Cách an táng bảo vệ môi trường và những rào cản văn hoá

(Dân trí) - Chôn cất tạo rừng cây, hoả táng lạnh, thuỷ ngân kiềm… là những cách an táng bảo vệ môi trường đang được các nước Âu-Mỹ áp dụng nhiều. Nhưng vẫn còn lạ lẫm với các nước Đông Á bởi những rào cản văn hoá.

an táng bảo vệ môi trường

Mỗi thi thể khi đem chôn sẽ sinh ra khí CO2, methane và khoảng 398 hợp chất khác trong quá trình phân hủy.

Ở các nước Á Đông, hình thức phổ biến nhất để đưa người đã khuất vào cõi vĩnh hằng là địa táng, tức là cho thi thể vào áo quan, chôn cất vào lòng đất rồi xây bia mộ bên trên. Tuy nhiên, hình thức an táng này lại gây hại rất nhiều cho môi trường.

Theo trang tin khoa học Inverse, mỗi thi thể khi đem chôn sẽ sinh ra khí CO2, methane và khoảng 398 hợp chất khác trong quá trình phân hủy.

Dù xác người có thể hoàn toàn phân hủy và hòa vào lòng đất, các "phụ kiện" đi kèm như áo quan thì không. Inverse cho biết tại Mỹ mỗi năm cần 70.700m3 gỗ và 90.000 tấn thép để làm quan tài, cùng 3 triệu lít hóa chất ướp để bảo quản thi thể.

an táng bảo vệ môi trường

Các lò hỏa táng cần hoạt động trong vòng 75 phút ở nhiệt độ 760-1.150 độ C để biến một thi thể thành tro bụi.

Những năm gần đây, một phần vì cơn sốt nhà đất, một phần vì cách an táng truyền thống tốn kém nhiều chi phí nên phương pháp hoả táng trở nên thông dụng hơn. Nhìn chung, hoả táng thực sự sẽ tiết kiệm nhiều chi phí và ít gây hại cho môi trường hơn cách mai táng truyền thống. Thế nhưng, hoả táng cũng không phải gỉải pháp toàn diện cho môi trường.

Theo eco-business.com, trang web chuyên về thông tin môi trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương, để biến một thi thể thành tro bụi, các lò hỏa táng cần hoạt động trong vòng 75 phút ở nhiệt độ 760-1.150 độ C, tiêu thụ lượng năng lượng bằng mức dùng điện của một gia đình trong cả tháng.

Ngoài việc đốt cháy năng lượng hoá thạch, khí nhà kính cũng bị thải ra trong quá trình xử lý, đặc biệt là trong quá trình đốt các vật liệu độc hại có thể có – ví dụ như thuỷ ngân trong vật liệu trám răng hay chất nhựa trong quan tài gỗ.

Hiện nay đã có nhiều giải pháp tiễn đưa người đã khuất để bảo vệ môi trường được tốt nhất có thể.  Trang eco-business.com cũng đã có đề cập đến những giải pháp này, các nước Âu-Mỹ cũng đã áp dụng nhiều nhưng đối với các nước Châu Á thì đây đều là những hình thức an táng lạ lẫm.

Chôn cất tạo rừng cây

Cách an táng bảo vệ môi trường và những rào cản văn hoá - 3

Thi thể sẽ phân hủy thành chất hữu cơ toàn diện khi được chôn cất thuần tự nhiên.

Cách đơn giản nhất trong những giải pháp này là chọn lối chôn cất thuần tự nhiên, chỉ bọc thi thể trong vải sinh học hoặc sử dụng quan tài làm bằng chất liệu có thể phân huỷ. Thi thể vì thế sẽ phân hủy thành các chất hữu cơ toàn diện hơn mà không lẫn kim loại hay các chất độc hại vào lòng đất.

Giải pháp này đã trở nên phổ biến ở Anh nhờ tính chất thân thiện với môi trường. Những khu chôn cất tạo rừng cây này có thể bảo tồn các vùng đất rộng và thay thế các phần mộ đã quy hoạch ở các nghĩa trang bằng các khu bảo tồn hoang dã.

Bù đắp carbon

an tán bảo vệ môi trường

Cây xanh mọc lên từ chỗ tro này sẽ nhả khí oxy vào môi trường, bù lại lượng khí CO2 thải ra trong quá trình hỏa táng.

Một phương pháp khác gọi là "bù đắp carbon" - khuyến khích những người chọn hỏa táng cho người thân thay vì đem tro cốt về nhà thờ tự hay rải xuống biển, có thể dùng chỗ tro đó để trồng cây nhằm cân bằng lại các tác động môi trường của việc hỏa táng. Cây xanh mọc lên từ chỗ tro này sẽ nhả khí oxy vào môi trường, bù lại lượng khí CO2 thải ra trong quá trình hỏa táng.

Theo The China Post, thành phố Đài Bắc có một nghĩa trang công cộng tên là Fu-De, rộng gần 5000m2 để gia đình của người đã mất mang tro cốt hoả táng của người thân đến đây trồng cây. Cách làm này giúp tránh lãng phí đất để xây mộ và cây xanh mọc lên từ tro của người chết lại giúp làm sạch không khí và giúp ngăn nguy cơ sạc lở đất.

Quá trình Promession

an táng bảo vệ môi trường

Máy Promator sẽ rung lắc làm vỡ thi thể đã được đóng băng bằng nito lỏng.

Phương pháp Promession (phương pháp sấy lạnh) cũng giống như hoả táng nhưng không dùng sức nóng để thiêu mà được đưa vào cỗ máy có tên là Promator để đông lạnh bằng nito lỏng ở nhiệt độ âm 196 độ C. Cỗ máy này sẽ rung lắc để thi thể vỡ vụ ra thành từng hạt li ti cỡ vài milimet. Phần vụn này sau đó tiếp tục được xử lý để không còn bất kỳ chất lỏng hay kim loại nào lẫn vào. Cuối cùng là được cho vào túi sinh học làm bằng bột bắp hoặc khoai tây và chôn khoảng 30-50cm vào lòng đất.

Trong vòng 18 tháng sau đó, túi sinh học này sẽ phân hủy và biến thành đất tốt tươi màu mỡ để từ đó cây cối sinh sôi.

Phương pháp Alkaline hydrolysis

an táng bảo vệ môi trường

Chiếc khoan hình ống có dung dịch gồm nước và kali của phương pháp Alkaline hydrolysis (thủy phân kiềm).

Cùng lối tiếp cận phân hủy thi thể mà không cần nhiệt, phương pháp Alkaline hydrolysis (thủy phân kiềm) cho thi thể người đã mất vào một khoan hình ống có dung dịch gồm nước và kali, sau đó tăng nhiệt độ và áp suất trong ống lên.

Quá trình này sẽ khiến toàn bộ mô và tế bào trong cơ thể tan thành chất lỏng và thi thể chỉ còn lại xương. Phần chất lỏng sẽ được đổ bỏ, còn xương nghiền mịn thành bột.

Theo trang WIRED, dù được khẳng định thủy phân kiềm là "lựa chọn thân thiện môi trường nhất hiện nay" và 14 bang ở Mỹ đã công nhận hình thức này, cách làm này vẫn còn gây tranh cãi vì các chuyên gia lo ngại chất lỏng thu được có thể lẫn độc tố và sẽ gây hại khi thải vào môi trường.

Cách an táng bảo vệ môi trường và những rào cản văn hoá - 7

Các cách an táng bảo vệ mội trường tuy tốt nhưng vẫn còn vấp phải nhiều rào cản văn hóa

Tuy có nhiều lợi ích nhưng xét về mặt tâm linh, những cách “an táng xanh" hiện đại hầu như đều phạm phải những cấm kỵ trong vấn đề phong thuỷ âm trạch mà người Á Đông tránh gặp phải.

Theo đó, nếu được chôn cất tự nhiên, không bia mộ và bị nhiều người qua lại hay vô tình dẫm đạp lên thì linh hồn người đã khuất sẽ không được an ổn và con cháu đời sau phải chịu thân phận thấp hèn trong xã hội. Hay nếu rễ cây, dây leo mọc trên mộ, trên mộ sẽ khiến linh hồn bị chèn ép, không thoải mái, mất tự do mà con cháu cũng phải chịu nhiều bệnh tật hoặc chịu cảnh ngục tù.

Đây là những trường hợp mà dân gian gọi là “động mộ", những hậu quả của “động mộ" được truyền tai nhau và gây ra hoang mang, khiến mọi người khó tiếp cận với cách “an táng xanh" hơn.

Ngoài ra, người Á Đông cũng có truyền thống xây bia mộ trang nghiêm cho người đã khuất để tới lui thăm viếng và chăm sóc mộ phần. Thậm chí, chúng ta còn có hẳn ngày lễ riêng cho công việc này như “tảo mộ” hoặc “thanh minh”. Điều này không phải là hủ tục mà lại được xem như một nét đẹp trong truyền thống thờ cúng ông bà tổ tiên, nên việc từ bỏ là điều không hề dễ dàng.

an táng bảo vệ môi trường

Nhiều nhà mộ ở các nước Đông Á được xây dựng rất lớn và xa xỉ. Việc này dẫn đến việc tốn kém tiền bạc và lãng phí tài nguyên đất.

Tuy là khó, nhưng với thực trạng của xã hội hiện nay, khi ô nhiễm môi trường đã trở nên nặng nề, kinh tế phát triển khiến nhu cầu về đất công nghiệp gia tăng. Tin rằng trong tương lai, cộng đồng sẽ vì những lợi ích thực tiễn mà bỏ qua những quan niệm xưa cũ để tiếp cận với những điều mới mẻ, hiện đại hơn.

Như Quỳnh