Quảng Bình:

Cô giáo vùng cao chào đón đầy yêu thương khiến trẻ vui đến trường

(Dân trí) - Mỗi sáng đến lớp, các em học sinh mầm non tại xã vùng cao Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình sẽ được lựa chọn màn chào hỏi nhiều hình thức như ôm, đập tay với cô giáo của mình. Đây là cách để các cô giáo vùng cao tạo sự hứng khởi cho học sinh, giảm tình trạng bỏ học.

Video: Cách đón trẻ tới lớp của cô giáo Trường Mầm non số 2 xã Trọng Hóa.

Đó là cách đón trẻ đến lớp mỗi ngày của các cô giáo tại Trường Mầm non số 2 xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Đây là ngôi trường đóng trên địa bàn xã miền núi, còn rất nhiều khó khăn, là nơi sinh sống của đồng bào người Khùa, Mày, Chứt…

Cô giáo vùng cao chào đón đầy yêu thương khiến trẻ vui đến trường - 1

Cô giáo đón trẻ  với bộ “menu” lựa chọn hành động như: trái tim ấm áp, đôi bàn tay xinh, nắm tay kỳ diệu và bàn chân đáng yêu.

Cách đón trẻ đầy độc đáo nói trên được Trường Mầm non số 2 xã Trọng Hóa triển khai ở tất cả các điểm trường vào đầu năm học mới vừa qua. Vào mỗi buổi sáng đón trẻ, các cô giáo sẽ chờ các em ở cửa với bộ “menu” lựa chọn hành động như: trái tim ấm áp, đôi bàn tay xinh, nắm tay kỳ diệu và bàn chân đáng yêu.

Với mỗi lựa chọn này, cô giáo sẽ đập tay đầy hứng khởi hoặc dành tặng những cái ôm yêu thương cho học trò trước khi vào lớp. Không những vậy, mỗi khi tan trường, các cô cũng dành tặng các em những cái ôm và chào tạm biệt để về bên gia đình.

Cô giáo vùng cao chào đón đầy yêu thương khiến trẻ vui đến trường - 2

Cô trò đập tay đầy hứng khởi trước khi vào lớp.

Chia sẻ với Dân trí, cô Đinh Thị Bùi Chung, Hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 Trọng Hóa cho biết, do điều kiện đóng trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, học sinh đều là con em đồng bào dân tộc nên rất nhút nhát và ngại việc đến trường. Chính vì vậy các cô giáo của ngôi trường này luôn phải tạo ra cảm giác gần gũi, thích thú đến lớp đối với các em. Cũng theo cô Chung, cô được biết và tìm hiểu hình thức đón trẻ này trên một số tờ báo và thấy thú vị cũng như mang lại hiệu quả nên đã triển khai thực hiện.

“Cứ vào đầu năm học mới là các em lại không chịu quay lại trường, hoặc học giữa buổi lại bỏ trốn về nhà. Vì vậy, ngoài việc đến trực tiếp từng nhà đón các em lên lớp, các cô giáo của nhà trường còn muốn đón trẻ với nhiều yêu thương, để học trò cảm thấy mỗi ngày đến lớp là một ngày vui”, cô Chung chia sẻ.

Cô giáo vùng cao chào đón đầy yêu thương khiến trẻ vui đến trường - 3

Những cái ôm ấp áp, yêu thương.

Cô Thái Thị Ngân, giáo viên cắm bản tại điểm trường bản Sy, xã Trọng Hóa cho biết, không chỉ học sinh mà ngay cả các cô giáo cũng rất thích thú với các hoạt động đón trẻ đầy ý nghĩa này. Nó làm tăng thêm không khí vui tươi, nâng cao tinh thần yêu nghề, mến trẻ của cô giáo mầm non.

“Với học sinh dân tộc, các em còn thiếu thốn rất nhiều, thiệt thòi nhiều so với các bạn dưới xuôi. Ngay từ cái ăn, cái mặc đến sự quan tâm của bố mẹ cũng ít, chính vì thế những cử chỉ yêu thương sẽ khiến các em vui hơn, cảm nhận sự yêu thương nhiều hơn”, cô Ngân cho hay.

Cô giáo vùng cao chào đón đầy yêu thương khiến trẻ vui đến trường - 4

Cô và trò điểm trường Ra Mai, Trường Mầm non số 2 xã Trọng Hóa.

Cũng như cô Ngân, cô giáo cắm bản Đinh Thị Huyền Trang tâm sự, do điều kiện cũng như hiểu biết hạn chế nên tâm lý phụ huynh hầu như không  quan tâm đến trẻ, khiến các em rất nhút nhát, giao tiếp với cô và các bạn rất là rụt rè.

“Để tạo cho trẻ tính mạnh dạn, tự tin thì phải gần gũi với trẻ, muốn cho trẻ đến lớp học thường xuyên thì không những trang trí lớp đẹp, sân vườn đẹp, khuôn viên cảnh quan, môi trường xanh sạch đẹp mà còn tạo sự thân thiện giữa cô và trẻ. Kể từ khi thực hiện đón và trả trẻ như thế thì các em và phụ huynh cũng tỏ ra thích thú, phấn khởi hơn”, cô Trang tươi cười nói.

Cô giáo vùng cao chào đón đầy yêu thương khiến trẻ vui đến trường - 5

Các cô giáo mầm non luôn tạo sự thân thiện với trẻ để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Trường Mầm non số 2 xã Trọng Hóa hiện có tất cả 7 điểm trường với 21 giáo viên và 214 học sinh. Đặc biệt, 2 phòng học tại điểm trường bản Sy chính là công trình mà báo Dân trí kết nối với Tập đoàn Đỉnh Vàng ủng hộ, xây dựng vào năm 2017. Nhờ vậy mà từ đó đến nay, cô và trò tại điểm trường này được dạy và học trong căn phòng khang trang, sạch đẹp.

Tiến Thành