Thành Lộc và câu chuyện phim-kịch-nhạc

Chung chủ đề về sự "lấn sân" của các ca sĩ sang những lĩnh vực nghệ thuật khác, mời các bạn cùng tham gia cuộc trò chuyện với Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc, một "ngôi sao" của sân khấu kịch nói, lại là người rất yêu thích ca hát và đã dàn dựng một số vở nhạc kịch.

Dưới cái nhìn của một người ngoài giới âm nhạc nhưng quan tâm đến âm nhạc, những cuộc "lấn sân" của ca sĩ có sẽ sẽ được hiểu một cách khách quan hơn...

Anh là một người yêu thích ca nhạc, điều ấy thể hiện ở việc anh thích dựng các vở nhạc kịch và vẫn thường hát trong những vở kịch có anh tham gia diễn xuất. Ngày trước đã bao giờ anh mong trở thành một ca sĩ chưa? Nếu có, vì sao mong ước ấy không được anh biến thành sự thật?

Tôi thích hát lắm và đã từng nuôi mộng trở thành ca sĩ. Tôi thấy giọng hát của mình nghe cũng... lọt lỗ tai và đã từng đoạt những giải thưởng ca hát khi còn nhỏ, lúc đang đi học. Khi tôi làm việc ở Đoàn kịch Trẻ Tp.HCM, mở đầu chương trình thường có phụ diễn ca nhạc 30 phút và tôi là một trong những ca sĩ của đoàn. Tôi cũng từng là thành viên của Ban nhạc dân tộc Bách Việt, với các ca sĩ Đình Văn, Nhất Sinh, Hữu Luân, Ngọc Yến, Diệu Đức, Bạch Lý, Ngọc Điệp ..v.v...

Nhưng ca hát với tôi vẫn là nghề tay trái. Tôi đã trở thành một diễn viên kịch như mọi người đều thấy. Vì khi đứng trước một ngã ba buộc phải lựa chọn, tôi phải chọn con đường nào mà tôi sẽ có những bước chân chắc chắn và sải dài nhất, làm việc có thể phát huy hết công suất. À, tôi cũng biết ca cải lương nữa, tôi cũng đã từng là một diễn viên múa. Vì vậy tôi muốn mình là một nghệ sĩ nhạc kịch. Ở môi trường nhạc kịch, tôi thật sự là con cá gặp nước.

Anh đã từng thể hiện giọng hát của mình trong vở "Tin Ở Hoa Hồng", là vở nhạc kịch được biết đến nhiều nhất của Idecaf (do đã được truyền hình trực tiếp) và một số vở khác nữa, khán giả của anh nhận xét thế nào về khả năng ca hát của anh?

Họ bảo tôi có giọng hát truyền cảm. Dĩ nhiên là không tuyệt vời như ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng có sức biểu đạt tình cảm, có hồn và phát âm rõ lời hơn hẳn một số ca sĩ ngôi sao hiện thời, cái này chắc là đúng vì tôi là dân thoại kịch mà! Ca sĩ Phan Đinh Tùng "xúi" tôi ra một album gì đó đi, tôi nói với cậu em ấy là, "Thôi em ạ, anh biết anh là ai mà. làm gì cũng phải chừa một cửa để mà còn... tẩu thoát nữa chứ!"

Ở Mỹ hay một số nước phát triển khác, nhiều diễn viên điện ảnh có thể đóng phim ca nhạc và hát thoải mái, như những ca sĩ chuyên nghiệp, có thể kể ra Nicole Kidman, Gwyneth Paltrow, Kate Winslet, Gerard Butler, Kevin Spacey, Ewan McGregor... Ở góc độ nghề nghiệp, anh nhận thấy họ đã phát huy những khả năng nào của bản thân để có thể hoàn thành tốt cả 2 công việc: diễn xuất và ca hát?

Còn Antonio Banderas nữa chứ. Tôi thực sự khâm phục anh ta vì anh ta vốn là diễn viên nhạc kịch ở Broadway mà trở thành ngôi sao điện ảnh. Nhưng số những nghệ sĩ như vậy cũng không nhiều đâu và họ thật sự là những ngôi sao sáng giá. Họ đã biết cách phát huy mọi kỹ năng mà họ có ở mức độ cao nhất để đạt đến thành công. Cần phải hiểu và nhìn nhận đúng vấn đề. Với tư cách là một tài tử điện ảnh hay một nghệ sĩ sân khấu, cái cốt cách cao quý của nghệ sĩ đó là sự lao động không mệt mỏi để hoàn thiện nghệ thuật diễn xuất đi đến đỉnh cao. Những ngôi sao màn bạc xuất sắc, mà ta thấy trong phim, đã phải lao động thật sự với lòng tự trọng nghề nghiệp. Họ là những đôi giày đã được đo ni và họ xứng đáng với thành công của họ.

Đài từ tốt của diễn viên kịch giúp được gì họ khi chuyển sang ca hát, và ngược lại, ca sĩ với âm vực tốt có lợi thế nào không nếu chuyển sang đóng kịch?

Kỹ thuật luyện thanh của diễn viên kịch gần giống với kỹ thuật thanh nhạc, am hiểu tường tận điều này sẽ được hỗ trợ tốt khi phải làm cả 2 công việc, diễn viên kịch và ca sĩ. Nhưng không phải ai cũng hiểu và làm được. Bạn đã từng nghe một số ca sĩ thuộc hàng sao mà hát như thế này chưa: "cuộc tình" thành "cuột tìn", hay "con đường thành "con đườn". Còn có những diễn viên kịch lẽ ra phải thốt lên "Trời ơi!" thì anh ta lại gào to "Chời ơi!".

Có ca sĩ hát hay lắm nhưng đóng kịch thì loại lời lại rất đơn điệu trong âm vực, không biểu lộ được cảm xúc. Cái này thì lại thuộc về năng khiếu. Nói tóm lại, cái gì mà ai cũng làm được thì nghệ thuật làm gì có nhân tài!

Anh có nhận xét gì về những ca sĩ nhảy sang đóng kịch hay các diễn viên kịch đi làm ca sĩ? Làm sao để phân biệt người có khả năng đa dạng thực sự với một người muốn “mượn” những thứ nghệ thuật khác để trang điểm cho bản thân, như một cách tự làm nổi mình?

Trước hết, tôi xin được nói rõ chính kiến đầu tiên của tôi là tôi rất ghét người ta hay dùng cụm từ "đá lộn sân" để ám chỉ việc một người làm thêm một công việc ở lãnh vực khác với ngành nghề thường nhật của họ. Tại sao chúng ta lại có thể tự trao cho mình quyền hạn khoanh vùng sân cho người khác? Chúng ta đâu có quyền cho hay không cho phép một cầu thủ bóng đá có thể tham gia thi đấu quần vợt hay bơi lội nếu anh ta có khả năng làm chuyện đó?

Quan điểm của tôi là ai làm được thì cứ làm nếu người ta có thừa khả năng, vì người được lợi ở đây chính là công chúng, là xã hội. Công chúng có thể dung dưỡng nếu ưa thích và đào thải nếu thấy không phù hợp nữa. Hơi đâu ta đi tìm hiểu và phân biệt động cơ của những nghệ sĩ ấy mà làm gì, vì điều đó nó lồ lộ ra đấy thôi!

 

Thành Lộc và câu chuyện phim-kịch-nhạc - 1
 

Thành Lộc trong vở "12 bà mụ"

Gần đây, điện ảnh Việt Nam bắt đầu khởi sắc, cùng phong trào “chân dài” đi đóng phim là mốt ca sĩ đóng phim, là một diễn viên kịch, anh cũng thấy là từ sân khấu đến với điện ảnh đã là khó chứ nói gì người mẫu và ca sĩ, theo anh, các ca sĩ muốn trở thành một “ngôi sao màn bạc” họ cần phải sở hữu những tố chất nào và rèn luyện ra sao?

Lãnh vực nào cũng vậy, tố chất quan trọng vẫn là năng khiếu, cái đó là "ơn huệ" Trời ban cho mỗi người và không phải ai Trời cũng cho. Điều cần thiết là chí cầu tiến, cái gì không biết thì phải học thôi và mỗi người tự đặt cho mình một phương pháp học phù hợp với hoàn cảnh của mình. "Không thầy đố mày làm nên", ông bà đã dạy, không sai!

Điện ảnh thế giới, ca sĩ và người mẫu đóng phim là chuyện bình thường, thành công cũng nhiều, trở thành tài tử điện ảnh thượng thặng, và ngược lại, thất bại cũng không ít. Tôi không lấy làm lạ với biểu hiện như bạn vừa nói trong điện ảnh Việt Nam. Có điều tôi rất lấy làm khó chịu khi đọc được trên báo này hay xem ti-vi nọ những lời "tự thú" của những diễn viên mới toanh, đại loại, "Đây là lần đầu tiên đứng trước ống kính nên sẽ có nhiều sơ xuất!".

Như vậy khán giả luôn luôn phải xem những bộ phim bao giờ cũng có sơ xuất. Bao giờ cũng phải xem những sản phẩm nghệ thuật không chuyên. Đạo diễn thì hay đi chọn những gương mặt mới rồi khi phim trình chiếu, bị khán giả chê, thì đổ thừa: "Các em diễn viên còn trẻ quá, thiếu vốn sống, thiếu kinh nghiệm vì lần đầu đóng phim nên chưa lột tả được hết ý đồ đạo diễn" ..v.v.. và ..v.v.. Đọc và nghe những thông tin đại loại như vậy, tôi thấy buồn cười lắm.

Tương tự, có 1 phong trào ngược lại, nhiều người nhờ sân khấu thời trang và điện ảnh, truyền hình mà nổi lên được, liền tính chuyện đi làm ca sĩ, có thể để kiếm tiền cho nhiều, có khi để thêm danh tiếng ..v.v.. Anh nghĩ gì khi (chẳng may) nghe được những giọng hát theo phong trào diễn viên nhảy qua làm ca sĩ?

Nếu hát hay thì chúc mừng, ngưỡng mộ, ủng hộ, thậm chí khâm phục. Còn nếu tệ quá thì thôi... hổng nghe nữa. Vô tư! Nhân đây tôi có thể nói thêm, có một giọng hát xuất thân từ sàn diễn thời trang mà tôi thực sự có thiện cảm vì sự tiến bộ vượt bậc và tính cầu thị của cô. Nói như dân nghe nhạc sành điệu thường biểu lộ khi nghe được một bản nhạc hay, 1 CD khá hay một giọng hát điêu luyện: "Cô ấy hát OK lắm". Tôi đang nói về Hồ Ngọc Hà.

Trong hoạt động nghệ thuật, giữa “việc ai nấy làm” (và làm cho tốt) và việc nhiều người tham gia nhiều thứ nghệ thuật, cái nào sẽ đem lại cho khán giả sự hài lòng và đem lại cho nền nghệ thuật sự tiến bộ?

Các bạn có nhớ bài hát sinh hoạt cộng đồng này không?
"Mỗi người là một cành hoa
Về đây về đây góp gió
Làm thành vườn hoa
Vườn hoa vườn hoa chúng mình".
Ca từ của nó đơn giản mà súc tích đấy chứ nhỉ?

Xin cảm ơn anh!