DNews

Học sinh lớp 6 điêu khắc cá lấy cảm hứng từ cạp váy của phụ nữ Mường

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Đỗ Đăng Khánh và Nguyễn Hải Dương (SN 2012) là chủ nhân của tác phẩm điêu khắc cá sống động tại triển lãm "Những dấu chân nhỏ". Cảm hứng sáng tác của hai em là chiếc cạp váy của phụ nữ Mường.

Học sinh lớp 6 điêu khắc cá lấy cảm hứng từ cạp váy của phụ nữ Mường

Hành trình đưa chú cá trong gian bếp người Mường vào triển lãm mỹ thuật

40 con cá gỗ màu sắc rực rỡ được treo lên cao bằng những sợi thép nhỏ và chia làm 3 tầng cá. Tạo hình của cá rất đặc biệt, với phần thân được khoét rỗng lượn sóng và bề mặt phủ sơn mài. 

Họa tiết sống động trên thân cá được tạo nên bằng cách sử dụng các kỹ thuật khác nhau như cẩn trứng chìm hoặc nổi, thếp bạc hoặc thếp vàng, độ mài nông, sâu. 

Hiệu ứng từ chất liệu kết hợp với những đường sóng mềm mại, vừa theo quy tắc về nhịp, vừa ngẫu hứng trong các góc lượn tạo cảm giác như đàn cá đang bơi trong làn nước bất tận. 

Tạo ra tác phẩm điêu khắc độc đáo này lại hai học sinh lớp 6 Đỗ Đăng Khánh và Nguyễn Hải Dương.

Học sinh lớp 6 điêu khắc cá lấy cảm hứng từ cạp váy của phụ nữ Mường - 1

Tác phẩm điêu khắc Cá được trưng bày tại triển lãm "Những dấu chân nhỏ" (Ảnh: Hoàng Hồng).

Tác phẩm nằm trong dự án học tập thực tế của các em ở trường mang tên "Sáng tác tranh, tượng về văn hóa các dân tộc Việt Nam". 

Đỗ Đăng Khánh và Nguyễn Hải Dương cùng chọn đề tài văn hóa Mường. Một lần đi thực địa, Khánh ấn tượng với họa tiết 3 chú cá gỗ trong một gian bếp của người Mường. Em lập tức lên ý tưởng tạo hình.

Hành trình đưa chú cá trong gian bếp vào triển lãm mỹ thuật không ít gian nan. Từ phác thảo trên giấy, Khánh tham khảo ý kiến giáo viên hướng dẫn và chuyên gia để chọn chất liệu thể hiện phù hợp. Giữa các phương án, Khánh quyết định chọn điêu khắc gỗ.

Khánh tiếp tục tiến hành thực hiện phác thảo trên gỗ. Em thay đổi phác thảo tới 3 lần. Ở lần cuối, Khánh được nghệ sĩ điêu khắc Trần An tư vấn khoét rỗng thân cá thành các đường lượn sóng. Em thực hiện và cho ra tạo hình ưng ý: chú cá gỗ mang dáng vẻ của tự do, hiền lành và thảnh thơi.

Học sinh lớp 6 điêu khắc cá lấy cảm hứng từ cạp váy của phụ nữ Mường - 2
Học sinh lớp 6 điêu khắc cá lấy cảm hứng từ cạp váy của phụ nữ Mường - 3
Học sinh lớp 6 điêu khắc cá lấy cảm hứng từ cạp váy của phụ nữ Mường - 4

Đỗ Đăng Khánh và Nguyễn Hải Dương bên những phác thảo ban đầu (Ảnh: NVCC).

Xong, Khánh không muốn những con cá của mình không đơn điệu như con cá trong gian bếp. Em nghiên cứu văn hóa tạo hình của người Mường và tìm thấy chiếc cạp váy phụ nữ đầy màu sắc.

"Con rất ấn tượng với cạp váy của người Mường. Cạp váy là nơi chứa nghệ thuật tạo hình của họ. Sau khi nghiên cứu họa tiết cạp váy, con sử dụng photoshop để chấm ảnh và lọc ra bảng màu của cạp váy, rồi dùng bảng màu này trang trí lên cá gỗ.

Vì cạp váy của người Mường có 3 tầng can váy nên các chú cá cũng được sắp đặt thành 3 tầng cá", Khánh chia sẻ.

Từ công đoạn này, Khánh có sự cộng tác của Dương. 

Khánh và Dương mất một vài buổi làm việc thất bại khi dùng màu acrylic để vẽ lên cá. Màu acrylic quá mỏng, để lộ vân gỗ, mất đi độ tươi, màu xỉn tối. Nỗ lực mà không ra được màu như ý muốn, hai em mới tìm đến giáo viên xin tham vấn và được gợi ý dùng sơn mài.

Chưa từng dùng chất liệu này, mùi sơn và mùi dầu khó chịu, Dương bảo với Khánh: "Kinh quá". 

Xong, khi vượt qua cảm giác sợ để thử nghiệm chất liệu "kinh" ấy, các em mừng rỡ vì sơn che phủ hoàn toàn vân gỗ, giữ nguyên sắc độ của màu, đồng thời có thể sáng tạo không giới hạn với vỏ trứng, giấy bạc, giấy vàng. 

Nhưng đồng thời, dùng sơn mài là các em lựa chọn lối đi tốn nhiều thời gian và công sức.

Vừa làm, vừa học một kỹ thuật mới đã khó, các em còn phải tìm cách phân tách công việc, phối hợp ra sao để không có thời gian chết mỗi lúc phải chờ sơn khô trước khi thao tác các bước mới.

Học sinh lớp 6 điêu khắc cá lấy cảm hứng từ cạp váy của phụ nữ Mường - 5

Các mẫu tạo hình cá trong thời gian hoàn thiện (Ảnh: NVCC).

Cứ thế, mỗi chiều ở xưởng, Khánh và Dương miệt mài với 40 con cá. Hết sơn, cẩn trứng, chờ khô, mài, lại sơn, vẽ, mài. Mỗi chú cá dưới cảm hứng sáng tạo của hai bạn nhỏ ngày một sống động. Các em cũng nhận được sự hỗ trợ từ anh chị trong dự án.

Cô Đỗ Thị Thanh Hương - chủ xưởng mỹ thuật, giáo viên hướng dẫn Khánh và Dương - cho biết: "Các em đã vượt qua rất nhiều thử thách và bỏ rất nhiều công sức để làm ra được tác phẩm độc đáo như thế này.

Thông thường, các em chỉ có 2 buổi/tuần làm việc tại xưởng. Nhưng giai đoạn làm dự án, các em tình nguyện "tăng ca" 3-4 buổi. Càng về cuối dự án, thời gian các em ở xưởng càng dày thêm, có khi kín tuần".

Miết đất, chà gỗ, đánh giấy ráp… bằng những đôi tay 12-15 tuổi

Cùng nhóm dự án với Khánh và Dương còn có 9 học sinh khác thuộc các khối lớp 6, 7, 9. Trong số đó, nhiều em cũng chọn điêu khắc, một lĩnh vực tạo hình có độ phức tạp cao và đòi hỏi kỹ thuật khác biệt so với hội họa. Nhóm dự án phải kết nối với hai nghệ sĩ điêu khắc là Trần An và Thái Nhật Minh để xin tư vấn và hỗ trợ.

Tuy nhiên, cô Thanh Hương cho biết, các em sáng tạo độc lập hoàn toàn ở phần lớn các khâu, chỉ nhận hướng dẫn về lý thuyết, các thao tác cơ bản hoặc gợi ý lời giải cho những bài toán khó về kỹ thuật. 

Khả năng sáng tạo độc lập thể hiện rõ nhất ở cách tìm ý tưởng thông qua nghiên cứu và thực địa chỉn chu, khoa học. Các em không sáng tác dựa trên những hình ảnh, biểu tượng đã quá nổi tiếng hay quen thuộc. Thay vào đó, mỗi thành viên trong dự án đều nỗ lực phát hiện những ký hiệu văn hóa, dấu chỉ văn hóa mới lạ, độc đáo.

Học sinh lớp 6 điêu khắc cá lấy cảm hứng từ cạp váy của phụ nữ Mường - 6

Các học sinh trong nhóm dự án (Ảnh: NVCC).

Một học sinh từng nhìn thấy họa tiết nhện đực nhện cái trên cặp gối của người Tày ở bản Dền, Sa Pa. Tuy nhiên, khi thăm nhà người Tày tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, em lại không thể tìm thấy hoa văn này. 

Vì dữ liệu thu thập còn ít và mang tính một chiều, em đã nhờ giáo viên kết nối để phỏng vấn trực tuyến với người dân ở bản Dền và tìm hiểu được rất nhiều thông tin phong phú, hiểu được nguồn gốc, ý nghĩa của họa tiết cũng như cách mà người Tày làm gối cưới. 

Lấy cảm hứng từ câu chuyện, em tạo ra con nhện gỗ 6 chân với họa tiết hoa chanh trên thân tượng, tạo ấn tượng thị giác mạnh mẽ.

Nguyễn Đình Nguyễn - học sinh lớp 9 - lại có ý tưởng táo bạo khi biến tấu ngẫu hứng hình ảnh tứ linh trong văn hóa Việt. Em lên một phác thảo tượng gỗ có đầu con phượng, đuôi con rồng, lưng con rùa và sống lưng con nghê. Bức tượng khi thi công trên thực tế đạt tới độ đặc sắc về nghệ thuật tạo hình.

Học sinh lớp 6 điêu khắc cá lấy cảm hứng từ cạp váy của phụ nữ Mường - 7

Tác phẩm "Linh vật" kết hợp tứ linh trong văn hóa Việt của Nguyễn Đình Nguyên (Ảnh: Hoàng Hồng).

Học sinh lớp 6 điêu khắc cá lấy cảm hứng từ cạp váy của phụ nữ Mường - 8

Tác phẩm điêu khắc giấy bồi "Tịch điền" của Nguyễn Nhật Lâm (Ảnh: Hoàng Hồng).

Lần đầu tiên làm quen với những thao tác kỹ thuật của nghệ thuật điêu khắc, các học sinh khá lúng túng, tốn nhiều thời gian để sử dụng được công cụ, máy móc thi công sản phẩm. Chưa kể, lượng kiến thức của lĩnh vực này quá lớn. Tuy nhiên, không học sinh nào bỏ cuộc.

"Các thao tác thi công trong điêu khắc rất phức tạp và đòi hỏi thể lực bền bỉ. Ví dụ, việc miết đất liên tục, đắp đất sao cho vuông vắn hay đánh giấy ráp để chà nhám đều rất dễ mỏi tay và tốn nhiều thời gian.

Mặc dù một số hoạt động có sự hỗ trợ từ máy móc mà thầy cô cung cấp, đây cũng là một thử thách không nhỏ đối với các bạn chỉ mới 12-15 tuổi. 

Học sinh lớp 6 điêu khắc cá lấy cảm hứng từ cạp váy của phụ nữ Mường - 9
Học sinh lớp 6 điêu khắc cá lấy cảm hứng từ cạp váy của phụ nữ Mường - 10
Học sinh lớp 6 điêu khắc cá lấy cảm hứng từ cạp váy của phụ nữ Mường - 11

Tuy nhiên, mặc cho rào cản về kiến thức mới và những vất vả của quá trình nghiên cứu, thi công, các em vẫn duy trì được hứng thú trong công việc mà mình đang làm, kể cả có phải thử đi thử lại nhiều lần để thu được sản phẩm như mong muốn", cô Thanh Hương chia sẻ.

Là chuyên gia đồng hành và tư vấn cho nhóm học sinh trong quá trình thực hiện dự án, nghệ sĩ điêu khắc Thái Nhật Minh bày tỏ: "Từ phác thảo ban đầu, tôi rất bất ngờ khi các con tạo ra được sản phẩm tốt như vậy.

Đó là những tác phẩm tạo nhiều dấu ấn mới mẻ, một số tác phẩm cho tôi sự ngạc nhiên bởi tính sáng tạo, tính hoàn thiện và sự tưởng tượng phong phú".

Dự án "Sáng tác tranh, tượng về văn hóa các dân tộc Việt Nam" là một trong 6 dự án tham gia triển lãm phát triển bền vững "Những dấu chân nhỏ" mùa thứ 3 diễn ra tại 22 Hàng Buồm, Hà Nội ngày 18-21/5.

Dự án hướng đến việc tạo ra các tác phẩm tranh, tượng từ các yếu tố tạo hình và câu chuyện văn hóa của các dân tộc để thúc đẩy người trẻ quan tâm và tìm hiểu về tính đa dạng văn hóa, biết tôn trọng sự khác biệt.