Thừa Thiên Huế thí điểm dạy học trên truyền hình cho học sinh khối 9 và 12

(Dân trí) - Ngày 11/3, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đang chuẩn bị đưa chương trình dạy học thí điểm cho học sinh khối 9 và 12 lên truyền hình trong mùa dịch Covid-19.

Nhằm tránh gián đoạn chương trình học tập khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Thừa Thiên Huế sẽ ứng dụng việc dạy học trên truyền hình.

Các bài giảng trên truyền hình là bài tiếp nối trong chương trình lớp 9 và 12 năm học 2019-2020 do giáo viên giàu kinh nghiệm thực hiện nhằm củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước kỳ thi vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT. Chương trình sẽ được thiết kế đảm bảo những kiến thức trong khung chương trình, không nâng cao để đáp ứng đủ trình độ cho học sinh từ thành phố đến nông thôn.

Thừa Thiên Huế thí điểm dạy học trên truyền hình cho học sinh khối 9 và 12 - 1

Ngày 10/3, cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế và các trường học dự hội nghị do Sở phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế tổ chức về việc triển khai Kế hoạch dạy học trên truyền hình dành cho học sinh lớp 9 và lớp 12.

Theo đó, học sinh lớp 12 ôn luyện 9 môn thi THPT Quốc gia, gồm: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Anh và Giáo dục công dân. Khối lớp 9 và 12 sẽ được áp dụng học chương trình truyền hình trước, sau khi thực hiện thành công mới áp dụng cho các khối tiếp theo.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thừa Thiên Huế (TRT) sẽ là đơn vị phối hợp với Sở GD&ĐT thực hiện phát sóng truyền hình các chương trình dạy cho học sinh.

Buổi sáng các em sẽ học từ 8h đến 10h; buổi chiều từ 14h đến 16h. Mỗi tiết học kéo dài 30 phút, mỗi buổi có 3 tiết. Các em học từ thứ 2 đến thứ 6.

Theo kế hoạch, lịch học lớp 12 sẽ bắt đầu phát sóng từ ngày 16/3; lớp 9 từ ngày 23/3 với thời lượng mỗi môn 2 tiết/tuần (riêng môn Tiếng Anh có 2 chương trình: 7 năm và 10 năm); mỗi tiết từ 30-35 phút. Thời gian 3 tiết trong 1 buổi với các nhóm bộ môn Văn - Toán - Tiếng Anh; Lý - Hóa - Sinh; Sử - Địa - Giáo dục công dân. 

Để đảm bảo đúng tiến độ, việc chuẩn bị tổ chức dạy học, thu hình phát sóng được triển khai hết sức khẩn trương với sự vào cuộc của lãnh đạo Sở, Đài, cán bộ quản lí, chuyên viên, giáo viên cốt cán các bộ môn; công tác tổ chức dạy, thu hình các bộ môn sẽ thực hiện vào ngày 13-14/3 tại Phòng thu hình Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế thí điểm dạy học trên truyền hình cho học sinh khối 9 và 12 - 2

Các chương trình dạy học sẽ được thực hiện thu hình tại phòng thu đài TRT

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, chương trình học trên truyền hình mang tính bắt buộc, 100% học sinh ở hai khối trên phải tham gia bởi khi các em đi học trở lại, các trường học sẽ dạy tiếp chương trình, không dạy bù và dành thời gian ngắn để ôn tập lại kiến thức cũ để các em bắt kịp.

“Tất nhiên không loại trừ một số em không tham gia được các bài học trên truyền hình. Sau khi đi học trở lại, các trường sẽ rà soát lý do chính đáng để bồi dưỡng kiến thức cho các em, đảm bảo 100% học sinh học đúng tiến độ chung” - ông Tân cho hay.

Thừa Thiên Huế thí điểm dạy học trên truyền hình cho học sinh khối 9 và 12 - 3

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết khối 12 sẽ tiến hành học trên truyền hình từ ngày 16/3; khối 9 từ ngày 23/3. Mỗi tuần các em sẽ học từ thứ 2 đến thứ 6, buổi sáng từ 8h đến 10h, buổi chiều từ 14h đến 16h. Đây là chương trình học bắt buộc 100% học sinh ở 2 khối trên phải tham gia

Được biết đến thời điểm hiện tại, Sở GD&ĐT tỉnh đã xây dựng kế hoạch chương trình dạy trên truyền hình đến ngày 28/3 và tùy theo tình hình để tiếp tục thiết kế môn học, giờ học phù hợp.

Bài dạy các bộ môn sau phát sóng sẽ được lưu trữ thành kho dữ liệu nguồn học tập trên TRT Tube, Cổng Thông tin điện tử Sở GD&ĐT để cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh quan tâm truy cập, tìm hiểu, nghiên cứu, học tập.

Riêng đối với Trường THPT chuyên Quốc Học, nhà trường có chương trình dạy riêng. Trường sẽ tổ chức dạy học trực tuyến, chuyển giao nhiệm vụ, luyện tập, kiểm tra theo hình thức làm việc theo nhóm, sử dụng nhóm thông qua các công cụ của Google, Shub Classroom (Phần mềm của Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh), Zoom, Smart Test… để tổ chức dạy học hiệu quả, phù hợp với điều kiện nhà trường.

Đại Dương