“Giấc mơ của ếch xanh”

Bộ phim 3D đầu tiên của Việt Nam

Được thực hiện bởi phần mềm Maya - một phần mềm ưu việt của Mỹ, “Giấc mơ của ếch xanh” của đạo diễn Hà Bắc dựa theo tích truyện ếch ngồi đáy giếng của dân gian là bộ phim 3D đầu tiên của Việt Nam.

Hà Bắc là một đạo diễn phim hoạt hình có nhiều thành công trong các bộ phim hoạt họa, búp bê, đặc biệt là những phim cắt giấy: Chú chuột biến hình, quạ và công, Vợ chồng sáo, Sự tích cái nhà sàn, Cuộc sống.

 

Hoạt hình 3D là một loại hình còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Khi bắt tay thực hiện bộ phim anh đã nghĩ gì?

 

Theo tôi được biết thì hiện tại ở Việt Nam chưa có một bộ phim hoạt họa 3D nào. Một số đoạn phim 3D đã được xây dựng hầu hết đều là phim quảng cáo được các hãng đặt hàng.

 

Thường mỗi phim quảng cáo chỉ có độ dài từ 15 đến 30 giây. Còn bộ phim Giấc mơ của ếch xanh 10 phút rưỡi là sản phẩm của sự hợp tác giữa Viện phim Việt Nam và Hãng phim Giải phóng.

 

Khi bắt tay thực hiện bộ phim, tôi và đồng nghiệp thường tự động viên nhau sẽ cố gắng hết mức có thể. Bà Hoàng Như Yến, Viện trưởng Viện Phim Việt Nam - Người đã mạnh dạn mở một lớp đào tạo về 3D tại Viện cũng đã khuyến khích chúng tôi nhiều, đồng thời bà trực tiếp đứng ra chịu trách nhiệm làm giám đốc cho bộ phim. Vì vậy nhóm làm phim chúng tôi yên tâm thể hiện hết những điều đã học hỏi được.

 

Về kiến thức đồ họa tin học, tôi may mắn quen biết và học hỏi được nhiều vị tiến sĩ  chuyên ngành. Thỉnh thoảng trong khi thực hiện tôi vẫn xin ý kiến của họ.

 

Công việc thực hiện bộ phim của anh mất bao lâu?

 

Mất 12 tháng. Đó là một khoảng thời gian ngắn hết mức có thể. Nếu cứ làm việc bình thường ngày 8 tiếng thì có lẽ công việc sẽ kéo dài hơn 2 năm. Chúng tôi đã phải hy sinh nhiều buổi tối, phải quên đi những bộ phim hay, những trận đấu bóng trực tiếp trên truyền hình.

 

Bộ phim được dựa trên phần mềm nào?

 

Đó là phần mềm Maya, một phần mềm ưu việt của Mỹ. Việc tạo hình theo lối Vecter. Tôi cũng chưa khai thác hết công dụng của phần mềm này. Đương nhiên yếu tố con người mới là quan trọng nhất.

 

Ngoài khó khăn về kiến thức tin học, anh còn gặp những trở ngại nào khác?

 

 

Họa sĩ tạo hình phim 3D ngoài kiến thức hội họa còn phải nắm vững kiến thức về điêu khắc, kiến thức diễn xuất, về ánh sáng. Phim hoạt hình 3D tạo hình như búp bê và yêu cầu diễn xuất của nhân vật như phim truyện. Cũng may vài anh em trẻ đã ví như Anh Quảng đã cùng tôi làm rất tốt việc này.

 

Anh muốn gửi gắm điều gì qua bộ phim?

 

Kịch bản của tôi dựa theo tích truyện ếch ngồi đáy giếng của dân gian. Tích truyện thì ngắn nhưng tôi cố gắng xây dựng nhiều trò để phim được hấp dẫn.

 

Trong phim nhân vật ếch bố là một người thủ cựu, suy nghĩ hạn hẹp, lo sợ về tai họa xung quanh nhưng lại luôn tự vỗ ngực cho mình là chúa tể muôn loài. Ếch bố đã tìm cho ếch con một “giang sơn hoành tráng” là một chiếc giếng. Từ đáy giếng nhìn lên trời chỉ to bằng cái vung. Ếch bố cho rằng cuộc sống như thế đã là an cư, lạc nghiệp, không phải lo tranh chấp với một thằng cua càng nào cả.

 

Ếch con, từ bé chẳng đi đâu xa ngoài “giang sơn” của mình, với sự giáo dục của bố, ếch con cũng bắt đầu nhiễm thói thủ cựu, tự cao tự đại.

 

Giấc mơ của ếch con trở nên bé nhỏ và thực dụng. Ếch con nằm mơ từ đáy giếng của mình, với tay lên lấy mảnh trăng làm vương miện. Rồi chiếc vương miện lại biến thành những con cá để làm mồi cho ếch con.

 

Sự thủ cựu, thói kiêu căng sẽ làm hại ếch con nếu một ngày kia bác rùa không xuất hiện. Khi ếch con khoe “giang sơn hoành tráng” của mình thì bác rùa đã khuyên bố con ếch nên ra biển.

 

Bác rùa đã kể cho bố con ếch những điều mắt thấy tai nghe của mình về biển. Đó là đại dương mênh mông sóng vỗ, cánh chim hải âu mặc sức bay, dưới mắt nước là muôn vàn sự sống khác... cùng vẻ đẹp muôn hình vạn trạng khi bình minh, khi hoàng hôn.

 

Và kết thúc bộ phim là chân lý hết sức giản dị nhưng không hẳn con người đã dễ nhận ra: “Đi thì biết đó biết đây. Ở lì một chỗ biết ngày nào khôn”.

 

Xem xong phim nhiều người cảm thấy vẫn thiêu thiếu một điều gì đó, anh nghĩ sao?

 

Điều này làm tôi cảm thấy rất vui vì tôi chỉ sợ người ta trách: “Sao phim dài thế, mãi không hết”.

 

Xin cảm ơn đạo diễn.

 

Theo Từ Khôi

Tiền Phong