Thực hư thông tin trường học ở Đà Nẵng thu 5 triệu đồng/lớp để lắp điều hòa

Hoài Sơn
Đà nẵng

(Dân trí) - Phụ huynh ở Đà Nẵng đăng thông tin về khoản thu 5 triệu đồng mỗi lớp để vận hành, bảo trì hệ thống máy điều hòa. Nhà trường trình bày việc này chỉ mới là lấy ý kiến theo chủ trương của cấp trên.

Ngày 30/10, trên mạng xã hội xuất hiện bài đăng (đã xóa) cùng phiếu lấy ý kiến cha mẹ học sinh của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) về chủ trương thực hiện xã hội hóa kinh phí hỗ trợ từ phụ huynh để vận hành, bảo trì hệ thống máy điều hòa theo đề án của thành phố.

Người này cho rằng việc thu 5 triệu đồng tiền lắp đặt mỗi lớp và tiền điện 9 tháng/học sinh/năm học là bất hợp lý.

Thực hư thông tin trường học ở Đà Nẵng thu 5 triệu đồng/lớp để lắp điều hòa - 1

Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Thanh Khê, Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

Trước thông tin trên, ông Nguyễn Hữu Phước, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, cho hay việc lấy ý kiến này được thực hiện theo chủ trương, chỉ đạo của UBND thành phố, các ngành liên quan.

Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đến các địa phương, yêu cầu tổ chức lấy ý kiến của phụ huynh liên quan việc đầu tư máy điều hòa.

UBND quận Thanh Khê đã yêu cầu hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học và THCS tổ chức lấy ý kiến phụ huynh và làm rõ các cơ sở đảm bảo được nguồn kinh phí huy động hàng năm để vận hành, sau đó tổng hợp và gửi báo cáo về Phòng Giáo dục và Đào tạo trước ngày 4/11.

Theo ông Phước, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm đã tổ chức lấy ý kiến từ ngày 28/10.

Nhà trường đã tính toán và đưa ra các dự kiến về mức kinh phí vận động xã hội hóa trong 1 năm học, gồm tiền điện trong 9 tháng (khoảng 8,6 triệu đồng/lớp); phí bảo trì, vệ sinh 2 máy (600.000 đồng); phí vận hành ban đầu cho 2 máy là 5 triệu đồng (chỉ thu năm đầu tiên khi bắt đầu sử dụng thiết bị).

Dự kiến tổng chi phí tối đa là hơn 14 triệu đồng. Với bình quân mỗi lớp 35 học sinh, dự kiến mỗi học sinh đóng hơn 45.000 đồng/tháng.

Trong phiếu ý kiến cũng nêu rõ mức kinh phí đề xuất theo dự trù nói trên nhằm đưa ra số tiền có tính tham khảo, cùng chia sẻ để cha mẹ học sinh cho ý kiến. 

Thực hư thông tin trường học ở Đà Nẵng thu 5 triệu đồng/lớp để lắp điều hòa - 2

Bài đăng cùng phiếu lấy ý kiến phụ huynh của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm trên mạng xã hội (Ảnh: Chụp màn hình).

Ông Phước cho hay các chi phí trên chỉ là dự kiến ở mức tối đa nếu đề án đi vào thực tế, để phụ huynh có thể hình dung được mức đóng. "Khi phụ huynh chịu được ở mức tối đa thì mức nhẹ hơn sẽ dễ dàng vui vẻ chấp nhận", ông Phước giải thích.

Về dự kiến chi phí vận hành ban đầu được trường đưa ra là 5 triệu đồng bởi khi lắp điều hòa, hệ thống điện có sẵn ở các trường không đảm bảo, phải lắp đặt lại hệ thống điện đi riêng cùng các thiết bị đi kèm khác.

Trong biên bản lấy ý kiến, trường cũng đề xuất 3 mục là đồng ý, không đồng ý và ý kiến khác để phụ huynh lựa chọn. Sau đó, trường sẽ ghi nhận tất cả các ý kiến của phụ huynh, tổng hợp để báo cáo với cấp trên.

Quá trình lấy ý kiến giúp nhà trường, cơ quan cấp trên dự lường được những tình huống xảy ra khi đi vào vận hành thực tế, ví dụ như hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hay những học sinh có cơ địa không phù hợp với máy điều hòa.

Ông Phước lý giải quá trình này mới chỉ ở giai đoạn "phôi thai", còn tổ chức thực hiện sau này chắc chắn phải có đề án rõ ràng, được HĐND TP Đà Nẵng thông qua.

Chia sẻ thêm về quan điểm đối với chủ trương lắp đặt điều hòa ở các phòng học, ông Phước bày tỏ sự đồng ý, vì việc này rất cần thiết.

Tháng 3, từ đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xử lý kiến nghị về việc bổ sung máy điều hòa tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Sở GD&ĐT đã tổng hợp đề xuất đầu tư bổ sung 4.829 máy điều hòa cho các cơ sở giáo dục, tổng chi phí hơn 92 tỷ đồng. Nguồn kinh phí đề xuất từ ngân sách thành phố.

Ngày 18/8, Sở Kế hoạch và Đầu tư có công văn gửi Sở GD&ĐT, trong đó có ý kiến, việc đề xuất đầu tư bổ sung máy điều hòa sẽ dẫn đến phát sinh chi phí vận hành, tiền điện và bảo trì.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Sở GD&ĐT tổ chức đánh giá tác động và hiệu quả đầu tư của đề xuất trên, đặc biệt ở cấp mầm non và tiểu học. Đối với các trường đề xuất kinh phí từ nguồn xã hội hóa, phải tổ chức lấy ý kiến phụ huynh.

Từ đó, Sở GD&ĐT đã triển khai cho các quận, huyện tổ chức lấy ý kiến.