các nhà đầu tư đối mặt với mức sụt giảm tài sản lớn hơn so với thiệt hại của chỉ số.

Tỷ phú mất bao nhiêu tiền?

Không chỉ có các nhà giao dịch lướt sóng mà cả những cổ đông lâu năm, các lãnh đạo doanh nghiệp, các tỷ phú lớn cũng "mất mát" đáng kể do giá cổ phiếu lao dốc chóng vánh trong tuần qua.

Chẳng hạn, với việc VIC giảm 11,8% trong tuần (tương ứng giảm 5.700 đồng/cổ phiếu), giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup - thông quan nắm giữ trực tiếp cổ phiếu này đã giảm 3.940 tỷ đồng trong tuần qua.

Ông Phạm Nhật Vượng hiện sở hữu 691,27 triệu cổ phiếu VIC, chiếm tỷ lệ 17,87% vốn điều lệ tập đoàn. Còn vợ ông, bà Phạm Thu Hương, cũng là Phó chủ tịch HĐQT, nắm 169,94 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 4,39%.

Liên quan đến ông Vượng, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam cũng đang sở hữu 1,26 tỷ cổ phiếu VIC (chiếm tỷ lệ 32,57%), Công ty cổ phần Quản lý và Đầu tư bất động sản VMI sở hữu 243,5 triệu cổ phiếu VIC (chiếm tỷ lệ 6,29%) và Công ty cổ phần Di chuyển xanh và Thông minh GSM sở hữu 50,8 triệu cổ phiếu VIC (chiếm tỷ lệ 1,31%).

Nếu tính gộp cổ phần mà ông Vượng sở hữu gián tiếp thông qua các tổ chức liên quan thì nhóm cổ đông này đang nắm giữ hơn 2,4 tỷ cổ phiếu VIC, tổng tài sản giảm gần 13.700 tỷ đồng trong tuần.

Cổ phiếu HPG giảm 7,02% tương ứng giảm 2.100 đồng/cổ phiếu khiến tài sản của ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hòa Phát - giảm 3.150 tỷ đồng do sở hữu lượng cổ phiếu 1,5 tỷ đơn vị tại tập đoàn này.

MSN giảm 7,38% tương ứng giảm 5.300 đồng/cổ phiếu; TCB giảm 1,33% tương ứng 600 đồng cũng ảnh hưởng đáng kể đến tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group và ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank. Theo đó, ông Nguyễn Đăng Quang một lần nữa rớt khỏi danh sách tỷ phú USD của Forbes do tài sản về dưới mốc 1 tỷ USD còn tài sản ông Hồ Hùng Anh cũng chỉ còn 1,6 tỷ USD.