Quách Thu Phương

Một dáng kiều thơm của Hà Nội phố

Đó là hình ảnh rõ nét nhất của Quách Thu Phương trong lòng khán giả qua những thước phim truyền hình, điện ảnh. Không mấy ai ngờ được, giai nhân Hà thành này lại là một cô gái người dân tộc Mường.

Sinh ra ở vùng rừng núi Yên Thủy, Hòa Bình, trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật, Quách Thu Phương đến với sân khấu rất tình cờ sau một đợt tuyển diễn viên của Đoàn kịch Hà Tây. Một vài vai phụ lướt qua trên sân khấu kịch nói, ngoài vóc dáng mảnh mai, gương mặt thanh tú, cô sơn nữ ấy vẫn chưa để lại dấu ấn nào rõ nét... Ba năm sau, khi vẫn chưa gặt hái được điều gì đáng kể trên sàn diễn, cô mạnh dạn đi dự tuyển vai Linh cho bộ phim truyền hình Những ngày tháng đẹp.

 

Thật bất ngờ, chưa cần trang điểm, chỉ mới khoác bộ áo dài, vấn tóc kiểu cổ, cô đã trở thành một cô gái Hà Nội xưa: nền nã, đài các, thanh thoát... Từ đó, Quách Thu Phương liên tục được các đạo diễn chấm vào những vai tiểu thư Hà Nội của thời tiền chiến, như trong những phim Hà Nội mùa đông 46, Sống mãi với thủ đô... Xem cô đi đứng, nói cười trên màn ảnh, người ta cứ ngỡ như gặp lại những thiếu nữ khuê các của Hà thành một thuở... Những thành công trên màn ảnh đã khiến Quách Thu Phương trở thành gương mặt quen thuộc với khán giả, góp phần quan trọng trong việc Nhà hát Tuổi trẻ – địa chỉ được đánh giá là năng động nhất của sân khấu kịch miền Bắc – nhận cô về vào năm 1997.

 

Tuy nhiên, cũng chính hình ảnh tiểu thư khuê các ấy đã khiến khán giả chỉ quen với một Quách Thu Phương dịu dàng, nền nã. Bởi vậy, khi cô chuyển “gam”, đóng những vai gai góc, như cô vũ nữ Hoàng Hoa trong Vũ nữ đêm giao thừa hay cô cave Diễm trong Diễm 500 đô thì mọi người dường như không mấy ưng ý. Mặc dù theo Quách Thu Phương, ấy là do cô còn thiếu sự dày dạn, chưa đủ bản lĩnh để nhập thân vào những vai diễn góc cạnh, nhưng có lẽ, điều cốt yếu là ở chỗ: Khán giả chỉ chấp nhận Quách Thu Phương trong một dáng vẻ mong manh, thanh thoát như chính con người thực của cô...

 

Mới đây, sân khấu kịch phía Bắc mới có dịp tưng bừng, rộn rã: Vở kịch thơ Kiều Loan của thi sĩ Hoàng Cầm, mà người diễn nàng Kiều Loan không ai khác chính là Quách Thu Phương. Sau 65 năm chìm nổi, vở kịch thơ đã sống lại trên sàn diễn của Nhà hát Tuổi trẻ. Đến dự buổi ra mắt của vở kịch thơ, thi sĩ Hoàng Cầm đã không ngăn nổi tình cảm, ôm nữ diễn viên đóng vai chính, rưng rưng: “Đúng là Kiều Loan đây thật rồi!”.

 

Đúng như nhiều người nói, Quách Thu Phương chính là người đang được công chúng đặt hy vọng là lớp kế cận xứng đáng cho những tên tuổi của Nhà hát Tuổi trẻ như Lê Khanh, Lan Hương, Minh Hằng...

 

Mang một dáng vẻ mong manh, có phần yếu đuối, nhưng cô sơn nữ Quách Thu Phương lại là một người có thừa nghị lực. Nếu không, cô đã chẳng thể vượt qua bao sóng gió, trắc trở trong cuộc đời...

 

Quách Thu Phương lập gia đình sớm, 21 tuổi đã sinh con đầu lòng. Thời gian đầu, cuộc sống của cô khá êm đềm, phẳng lặng. Nhưng rồi, những thành công trong nghề nghiệp cứ dần dần tỉ lệ nghịch với hạnh phúc gia đình của cô. Mâu thuẫn ngày một lớn, đến ngày cô phải cùng con gái Phương Chi ra đi...

 

Giữa phố phường Hà Nội, chỉ hai mẹ con với hai bàn tay trắng nương tựa vào nhau, nhiều lúc cô tưởng mình không thể đứng vững được. Quanh người thiếu phụ quá xinh đẹp, thừa nhạy cảm, lại đang trong cảnh bơ vơ ấy có bao nhiêu điều cám dỗ, nhưng tánh ngay thẳng, có phần bướng bỉnh của một người con vùng sơn cước đã khiến Quách Thu Phương luôn ngẩng cao đầu. Cô lăn xả vào công việc, vừa để kiếm tiền nuôi con, vừa để quên đi những niềm cay đắng.

 

Và cuộc sống đã rất công bằng với cô: Cô không những trở thành gương mặt trẻ sáng giá nhất của Nhà hát Tuổi trẻ mà còn tìm được một nửa đích thực của mình. Người bạn đời của Quách Thu Phương bây giờ tuy không cùng nghề nhưng rất yêu nghệ thuật và quan trọng hơn là biết tin cô, biết chia sẻ với cô những cảm xúc trên sàn diễn và những niềm vui, nỗi buồn sau ánh đèn sân khấu.

 

Hạnh phúc đơn giản, ngọt ngào đó đã chắp cánh để người đẹp Quách Thu Phương bay vút lên trong ánh đèn màu sân khấu. 

 

Theo Thảo Chi

Người Lao Động