Ông chủ người Thái Bình đem canh cá "vượt" trăm km lên Hà Nội

Toàn Vũ

(Dân trí) - Anh Long đã bán canh cá Quỳnh Côi gần 20 năm. Vài năm trở lại đây, anh mang món ăn này lên Hà Nội mở quán, với mong muốn giới thiệu đặc sản quê hương.

Từ lâu nay, món canh cá Quỳnh Côi (huyện Quỳnh Phụ) đã được xếp vào danh sách những món ngon đặc trưng của tỉnh Thái Bình. Gọi là canh cá nhưng đây không phải là cá nấu chua mà là một món ăn điểm tâm như phở, mì, bánh đa, kết hợp cùng cá rô đồng rim hoặc chiên giòn.

Với mong muốn giới thiệu đặc sản quê hương tới thực khách Hà Nội, anh Nguyễn Bá Long (Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã đem món canh cá Quỳnh Côi "vượt" 100km lên Thủ đô mở bán.

Ông chủ người Thái Bình đem canh cá vượt trăm km lên Hà Nội - 1

Anh Long mở một quán nhỏ trên đường Võ Chí Công (Tây Hồ, Hà Nội) để bán món ăn nổi tiếng quê hương (Ảnh: Toàn Vũ).

Anh Long đã bán canh cá Quỳnh Côi gần 20 năm. Trước đây, anh mở cửa hàng ở quê nhà. Vài năm trở lại đây, anh lên Hà Nội làm ăn.

Theo anh Long, nguyên liệu làm món canh cá là bánh đa Quỳnh Côi sợi nhỏ, trong suốt, khi nấu lên sợi chuyển màu trắng tinh, giòn dai và thơm mùi gạo. Loại bánh đa này ở nhiều nơi lại gọi là bánh đa trắng, phở khô hay mì gạo. Sợi bánh đa Thái Bình không dùng hàn the nhưng vẫn giòn, dai.

Ông chủ người Thái Bình đem canh cá vượt trăm km lên Hà Nội - 2

Cá rô đồng được sơ chế và rim với gia vị 2 đến 3 tiếng (Ảnh: Toàn Vũ).

Canh cá Thái Bình có thể làm từ nhiều loại cá như cá trắm, trôi, mè, chép hay rô đồng. Trong đó, loại cá được chuộng hơn cả là cá rô đồng.

Cá được làm sạch, khéo léo tách bỏ xương, lọc phần thịt, rồi đem ướp với nước mắm ngon, bột tiêu và nước cốt nghệ tươi cùng một số gia vị khác. Sau khi ướp khoảng 30 phút, chủ quán cho cá lên nồi rim trong 2 đến 3 tiếng. Tới khi miếng cá se lại, bên ngoài vàng ruộm thì cho ra khay.

Ông chủ người Thái Bình đem canh cá "vượt" trăm km lên Hà Nội

"Mỗi ngày, tôi chế biến từ 20-50kg cá. Muốn bát canh ngon, người chế biến phải gỡ cá thật khéo, không để miếng cá nát.

Nhà tôi không làm cá chiên như các quán khác. Tôi rim cá với dầu ăn trong vòng 2-3 tiếng. Làm như vậy tuy mất thời gian nhưng thịt cá được ngấm gia vị và đậm đà. Cá tôi lựa chọn rô đồng ở quê lúa Thái Bình, chứ không dùng cá rô phi", anh Long chia sẻ.

Ăn kèm canh cá là rau cải thái nhỏ, lá thì là hoặc rau cần, tùy theo mùa.

Nồi nước dùng được anh Long "chăm sóc" rất kĩ lưỡng, nấu theo bí quyết riêng. Nước dùng ninh từ xương cá, xương lợn, các loại rau củ, hành, gừng... với tỉ lệ phù hợp. Nước dùng phải ngọt tự nhiên, đậm đà mà không dùng gia vị tạo ngọt hay mỳ chính. 

Ông chủ người Thái Bình đem canh cá vượt trăm km lên Hà Nội - 3

Nước dùng ngọt tự nhiên kết hợp miếng cá rô đồng giòn rụm, thơm phức (Ảnh: Toàn Vũ).

Hà Nội hiện nay không có nhiều quán sử dụng cá rô đồng để làm bún cá mà thay vào đó là các loại cá lớn hơn như rô phi, cá trắm.

Ông chủ người Thái Bình đem canh cá vượt trăm km lên Hà Nội - 4

Quán phục vụ canh cá có giá từ 35.000-45.000 đồng/bát (Ảnh: Toàn Vũ).

Ông chủ người Thái Bình đem canh cá vượt trăm km lên Hà Nội - 5

Tuy mới mở cửa được 5 tháng nhưng quán đã thu hút được nhiều thực khách (Ảnh: Toàn Vũ).

Anh Long cho biết, anh muốn duy trì hương vị nguyên bản của canh cá Quỳnh Côi để giới thiệu tới thực khách. Khi ăn, thực khách cảm nhận được vị ngọt hậu của nước dùng, miếng cá thấm đẫm gia vị, ngoài giòn, trong mềm, kết hợp hài hòa với vị cay nhẹ của rau cải. Tùy khẩu vị, thực khách có thể vắt thêm vào bát canh cá miếng quất hoặc chanh, ớt chưng, giấm tỏi, kèm theo rau húng, mùi...

Anh Trung (Thanh Xuân, Hà Nội), một thực khách lần đầu tiên tới quán thưởng thức canh cá rô Thái Bình chia sẻ: "Tôi biết quán qua một bạn Tiktoker có tiếng. Lần đầu đến ăn thử, cá nhân tôi thấy canh cá ở đây vừa miệng, nước dùng ngọt, thịt cá đậm đà. Bát canh cá đầy đặn, giá hợp lý. Tuy nhiên, lượng rau hơi ít".

Anh Long cho biết, ngày thường, quán đón khoảng 250 khách. Ngày cuối tuần, lượng khách đông hơn hẳn.