Thanh Hóa:

Dự kiến thu tiền xã hội hóa giáo dục để... trả nợ cũ

(Dân trí) - Năm học mới vừa bắt đầu chưa được bao lâu, nhiều phụ huynh đã phải lo lắng đến các khoản thu, chi ngoài ngân sách mà nhà trường dự kiến đặt ra. Trong khi đó tỉnh Thanh Hóa cũng như ngành giáo dục đã có hướng dẫn, cũng như chấn chỉnh việc thu chi ngoài ngân sách tại các cơ sở giáo dục.

Theo phản ánh của một số phụ huynh có con em theo học tại Trường THCS Tiến Lộc (xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), nhà trường đã có danh sách dự kiến các khoản thu trong năm học 2019 - 2020.

Dự kiến thu tiền xã hội hóa giáo dục để... trả nợ cũ - 1

Trường THCS Tiến Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) dự kiến thu 17 khoản trong năm học mới.

Theo danh sách dự kiến, có 17 khoản thu theo các danh mục như: khoản thu theo quy định của nhà nước, khoản thu bắt buộc theo luật, khoản thu của các đoàn thể liên quan đến học sinh, các khoản thu tự phục vụ học sinh và quỹ xã hội hóa giáo dục.

Trong đó, đáng chú ý có các khoản thu như: tiền học thêm hơn 1,4 triệu đồng; quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh 100.000 đồng; tiền nước uống 50.000 đồng; tiền phô tô kiểm tra (chưa tính đề của Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT) 30.000 đồng/học kỳ; trả công thuê dọn vệ sinh, mua giấy, các dụng cụ vệ sinh 50.000 đồng/phụ huynh.

Bên cạnh đó còn có các khoản như: bổ sung đồ thực hành, thiết bị, tư liệu tham khảo 50.000 đồng; bảo dưỡng, bảo trì máy tính 100.000 đồng.

Dự kiến thu tiền xã hội hóa giáo dục để... trả nợ cũ - 2
Danh sách dự kiến các khoản thu trong năm học 2019 - 2020.

Đặc biệt, có khoản thu trả nợ cũ 300.000 đồng và khoản thu làm nhà để xe học sinh, tu sửa nhỏ cơ sở vật chất 100.000 đồng.

Theo ý kiến phản ánh của phụ huynh, các khoản thu tự phục vụ học sinh mang tiếng là thỏa thuận, nhưng trên thực tế là nhà trường tự lập danh sách rồi phổ biển cho phụ huynh phải đóng.

Đối với khoản thu xã hội hóa giáo dục 300.000 đồng, theo danh sách dự kiến thì nhà trường cào bằng, không có sự bàn bạc dân chủ. Trong đó, phụ huynh cho rằng, năm nào học sinh cũng phải đóng nhiều khoản mà nhà trường còn thu khoản tiền trả nợ cũ là không chấp nhận được.

Theo phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm đã phổ biến các khoản thu và đã có một số phụ huynh nộp tiền.

Liên quan đến những phản ánh trên, ông Lê Quang Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Tiến Lộc thừa nhận, các khoản nêu trên là nhà trường dự kiến thu trong năm học này. 

Đồng thời, ông Lê Quang Anh cho rằng, đến thời điểm hiện tại, nhà trường chưa thông báo thu bất cứ một khoản gì. Còn vấn đề phản ánh của phụ huynh về việc có một số người đã nộp tiền cho cô giáo chủ nhiệm, ông sẽ nắm lại.

Hiệu trưởng nhà trường giải thích về các khoản thu tự phục vụ học sinh là những khoản nhà trường xây dựng trên tinh thần thỏa thuận, không nằm trong quy định.

Dự kiến thu tiền xã hội hóa giáo dục để... trả nợ cũ - 3
Ông Lê Quang Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Tiến Lộc.

Đối với khoản thu trả nợ cũ của nhà trường và khoản thu làm nhà để xe, tu sửa nhỏ cơ sở vật chất, ông Anh lý giải, đây là khoản phụ huynh nhờ xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường năm 2018, vận động xã hội hóa thì theo tinh thần tự nguyện. Mức thu 300.000 đồng là dự kiến của phụ huynh đưa ra để vận động, nhà trường không ép. 

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Luệ, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết, Trường THCS Tiến Lộc đã có văn bản gửi huyện về các khoản thu trên, tuy nhiên huyện đã chỉ đạo không đồng ý.

Vấn đề thông tin nhà trường tổ chức thu, huyện sẽ giao Phòng GD&ĐT kiểm tra, làm rõ, nếu đúng như phản ánh sẽ xử lý nghiêm đối với hiệu trưởng.

Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa, đối với các khoản thu thỏa thuận, phục vụ trực tiếp học sinh theo nhu cầu tự nguyện của cha mẹ học sinh (CMHS) với các nhà trường và điều kiện của từng vùng, miền (không bắt buộc) như: Tiền công phục vụ và tiền ăn bán trú, tiền mua bổ sung đồ dùng và dụng cụ dùng chung phục vụ bán trú.

Tiền nước uống, trông trẻ ngoài giờ, hồ sơ học sinh lớp đầu cấp, sổ liên lạc điện tử; đồ dùng cá nhân trực tiếp phục vụ bán trú học sinh và học phẩm đối với mầm non, các nhà trường phải thống nhất với Hội CMHS về mẫu, màu sắc và thẩm mỹ cho phù hợp với từng độ tuổi.

Tổ chức Hội nghị Ban đại diện CMHS trường, lớp để triển khai kế hoạch thu, chi đến CMHS; kết qủa thu, chi phải quyết toán theo quy định.

Khoản kinh phí sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất trong các cơ sở giáo dục, các cơ sở giáo dục lập dự toán, gửi cơ quan tài chính cấp trên để xem xét, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Các khoản không được thu trong các cơ sở giáo dục như: Tiền bảo vệ cơ sở vật chất và an ninh trường học; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Đồng thời, không thu đóng góp của CMHS để phục vụ chi thường xuyên mà ngân sách nhà nước đã bố trí theo quy định như: Chi hỗ trợ hoạt động giáo dục, điện sáng, bảo vệ trường, nước sinh hoạt, hoạt động tập thể, thi đua khen thưởng, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Không được thu tiền vệ sinh trường, lớp và các công trình vệ sinh; các nhà trường thống nhất với Hội CMHS về mẫu, màu sắc để CMHS tự may đồng phục cho HS.

Khoản thu kiểm tra định kỳ đối với học sinh Tiểu học, THCS, THPT, các nhà trường chỉ thu tiền giấy thi phục vụ học sinh; không thu tiền ra đề thi, coi thi, chấm thi...

Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát các khoản thu theo đúng quy định và có biện pháp xử lý đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về thực hiện các khoản thu ngoài ngân sách của các đơn vị trực thuộc, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có)...

Địa phương nào để xảy ra tình trạng lạm thu thì Trưởng Phòng GD&ĐT phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện, thị xã, thành phố và Sở GD&ĐT. Các đơn vị trường tăng cường kiểm tra, rà soát các khoản thu theo đúng quy định và có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân để xảy ra tình trạng lạm thu; chịu trách nhiệm trước Sở GD&ĐT về thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách sai quy định.

Duy Tuyên