Học sinh thuộc 4 trường phổ thông được tích lũy tín chỉ đại học từ lớp 10

Mỹ Hà

(Dân trí) - Từ năm học 2024-2025, một số học sinh thuộc 4 trường THPT sẽ được tích lũy tín chỉ ngay từ lớp 10 để rút ngắn thời gian học đại học. Dự kiến, khóa đầu tiên ĐHQGHN sẽ đón khoảng 200 học sinh.

Thông tin do Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) công bố ngày 17/4 tại Hội thảo về chương trình ươm tạo tài năng bậc trung học phổ thông (VNU12+).

Theo đó, ĐHQGHN sẽ thí điểm chương trình đào tạo tài năng trẻ có thể tích lũy tín chỉ để rút ngắn thời gian đào tạo đại học. Mô hình này nằm trong kế hoạch thí điểm chương trình đào tạo tài năng trẻ liên thông từ THPT lên đại học. Trước hết, dành cho người học trong khối ĐHQGHN nhằm thu hút người giỏi, xuất sắc.

Đối tượng nằm trong tiêu chuẩn xét tuyển gồm học sinh trẻ tài năng, thuộc 4 trường THPT trong khối ĐH Quốc gia Hà Nội gồm: THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc ĐHKHXHNV), THPT Khoa học Giáo dục (thuộc ĐH Giáo dục) và THPT chuyên ngữ (thuộc ĐH ngoại ngữ), sẽ được học để tích lũy tín chỉ, được cấp giấy chứng nhận tín chỉ nhằm rút ngắn chương trình đại học.

Học sinh thuộc 4 trường phổ thông được tích lũy tín chỉ đại học từ lớp 10 - 1

Thí sinh có thể tích lũy tín chỉ để rút ngắn thời gian học đại học (Ảnh: Mạnh Quân).

"Đã có nhiều tấm gương học sinh tài năng của nước ta khi ra nước ngoài, mới 21 tuổi các em đã có bằng thạc sỹ, trong khi ở trong nước các em không thể làm điều đó. Điều này rất thiệt thòi cho các em học sinh tài năng, xuất sắc. 

Với chính sách ưu tiên như trên đây sẽ giúp rút ngắn thời gian không cần thiết khi các em thừa khả năng hoàn thành. Đồng thời, những học sinh ở trường huyện đoạt giải cao có thể đưa đến một trong 4 trường phổ thông thuộc khối ĐHQGHN để học tập và rèn luyện rất tốt", GS Lê Quân nói.

Cụ thể với học sinh THPT hệ chuyên: Là những em đã và đang là thành viên đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; đạt giải trong kỳ thi Olympic tại ĐHQGHN; kết quả học tập trong năm học lớp 10 đạt mức tốt và đạt trình độ ngoại ngữ từ bậc 2 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Đối với học sinh THPT hệ không chuyên: Đã và đang là thành viên đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; đạt giải ba trở lên trong kỳ thi Olympic bậc THPT tại ĐHQGHN; kết quả học tập trong năm học lớp 10 và học kỳ I lớp 11 đạt mức tốt và đạt trình độ ngoại ngữ từ bậc 2 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Việc học sớm của từng học sinh sẽ được tổ chức theo hình thức cá thể hóa đào tạo với sự hướng dẫn trực tiếp của GV có uy tín, có trình độ quốc tế của ĐHQGHN.

Trong quá trình học tập, học sinh có thể tham gia nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập cùng giảng viên hướng dẫn hoặc nhóm nghiên cứu của giảng viên hướng dẫn.

Học sinh thuộc 4 trường phổ thông được tích lũy tín chỉ đại học từ lớp 10 - 2

Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội tìm hiểu cơ hội việc làm (Ảnh: Mỹ Hà).

Cùng với quy chế và đối tượng được đào tạo liên thông, ĐHQGHN còn công bố quy chế dành cho giảng viên, chuyên gia tại các trường đại học cùng giáo viên bậc phổ thông để cùng tham gia hướng nghiệp sớm cho học sinh ngay từ lớp 10, lớp 11.

Với đội ngũ giảng viên, tiêu chuẩn đưa ra gồm: Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ có hai bài báo; có năng lực nghiên cứu, giảng dạy, giao tiếp bằng tiếng Anh, có quan hệ hợp tác quốc tế; có nguyện vọng và tâm huyết tham gia chương trình.

Theo GS Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN, mô hình này là hướng đi tiên phong, thu hút học sinh giỏi được định hướng nghề nghiệp sớm và tốt nghiệp đại học sớm. Đây cũng là mô hình đang được các quốc gia tiên tiến trên thế giới thực hiện, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đề án này cũng là bước đầu để các học sinh giỏi theo đuổi các ngành khoa học cơ bản, các ngành công nghệ nền tảng trong và ngoài nước.

Theo thống kê, khối trường THPT chuyên thuộc ĐHQGHN là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Các trường THPT thuộc ĐHQGHN đã đạt rất nhiều giải thưởng trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.

Cũng theo GS Lê Quân, từ năm ngoái, ĐHQGHN đã ngừng cấp giấy khen hoặc cộng điểm cho học sinh tham gia một số cuộc thi không cần thiết hoặc một số cuộc thi chỉ mang tính phong trào kiểu dàn đều, điều này cho thấy nhà trường mong muốn hướng đến chất lượng thực sự trong việc đào tạo.