1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình nhận trách nhiệm vì năm 2023 không đạt mục tiêu

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình nói đã trải qua năm nhiều khó khăn thử thách nhất trong gần 4 thập kỷ qua nhưng tin rằng năm 2024 đã thoát tình cảnh "bĩ cực, ngàn cân treo sợi tóc".

Năm 2023 khó khăn chồng chất

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) vừa gửi thông điệp tới cổ đông về tình hình và chiến lược kinh doanh của công ty.

Nói về năm 2023, ông Hải xin thành khẩn nhận trách nhiệm khi không đưa tập đoàn phát triển theo đúng mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Năm này có nhiều khó khăn hơn cả năm 2022 và là năm có nhiều thử thách nhất trong hành trình 36 năm phát triển của Hòa Bình.

Theo ông Hải, do vấn đề về pháp lý, từ năm 2017, các dự án nhà ở đô thị được cấp phép ít đi trong khi nguồn nhân lực của ngành vẫn tăng liên tục. Thực trạng thiếu việc làm xảy ra với tất cả các doanh nghiệp lớn nhỏ trong lĩnh vực xây dựng.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp xây dựng bị phá sản, nhiều công ty chỉ hoạt động 20% công suất, một số công ty lớn mạnh, uy tín hơn và có năng lực, kinh nghiệm nhiều hơn thì hoạt động cũng chỉ từ 50-70% công suất.

"Sự cạnh tranh trên thị trường trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết! Nhiều nhà thầu đã bỏ giá thấp hơn vốn lên đến vài chục %. Đồng thời, không ít nhà thầu lớn đã sử dụng những chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh để giành được công trình", ông Hải nói thêm.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, Hòa Bình đạt doanh thu hơn 7.537,1 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch đã đề ra và lỗ hơn 1.115 tỷ đồng. Tính đến nay, công ty đã lỗ lũy kế hơn 3.240 tỷ đồng, vượt vốn chủ sở hữu (2.741 tỷ đồng).

Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình nhận trách nhiệm vì năm 2023 không đạt mục tiêu - 1

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình cho rằng tập đoàn đã trải qua giai đoạn khó khăn (Ảnh minh họa: HBC).

Đã thoát tình cảnh bĩ cực, ngàn cân treo sợi tóc

Thừa nhận năm 2023 là một năm sóng gió tưởng chừng không thể vượt qua nhưng đến nay, ông Hải cho rằng công ty đã thoát tình cảnh "bĩ cực, ngàn cân treo sợi tóc".

Nhiều chủ đầu tư thân thiết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để giao cho tập đoàn những dự án mới. Tính đến ngày 18/4, trên 99 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý ký biên bản thỏa thuận hoán đổi công nợ bằng cổ phiếu HBC của Hòa Bình, đạt giá trị lên đến trên 660 tỷ đồng.

Ông Hải cho rằng việc chinh phục thị trường xây dựng nước ngoài của Hòa Bình như câu chuyện của cây tre. Cây tre khi được trồng xuống đất chỉ mọc lên vài centimet trên mặt đất trong một thời gian dài.

Trong suốt 4 năm đầu tiên, nó dành toàn bộ sức lực cho việc cắm rễ hàng trăm mét dưới lòng đất. Khi gốc rễ đã đủ chắc, từ năm thứ 5, nó mới bứt phá với tốc độ đáng kinh ngạc 30 centimet mỗi ngày và chỉ mất 6 tuần để đạt chiều cao 15 mét.

"Sau Kenya sẽ là những công trình ở Mỹ, Úc, Canada và nhiều quốc gia khác. Tôi khẳng định và một lần nữa mong nhận được sự cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ của cổ đông về những thách thức, khó khăn mà tôi đã trải qua cũng như kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm vừa rồi", ông Hải bộc bạch.

Bên cạnh việc mở rộng ra nước ngoài, Xây dựng Hòa Bình cũng cải thiện được tình hình tài chính khi đã trả nợ đúng hạn cho ngân hàng, không bị chuyển sang nhóm nợ xấu. Ông Hải cho biết hạn mức tín dụng ở 3 ngân hàng chính hiện nay là 7.592 tỷ đồng.

Cuối cùng, ông mong nhận được sự cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ của cổ đông về những thách thức, khó khăn mà bản thân đã trải qua cũng như kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm vừa rồi.