Gia Lai:

Lớp học “không quạt, không ánh sáng” trên đỉnh Lơ Pang

(Dân trí) - Tựa mình bên dãy núi Lơ Pang là điểm trường vùng khó làng A Lao (huyện Mang Yang, Gia Lai). Vì thiếu phòng nên hàng chục học sinh phải học trong nhà tạm dựng bằng tôn, không quạt, không ánh sáng.

Điểm trường A Lao (Trường tiểu học xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, Gia Lai) được bao bọc bởi dãy núi Lơ Pang hùng vĩ. Điểm trường có 6 phòng học (5 phòng xây và 1 phòng học tạm) với 147 học sinh (100% là học sinh người Ba Na).

Phòng học tạm bợ ở điểm trường A Lao

A Lao là làng khó khăn nên điều kiện kinh tế và nhận thức của bà con chưa cao. Chính điều này đã gây khó khăn trong việc huy động trẻ ra lớp và duy trì sĩ số. Mỗi ngày, các giáo viên thường đến sớm để điểm danh và đi từng nhà để vận động học sinh vắng học.

Vì điều kiện của học sinh còn khó khăn, thiếu thốn nên giáo viên và nhà trường cùng chung tay để huy động mọi nguồn lực và vận động các nhà hảo tâm nhằm xin quần áo, sách vở, dép… cho các em.

Nhờ sự nỗ lực, tâm huyết với ngành Giáo dục vùng cao mà tỷ lệ duy trì sĩ số của trường đạt hơn 90%.

Lớp học “không quạt, không ánh sáng” trên đỉnh Lơ Pang - 1
Hàng chục học sinh phải học trong phòng học tạm được dựng bằng những tấm tôn cũ

Mới 6h sáng nhưng trên từng con ngõ của làng A Lao đã vang vọng tiếng cô giáo gọi trò dậy đi học. Trên những chiếc xe máy, các cô giáo đã đến gõ cửa từng nhà để vận động học sinh tới lớp. Khi tiếng kẻng ở điểm trường vang lên, tất cả học sinh tập trung đầy đủ để dự tiết chào cờ đầu tuần.

Theo đó, những lời nhận xét của các giáo viên xen lẫn hai thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng Ba Na) để cho các em học sinh nghe và hiểu. Giờ chào cờ ở điểm trường A Lao được tổ chức một cách ấm cúng, gần gũi tình thầy trò nhưng không kém phần trang nghiêm dưới lá cờ Tổ quốc.

Lớp học “không quạt, không ánh sáng” trên đỉnh Lơ Pang - 2

Điểm trường A Lao có 6 phòng học trong đó có một phòng đang trong tình trạng tạm bợ để chờ xây dựng thêm.

Tại điểm trường A Lao còn một phòng học tạm của lớp 2D được dân làng dựng lên bằng những tấm tôn cũ. Phòng học có khoảng 20 em học sinh lớp 2 do thầy Chhơi (35 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp 2D) phụ trách.

Nhìn từ trong phòng học, chúng tôi đã thấy hàng trăm khe sáng xuyên thấu vào lớp học. Giữa cái nắng hơn 35 độ, phòng học tạm không có lấy một cái quạt. Không những thế, học sinh phải học trong một không gian thiếu ánh sáng vì không đèn điện.

Lớp học “không quạt, không ánh sáng” trên đỉnh Lơ Pang - 3
Một phòng học không có quạt, ánh sáng khiến các em học sinh khó khăn trong việc học

Trao đổi với chúng tôi, thầy Chhơi tâm sự: “Theo nhiệm vụ phân công, tôi đã vào dạy tại điểm trường này gần 2 năm. Vì thiếu phòng học nên nhà trường đã tận dụng phòng này để học sinh học tạm.

Phòng làm bằng tôn nên học sinh ngồi cảm thấy rất nóng, mùa mưa thì bị tạt ướt hết sách vở. Đầu năm 2020, cái bóng đèn duy nhất cũng bị trộm, nhà trường vẫn chưa mua lại được.”

“Điều kiện dạy học ở đây cũng khó khăn bởi các em là người Ba Na, tiếp thu bài còn chậm và tiếng Việt còn chưa rành. Bên cạnh đó, hầu như các em đều thiếu sách vở, đồ dùng học tập nên các thầy cô đều phải mua hoặc đi xin về cho các em học.

Sau khi tan lớp, số sách vở này để lại ở lớp để trách việc mất và hư hỏng. Tuy vậy, các em rất biết nghe lời và chăm ngoan học tập khiến các thầy cô càng có tâm huyết để “bám làng” dạy học.”, thầy Chhơi bộc bạch thêm.

Lớp học “không quạt, không ánh sáng” trên đỉnh Lơ Pang - 4

Thầy cô mong muốn sớm xây dựng phòng học mới để cho các em học sinh vùng khó thoát cảnh học trong phòng tạm bợ.

Ngoài phòng học tạm, tại điểm trường còn nhiều khó khăn, thiếu thốn như: nước sạch, sân bê tông… Trao đổi với chúng tôi, cô Vũ Thị Hợi -Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lơ Pang cho biết: “Trường có giếng khoan nhưng không có nước vì lúc khoan gặp đá bàn.

Nhiều năm nay, nhà trường đều phải dẫn nước từ trên núi về cho học sinh sử dụng. Lúc hạn hán, chúng tôi phải đi xin nước của người dân trong làng.

Ngoài ra, sân của điểm trường A Lao chưa được bê tông hóa nên vào mùa mưa học sinh thường bị dính đất đỏ khiến quần áo và sách vở đều bẩn.”

Tại trường tiểu học Lơ Pang, không chỉ điểm trường A Lao mà còn điểm trường Byầu nằm trên một đỉnh núi cao cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, sau khi báo chí phản ánh thì chính quyền địa phương đã đầu tư con đường hàng tỷ đồng xuyên qua cánh rừng để thuận lợi cho thầy cô lên dạy và bà con làng Byầu đi lại.

Đối với điểm trường A Lao, đường đi đã được bê tông hóa. Tuy nhiên do lượng học sinh đông nên phải sử dụng phòng học tạm để học tập.

Lớp học “không quạt, không ánh sáng” trên đỉnh Lơ Pang - 5

Tuy ở vùng khó nhưng các em học sinh rất chăm ngoan học tập và nghe lời cô giáo.

Giải thích việc này, ông Nguyễn Vĩnh Hoàng - Phó Phòng GD&ĐT huyện Mang Yang cho biết: “Thường học sinh đi học trái buổi nhau thì sẽ không thiếu phòng. Tuy nhiên, vì tập tính của người đồng bào đi làm cả ngày nên nhà trường phải bố trí cho các em đi học vào buổi sáng hết.

Chính vì lượng học sinh đông khiến cho thiếu phòng học. Nhiều năm qua, nhà trường đã tận dụng phòng học tạm mà dân làng xây dựng để cho học sinh học.

Dự kiến, trong thời gian từ năm 2020 - 2021, UBND xã sẽ bố trí nguồn vốn để xây dựng thêm phòng học tại điểm trường A Lao”.

Phạm Hoàng