Hội An:

Làng rau nổi tiếng Trà Quế gặp khó vì dịch Covid-19

(Dân trí) - Cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, người dân làng rau Trà Quế, TP Hội An đang tìm cách khơi thông khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Làng Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP Hội An, Quảng Nam) có diện tích trồng rau khoảng 18ha với hơn 200 hộ dân canh tác, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 tấn rau, quả các loại.

Làng rau nổi tiếng Trà Quế gặp khó vì dịch Covid-19 - 1

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, các nhà hàng, khách sạn đóng cửa, siêu thị giảm lượng mua nên việc tiêu thụ của người dân làng rau Trà Quế gặp nhiều khó khăn

Thương hiệu rau sạch Trà Quế được thị trường biết đến, ưa chuộng vì sản phẩm sạch, chất lượng. Ngoài cung ứng cho các siêu thị tại Đà Nẵng, rau Trà Quế còn được các khách sạn, resort hay các nhà hàng uy tín tin dùng, có thời điểm cung không đủ cầu.

Làng rau nổi tiếng Trà Quế gặp khó vì dịch Covid-19 - 2

Nhiều luống rau đang phát triển tốt nhưng đầu ra khó, nên người dân khá lo lắng

Đây cũng còn là địa chỉ du lịch nổi tiếng của Hội An. Bình thường mỗi ngày có vài ngàn lượt du khách đến đây tham quan, cùng trồng rau với bà con nông dân để trải nghiệm. Hơn hết, du khách còn được thưởng thức những loại rau trồng theo phương thức hữu cơ.

Làng rau nổi tiếng Trà Quế gặp khó vì dịch Covid-19 - 3

Để thích ứng với thị trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân làng rau Trà Quế cũng đang tìm cách vượt khó, như bán qua mạng hoặc bán lẻ tại chợ

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 làng rau cũng dừng bán vé tham quan từ ngày 10/3. Gần 1 tháng qua, bà con nông dân trồng rau ở đây gặp nhiều khó khăn.

Làng rau không còn khách tham quan, các nhà hàng đều đóng cửa. Một số siêu thị giảm mua rau Trà Quế nên rau của bà con nông dân ở đây làm ra tiêu thụ chậm.

Làng rau nổi tiếng Trà Quế gặp khó vì dịch Covid-19 - 4

Tuy nhiên, rau trồng hữu cơ phải bán giá như rau thường, sản lượng tiêu thụ cũng không cao nên người dân mong muốn giải pháp hiệu quả hơn

Ông Trang Thanh Hùng - Trưởng thôn Trà Quế kiêm quản lý làng rau chia sẻ, từ khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, du khách ít đến Hội An nên các nhà hàng tạm ngưng phục vụ, một số siêu thị cũng giảm bớt lượng rau nhập khiến rau của làng tiêu thụ rất chậm. Sản lượng tiêu thụ giảm khoảng 50%, giá cũng giảm 30% so với ngày thường.

“Thay vì để rau già cỗi, hư hại, một số hộ dân trong làng đã rao bán rau trên mạng xã hội và áp dụng hình thức giao rau tận nhà… Nhiều gia đình khác còn đến các chợ thuê mặt bằng và mở sạp rau để thuận tiện cho việc buôn bán, giao hàng đến người tiêu dùng.

Rau Trà Quế trồng bằng phân hữu cơ giờ phải bán như rau bình thường, bán trên mạng cũng không nhiều. Chúng tôi hy vọng các ngành chức năng hỗ trợ, giúp người dân làng rau tìm hướng đi hiệu quả hơn”, ông Hùng cho biết.

Làng rau nổi tiếng Trà Quế gặp khó vì dịch Covid-19 - 5
Làng rau nổi tiếng Trà Quế gặp khó vì dịch Covid-19 - 6

Người dân vừa cố gắng canh tác rau đòi hỏi kỹ thuật cao để cung ứng cho nhà hàng sau khi dịch được kiểm soát; vừa phải trồng thêm các loại rau phù hợp nhu cầu người dân, với phương án lấy ngắn nuôi dài

Ông Nguyễn Súng (tổ 4, thôn Trà Quế) cho biết, từ khi các nhà hàng tạm ngưng phục vụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì sản lượng rau tại Trà Quế bán ra cũng giảm hẳn.

“Thấy các luống rau sinh trưởng đều mà đầu ra gặp khó, chúng tôi cũng nhờ con cháu đăng lên mạng bán. Có nhiều khách tại Đà Nẵng lấy số điện thoại, họ gọi điện đặt thì chúng tôi cắt rau đóng gói rồi họ vô chở đi luôn. Do tình hình dịch bệnh nên việc trao đổi chỉ diễn ra trên điện thoại, không dám tiếp xúc gì. Nhưng rau bán cũng không được nhanh và nhiều như trước, hy vọng sẽ sớm có giải pháp để nông dân đỡ lo lắng”, ông Súng nói.

Làng rau Trà Quế tìm cách vượt khó giữa dịch Covid-19

Còn theo ông Mai Cử - một người dân ở đây cho biết, ngoài việc duy trì canh tác các luống rau đòi hỏi kỹ thuật cao để khi dịch bệnh qua thì còn có rau cung cấp cho nhà hàng, khách sạn; người làm vườn tại Trà Quế còn linh hoạt lấy ngắn nuôi dài, chuyển hướng canh tác thêm một số loại rau củ quả khác dễ trồng, gần gũi với nhu cầu thực tế của người dân. Nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng, uy tín cũng như thương hiệu Trà Quế từ bao đời.

“Hiện tại tôi vẫn duy trì bán cho các siêu thị, nhưng lượng rau tiêu thụ cũng giảm. Trước mắt, sẽ cố gắng bán hết các loại rau lúc trước canh tác bán cho nhà hàng, khách sạn. Sau đó, sẽ trồng thêm các loại như mồng tơi, rau ngót, rau muống… phục vụ nhu cầu thực tế người dân”, ông Cử cho biết.

Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế TP Hội An cho biết, dịch bệnh gây nhiều khó khăn, song lại là cơ hội để nông dân địa phương tái cơ cấu trồng rau, về giống, phương pháp, thị trường theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu rau Trà Quế.

“TP Hội An sẽ có hình thức phù hợp tập huấn cho người dân về quy trình sản xuất an toàn nhằm định hướng cho người dân. Dự kiến khoảng tháng 4-5 sẽ tổ chức triển khai toàn bộ làng rau để sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ đạt chuẩn”, bà Vân chia sẻ.

Công Bính - Ngô Linh