Gần 400 nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam luận bàn về giáo dục mở

(Dân trí) - Sáng nay 24/10, Hội nghị thường niên lần thứ 32 của Hiệp hội các trường ĐH Mở châu Á (AAOU2018) đã khai mạc tại Hà Nội. Tham dự hội nghị có gần 400 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 5 châu lục.

Hội nghị với chủ đề: “Giáo dục mở trong phát triển nguồn nhân lực cho các nước châu Á trong thời kỳ hội nhập”.

Hội nghị là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý trao đổi về học thuật, công nghệ và kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục mở và từ xa. Hội nghị diễn ra trong 2 ngày từ ngày 24 - 26/10/2018.


Gần 400 nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam luận bàn về giáo dục mở

Gần 400 nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam luận bàn về giáo dục mở

TS Trương Tiến Tùng, Viện trưởng Viện ĐH Mở cho biết, mục tiêu của Hội nghị nhằm khẳng định vai trò của giáo dục mở đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia trong khu vực; Tập trung nghiên cứu và chia sẻ thực tiễn về vai trò của giáo dục mở trong việc phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu mới của châu Á trong giai đoạn hội nhập; Thúc đẩy nghiên cứu khoa học về lĩnh vực giáo dục mở và từ xa, đồng thời mở rộng hợp tác giữa các cơ sở giáo dục mở và từ xa trong khu vực và trên thế giới.

Giáo dục mở là xu hướng giáo dục hướng tới nền giáo dục tiên tiến - một triết lý giáo dục hướng tới loại bỏ các rào cản trong việc tiếp cận với giáo dục.

Xuất hiện tại Việt Nam vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20, với nhiều loại hình phong phú, giáo dục mở đã trở thành định hướng phát triển của nền giáo dục Việt Nam tại Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành TƯ Khóa XI, trong đó Viện ĐH Mở là 1 trong 2 trường Đại học Mở được thành lập với mục tiêu hiện thực hóa triết lý giáo dục mở đó.

Phát biểu tại hội nghị, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, các nội dung trong khuôn khổ của diễn đàn, Hội nghị khoa học này đã và đang góp phần thiết thực vào việc giải quyết những vấn đề lớn, hết sức căn bản trong quá trình đóng góp của hệ thống giáo dục mở vào sự phát triển nguồn nhân lực của các quốc gia trong khu vực.


Tổng số báo cáo khoa học mà các đại biểu gửi tới Ban tổ chức là 270 báo cáo

Tổng số báo cáo khoa học mà các đại biểu gửi tới Ban tổ chức là 270 báo cáo

Đánh giá cao những ý tưởng khoa học và nội dung của Hội nghị, Thứ trưởng Phúc cho rằng, những báo cáo khoa học và ý kiến phát biểu của các nhà khoa học được trình bày trong Hội nghị lần này sẽ góp phần tạo nên những cơ sở cần thiết để phát triển hơn nữa hệ thống; phương thức giáo dục và các chương trình để các đơn vị đào tạo đại học thuộc hệ thống giáo dục mở trở thành các nội cung cấp nguồn nhân lực có khả năng chuyên môn và kiến thức sâu rộng, đáp ứng cho sự phát triển nhanh chóng của toàn cầu hóa trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.

Thứ trưởng Phúc mong rằng, hội nghị sẽ là cầu nối thiết lập quan hệ hợp tác thường xuyên và tin cậy giữa các nhà khoa học của các trường đại học mở trong khu vực châu Á và thế giới.

Hội nghị thường niên AAOU được tổ chức lần lượt bởi các thành viên của tổ chức, là diễn đàn khuyến khích tất cả những người hoặc tổ chức có liên quan đến học tập mở và từ xa ở châu Á, đặc biệt là các học giả, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, giảng viên và sinh viên. Đây là nơi trao đổi thông tin, kinh nghiệm, luận bàn về lý luận và thực tiễn giáo dục từ xa trong khu vực và trên thế giới.

Nhật Hồng