1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bất ngờ với doanh số của hàng loạt "tân binh" xe nhập Việt năm 2018

(Dân trí) - Dù cho chỉ mới vào thị trường Việt Nam được vài tháng song hầu hết các "tân binh" của dòng xe nhập đều có doanh số bán khá tốt.

Đứng đầu bảng danh sách này là hatchback Toyota Wigo nhập Indonesia, đứng thứ hai phiên bản hatchback Honda Jazz nhập Thái, đứng thứ ba là chiếc chiếc SUV thế hệ mới Trailblazer của Chevrolet.

Bất ngờ với doanh số của hàng loạt tân binh xe nhập Việt năm 2018 - 1

Hầu hết các "tân binh" xe nhập ăn lên, làm ra tại Việt Nam

Với chiếc Toyota Wigo, chiếc xe nhập chính thức về Việt Nam vào tháng 9/2018, tính đến hết năm 2018 nó mới có số năm "ăn cơm" Việt 4 tháng song đã có doanh số đạt hơn 2.600 chiếc, vượt mặt nhiều dòng xe cùng phân khúc và xe sedan của các hãng tên tuổi Chevrolet Spark, Mitsubishi Mirage, Ford Fiesta, Mazda 2...

Tính bình quân, mỗi tháng Wigo bán tại Việt Nam được hơn 650 chiếc. So với các dòng xe cùng loại trên thị trường, doanh số bán hàng của hai dòng xe lớn nhất trên thị trường hiện nay là Kia Morning với 840 chiếc/tháng, Hyundai i10 với 1.700 chiếc/tháng.

"Tân binh" thứ 2 là Honda Jazz, mẫu xe hatchback phân khúc lớn đô thị này nhập về Việt Nam từ tháng 3/2018, hết năm 2018 dòng xe này có doanh số tiêu thụ khá tốt đạt hơn 2.100 chiếc. Bình quân, mỗi tháng Jazz tiêu thụ được hơn 230 chiếc.

Được nhập về Việt Nam vào tháng 9/2018, Honda HRV có doanh số khiêm tốn hơn so với "người đàn em" Jazz khi chỉ đạt mức tiêu thụ hơn 987 chiếc. Mẫu Crossover bản nhập Thái có giá cạnh tranh với Mazda CX5 này nhập về Việt Nam đúng thời điểm thị trường xe Việt vào mùa nên dù là lính mới, với mức giá lăn bánh vào 800 triệu đồng đến khoảng 900 triệu đồng/chiếc, song cũng có mức tiêu thụ được cho là khả quan trên thị trường.

Hai thương hiệu lớn khác là Xpander của Mitsubishi và Chevrolet Trailblazer cũng được tiêu thụ khá tốt tại thị trường Việt. Chiếc xe gia đình Xpander cũng được nhập về Việt Nam tháng 9/2018 và tính đến cuối năm dòng xe này tiêu thụ hơn 990 chiếc, nhỉnh hơn vài chục chiếc so với HRV của Honda.

Trong khi đó, Chevrolet Trailblazer có doanh số bán khá tốt đạt hơn 1.700 chiếc. Mẫu SUV cỡ lớn là đối thủ của Toyota Fortuner và Ford Everest này được nhập về Việt Nam tháng 4/2018, mặc dù chưa được biết đến rộng rãi và cũng không được kỳ vọng là đối thủ cạnh tranh của hai ông lớn Fortuner và Everest song mức tiêu thụ của Trailblazer cho thấy đây không phải là dòng xe kém lợi thế trong phân khúc SUV vốn chật hẹp và kén khách.

Hai "tân binh" có doanh số thấp nhất là Toyota Avanza và Rush được nhập từ Indonesia. Cùng nhập về Việt Nam vào tháng 9/2018 song hai mẫu xe này chỉ có doanh số bán hơn 277 chiếc (Avanza) và 586 chiếc (Rush). Đây là doanh số thấp nhất trên thị trường xe Việt Nam thời điểm hiện nay, nó cho thấy thương hiệu của dòng xe này chưa thực sự nổi bật ở Việt Nam.

Với Avanza và Rush, bên cạnh sự cạnh tranh thương hiệu trên thị trường, còn phải kể đến giá. Hiện nay hai mẫu xe này được coi là có mức giá thấp nhất so với các dòng xe cùng phân khúc. Giá của Avanza dao động từ 537 đến 590 triệu đồng/chiếc giá bán đại lý; trong khi đó Rush chỉ có giá hơn 660 triệu đồng/chiếc.

Mức giá này hoàn toàn lợi thế so với đối thủ lắp ráp trong nước là Innova hay chính mẫu xe Mitsubishi Xpander.

Theo các chuyên gia về xe hơi tại Việt Nam, doanh số của các hãng xe mới khá tốt tại thị trường Việt dù mới chỉ gia nhập vài tháng là do được quảng cáo tốt và tận dụng được hệ thống đại lý ủy quyền rộng khắp.
Riêng với hai hãng Honda và Toyota, các dòng xe mới nhập từ Thái, Indonesia đã tận dụng hệ thống hàng trăm đại lý kinh doanh xe. Còn các dòng xe có ít cửa hàng đại lý rộng khắp cả nước là Mitsubishi, Chevrolet thì sẽ phải vật lộn với bài toán truyền thông và chiếm được cảm tình của người Việt.

Hiện, nhu cầu tiêu dùng xe hơi của người Việt khá kỹ, ngoài các dòng xe nhỏ, ít tiền các dòng xe giá ngưỡng từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng là tài sản lớn nên hầu hết họ mua theo đám đông, theo thương hiệu.

Minh chứng rõ nhất của nhiều thương hiệu mới chết tức tưởi ở Việt Nam là Renault (Pháp) dù hãng xe chất lượng, nhưng quá mới mẻ và đắt đỏ tại Việt Nam, nên chỉ sau thời gian ngắn đã rút chân. Trường hợp tương tự cũng xảy ra đối với các thương hiệu xe Nga là Patriot, Hunter.

An Linh