Chi sai hơn 10 tỷ đồng chế độ cho 300 giáo viên biệt phái

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Trong 2 năm, 19 huyện, thị tại tỉnh Nghệ An đã chi trả phụ cấp không đúng quy định hơn 10 tỷ đồng cho các giáo viên biệt phái. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã thông tin về vấn đề này.

Gần 300 giáo viên biệt phái

Từ năm 2012, để bố trí đủ công chức cho các Phòng Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), UBND tỉnh Nghệ An đã thực hiện chủ trương biệt phái cán bộ, giáo viên tại các trường học về đảm nhận công việc chung.

Những người thuộc diện biệt phái thời điểm đó phần lớn là Hiệu trưởng hoặc Hiệu phó từ các trường, được lựa chọn kỹ càng để giúp việc cho Phòng GD&ĐT. Đây được xem là công cuộc cải cách tìm nhân tài đưa về làm việc tại Phòng GD&ĐT lúc bấy giờ.

Để chi trả chế độ cho đội ngũ giáo viên biệt phái này, các huyện, thị nhiều năm liền đã thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 6612 ban hành ngày 24/9/2012 của UBND tỉnh Nghệ An.

Chi sai hơn 10 tỷ đồng chế độ cho 300 giáo viên biệt phái - 1

Cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Lưu trong một cuộc họp (Ảnh: Quỳnh Nguyễn).

Tuy nhiên, đến năm 2018, Sở Tài chính Nghệ An đã có văn bản cho rằng, việc chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi này không đúng với tinh thần trong Quyết định số 42 ngày 5/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục.

Lý do, Sở Tài chính Nghệ An đưa ra là: Công văn số 6612 không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ mang tính chất hướng dẫn. Do đó, việc UBND cấp huyện, thành, thị căn cứ văn bản trên để ban hành quyết định điều động, biệt phái viên chức về công tác tại Phòng GD&ĐT và chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề là không đúng quy định.

Trước vấn đề trên, ngày 9/2/2018, Sở Tài chính Nghệ An đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An hủy hoặc bãi bỏ Công văn số 6612. Đồng thời chỉ đạo UBND cấp huyện, thị dừng chi trả phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề đối với giáo viên được điều động, biệt phái công tác tại các Phòng GD&ĐT theo đúng quy định tại Quyết định số 42 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, sau đó hầu hết các huyện, thị ở Nghệ An vẫn tiếp tục chi trả phụ cấp ưu đãi cho những viên chức biệt phái về Phòng GD&ĐT theo Công văn 6612. Mới đây, ngày 12/1, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Văn bản số 263/UBND-KT về việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc biệt phái, hưởng chế độ phụ cấp giáo viên biệt phái.

Trên cơ sở kết quả báo cáo kiểm tra và kiến nghị, đề xuất của 19 đơn vị cấp huyện và các kết luận thanh tra công tác quản lý, điều hành ngân sách, ngày 27/4, Thanh tra tỉnh Nghệ An đã có báo cáo, đề xuất gửi UBND tỉnh Nghệ An.

Chi sai hơn 10 tỷ đồng chế độ cho 300 giáo viên biệt phái - 2

Cô Hồng cùng giáo viên say sưa trải nghiệm trong cuộc tập huấn Giáo dục STEM (Ảnh: Đặng Hồng).

Qua rà soát, tổng số giáo viên biệt phái và có hưởng phụ cấp trong 2 năm (2021-2022) tại 19 huyện, thị (ngoại trừ thị xã Cửa Lò và thành phố Vinh) là 281 người, trong đó năm 2021 là 143 người, năm 2022 là 138 người ở các huyện như: Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Con Cuông, Anh Sơn...

Tổng số tiền các loại phụ cấp đã chi trả không đúng quy định cho 281 giáo viên biệt phái trong 2 năm ở Nghệ An là hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều địa phương chi trả khoản tiền phụ cấp khá lớn như: Kỳ Sơn hơn 1,8 tỷ đồng, Thanh Chương hơn 1 tỷ đồng, Quỳ Châu trên 1,1 tỷ đồng, Tương Dương gần 1 tỷ đồng…

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Bùi Đình Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết, đang giao cho Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ nghiên cứu, đánh giá lại một cách tổng thể nhất, báo cáo về tỉnh để tìm hướng giải quyết.

Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng phải hạn chế đến mức tối đa về công tác giáo viên biệt phái trong thời gian tới.

Liên quan đến số tiền đã chi sai, ông Long cho biết: "Chúng tôi đã có văn bản giao cho các ngành liên quan, trong năm nay phải giải quyết dứt điểm và đang nghiên cứu giải pháp nào là thuận lợi nhất".

Áp lực tăng, thu nhập giảm

Cô Đặng Thị Hồng (SN 1972, làm việc tại Phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Lưu), cho biết, năm 1992 ra trường, cô làm nghề giáo viên. Sau hơn 15 năm công tác cho sự nghiệp trồng người, cô Hồng được nhiều bằng khen, giấy khen, giáo viên dạy giỏi Quốc gia…

Đến năm 2008, cô được phong Nhà giáo ưu tú khi 36 tuổi. Với những thành tích ấn tượng, năm 2013, cô Hồng được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu.

Gần một năm trên cương vị Hiệu trưởng, cô Hồng được cấp trên vận động lên làm ở Phòng GD&ĐT. Cô Hồng chấp nhận thôi chức Hiệu trưởng, trở thành giáo viên biệt phái lên làm việc tại Phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Lưu, với nhiệm vụ là quản lý chuyên môn khối tiểu học.

Chi sai hơn 10 tỷ đồng chế độ cho 300 giáo viên biệt phái - 3

Cô Hồng - giáo viên biệt phái làm viên chức ở Phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Lưu (Ảnh: Đặng Hồng).

"Lúc đó tôi nghĩ mình theo sự phân công của cấp trên, sẵn sàng chia lửa với Phòng nên về nhận công tác. Khoảng 3 tháng đầu ở vị trí mới, vẫn được bảo lưu mức lương, phụ cấp chức vụ hiệu trưởng vẫn được giữ nguyên. Sau đó, phụ cấp chức vụ bị cắt, so với lúc còn ở trường thì khi lên Phòng mức lương mỗi tháng giảm khoảng 1 triệu đồng. Dù thu nhập giảm nhưng tôi vẫn vui vẻ làm việc, cống hiến cho ngành.

Lên làm việc ở Phòng công việc làm quần quật, dường như không có ngày nghỉ. Công việc, áp lực nhưng được ít đồng phụ cấp thâm niên đứng lớp cũng bị cắt. Tôi cảm thấy không những bị thiệt thòi, mà còn tổn thương nữa…", cô Đặng Thị Hồng tâm sự.

Sau 9 năm lên nhận công tác tại Phòng GD&ĐT, cô Hồng làm đơn xin chuyển trở lại làm quản lý tại trường tiểu học. 

Không chỉ cô Hồng, rất nhiều giáo viên biệt phái ở Nghệ An trăn trở. Khi họ nhận quyết định biệt phái lên làm việc tại các Phòng GD&ĐT là vì trách nhiệm với ngành. Dẫu biết rằng được điều động lên phòng nói là "oai" nhưng "thiệt đủ đường". Bởi lẽ, cán bộ biệt phái ngay cả danh xưng cũng chưa rõ ràng, họ không phải công chức, không phải viên chức cũng không phải thầy giáo, cô giáo...

Trao đổi với phóng viên Dân trí, cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho rằng, việc dừng và truy thu tiền phụ cấp của giáo viên biệt phái là không hợp lý. Mặt khác nói là biệt phái nhưng một tuần họ vẫn dành 50% thời gian về trường cũ để giảng dạy.

"Hiện chúng tôi đã có đề xuất gửi huyện đề nghị tỉnh Nghệ An giữ nguyên chế độ đối với giáo viên biệt phái", vị cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương thông tin.