“Xin ba mẹ, cho con được... thi rớt”

(Dân trí) - Chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10, cô học trò đăng một dòng trạng thái với phông màu tối u ám: "Con xin bố mẹ, cho con được thi rớt".

Trước đó, em dùng một nick ảo, đăng vào một hội nhóm như một lời cầu cứu về việc bị áp lực gần hai năm nay.

Bắt đầu từ năm lớp 8 là những ngày tháng học và ôn căng thẳng của em với mục tiêu bố mẹ đặt ra phải thi đỗ vào một trường top có điểm đầu vào cao nhất nhì ở TPHCM. 

“Xin ba mẹ, cho con được... thi rớt” - 1

Học trò kêu cứu "Cho con được thi rớt"

Em kể, bố mẹ mình là những người có học nhưng em phải nghe những lời lẽ gây khủng hoảng. Mẹ thường xuyên lôi hết các anh chị em đã từng học các trường điểm ra để so sánh, mẹ dùng nhiều lời lẽ chê bai, chửi bới. Còn bố thì thẳng thừng nói, thi lớp 10 mà để rớt là thứ con thất bại, chẳng làm được gì cho đời. 

Cô học trò khép kín, ít giao lưu gần một năm nay. Em lo lắng mình bị stress, có dấu hiệu trầm cảm khi đã nhiều lần đã nhiều nghĩ đến cái chết! Nhưng em không biết chia sẻ với ai, nếu nói sẽ bị bố mẹ... chửi mắng nhiều hơn.

Bao nhiêu đứa con, bao nhiêu học trò... mang gánh nặng điểm thấp, thi rớt trên vai như một nỗi ám ảnh bởi lời trách móc từ người lớn. Có những đứa trẻ bị điểm thấp đã quỳ gối xin cô giáo nâng điểm cho mình không thì về nhà con chết với bố mẹ, có em cầm bài kiểm tra cô trả xong thì... bỏ nhà đi luôn vì sợ. 

Và cũng đã có những đứa trẻ chọn cái chết vì thi trượt. 

Không chỉ từ bố mẹ, các em còn chịu áp lực từ giáo viên. Có học sinh điểm thấp, thi rớt là bị giáo viên bêu trước lớp, bị chỉ trích, trách móc sao ôn rồi mà không làm được.

Có học sinh, sau kỳ thi không còn dám cười đùa, nhìn thẳng vào mắt giáo viên. Vẫn còn đó, có những người thầy xem học trò thi rớt là "nỗi nhục" của mình.

Có em học sinh nọ, thi học sinh giỏi quốc gia, năm trước đạt giải Nhất, năm sau đạt giải Ba. Cô giáo vặn vẹo trách móc làm bài kiểu gì, bố mẹ thì ê chề không dám khoe, không dám đi nhận thưởng cùng con. 

Trước và sau những mùa thi, nhiều phòng khám tâm thần tại các thành phố lớn quá tải. Nhưng tự hỏi, bao nhiêu em bị áp lực được đưa đi thăm khám? Và theo nhiều bác sĩ, các em không sợ thi rớt, mà đó là nỗi sợ bố mẹ, sợ thầy cô!

Biết bao nhiêu thế hệ học trò từng trải qua ám ảnh thi rớt, điều các em mong mỏi nhất là một lời động viên, chia sẻ, khích lệ từ bố mẹ, thầy cô. Có nhiều người khi đã đi làm mà trong giấc mơ vẫn vật vã với những lần đi thi không làm được bài.

“Xin ba mẹ, cho con được... thi rớt” - 2

Học sinh gánh rất nhiều áp lực trong các kỳ thi (Ảnh minh họa)

Thế giới phẳng ngày càng rộng mở nhưng cách đánh giá về học trò, con cái dường như lại càng bó hẹp. Nhiều người từ bé đến lớn, tất cả chỉ được đánh giá, thậm chí chỉ được yêu thương dựa hết vào các điểm số, các kỳ thi, đến khi đi làm thì đánh giá vào vị trí, mức lương bao nhiêu số không.

Bất cứ kỳ thi nào cũng sẽ có người đỗ, người rớt, vậy mà tất cả lại gánh áp lực phải đỗ. Trước hay sau các kỳ thi, liệu có bố mẹ, thầy cô nào nói với những đứa trẻ: Con hãy cố gắng làm bài tốt nhất có thể nhưng hãy nhớ, con được quyền thi rớt.

Nói như một giáo viên tại TPHCM, nhân quyền của trẻ em phải có quyền được thi rớt.

Quyền này không cần chờ phải quy định bằng luật mà bằng chính trái tim, tình yêu, sự chấp nhận đứa trẻ và tư duy cởi mở của người làm cha mẹ, thầy cô.

Hoài Nam