Họa sĩ Bàng Nhất Linh: Vẽ tranh Đông Hồ lên Vespa là một cách mới để duy trì văn hóa dân tộc

Vào những ngày giáp Tết Quý Tỵ, một chiếc xe Vespa LX với hình vẽ trang trí là những bức tranh Đông Hồ nổi tiếng đã gây chú ý với những người thích chơi xe.

Tác giả của tác phẩm độc đáo này là Bàng Nhất Linh, họa sĩ trẻ Hà Nội được biết đến với 2 triển lãm sắp đặt gây chú ý năm 2010: Bụi, xe mờ bóng phố và Trôi.

Bàng Nhất Linh đang chuẩn bị cho một triển lãm cá nhân mới được đồng tổ chức bởi L’Espace và Hội đồng Anh với vật liệu là các vật dụng sử dụng trong chiến tranh để làm ra những món đồ chơi cho trẻ em. Họa sĩ trẻ này nói về lý do anh vẽ tranh Đông Hồ lên chiếc Vespa đời mới xen vào thời gian bận rộn của mình trong những ngày năm hết Tết đến vừa rồi.

Bức Đám cưới chuột được hoạ lên đầu và thân xe Vespa LX.
Bức Đám cưới chuột được hoạ lên đầu và thân xe Vespa LX.

*  Chiếc Vespa từng được  danh họa người Tây Ban Nha Salvador Dali vẽ lên vào năm 1962. Ở Việt Nam, một số họa sĩ như Trương Tân, Lê Thiết Cương hay gần đây nhất là Đinh Công Đạt cũng đã có những tác phẩm trên những chiếc Vespa. Có vẻ như các họa sĩ rất có duyên với những chiếc Vespa?

- Giữa chúng tôi đúng là có sự tương đồng. Công việc của chúng tôi hướng tới những gì thẩm mỹ và nhân văn, trong khi những chiếc Vespa cũng chứa trong nó những yếu tố văn hóa rất đặc biệt.

Hãng xe này có lịch sử rất nhân văn. Một hãng sản xuất từ tàu biển đến máy bay chiến đấu phục vụ chiến tranh, sau khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc, họ chuyển sang sản xuất phương tiện phục vụ đời sống con người. Và chiếc Vespa thương mại đầu tiên được chính D’Ascanio – kỹ sư trưởng thiết kế máy bay của Piaggio vẽ nên. Ngay từ thiết kế đầu tiên, D’Ascanio đã mong muốn mình sẽ tạo ra một chiếc xe đặc biệt, những người phụ nữ mặc váy cũng có thể lái Vespa. Để được vậy, chiếc xe phải tiện dụng và tính thẩm mỹ được đặt lên trên hết.  

Tới hôm nay, dù những chiếc Vespa đã mang những nét thiết kế khỏe khoắn của thời hiện đại, chúng ta vẫn có thể nhận ra những điểm đặc biệt trên chiếc Vespa như chiếc trục trước một bên lấy thiết kế từ càng hạ cánh của máy bay để việc thay lốp được dễ dàng, hay thân xe không dùng khung mà được dập từ các tấm kim loại, với những mảng khối rất cô đọng và ít chi tiết để chiếc xe luôn sạch sẽ. Đó là kết cấu monocoque thường thấy trong thiết kế máy bay… Và theo năm tháng, triết lý thiết kế coi tính thẩm mỹ là trên hết của Piaggio vẫn xuyên suốt tới hôm nay. 

Tranh Vinh hoa – Phú Quý nằm ở nắp đậy cốp phía trước xe.
Tranh Vinh hoa – Phú Quý nằm ở nắp đậy cốp phía trước xe.

* Tại sao anh chọn tranh Đông Hồ để vẽ lên Vespa hiện đại?

- Tranh Đông Hồ là một di sản văn hóa quý giá nhưng đang mai một. Tôi nghĩ để biểu lộ sự trân trọng với những di sản văn hóa có rất nhiều cách khác nhau. Không cứ phải cứng nhắc, đưa chúng vào bảo tàng kín đáo mới là yêu quý, trân trọng. Có những cách khác gần gũi với cuộc sống hơn, đưa những motif dân gian lên chiếc xe có bề dày văn hóa và rất thời trang như Vespa cũng là đưa chúng gần hơn với đời sống hiện đại.

* Lý do gì khiến anh chọn bức Đám cưới chuột và Vinh hoa, Phú Quý?

- Vinh hoa Phú quý là hai bức tranh có ý nghĩa như lời cầu chúc tốt lành cho năm mới. Còn Đám cưới chuột, người ta vẫn nói đây là bức tranh đề cập đến vấn đề tham nhũng, con chuột phải biếu xén con mèo mới được đi qua trong ngày cưới. Nhưng tôi nghĩ khác. Người xưa rất sâu sắc, ta biết tranh Đông Hồ thường treo vào dịp Tết, do vậy nó phải mang một ý nghĩa tích cực. Ngày cưới là ngày vui, ngày trọng đại. Trong ngày đó, hai con vật vốn xung khắc đã hòa giải xích mích truyền kiếp với nhau. Ngày Tết cũng là ngày vui, dịp trọng đại của năm. Tôi nghĩ người ta treo bức tranh Đám cưới chuột với hai ý nghĩa. Thứ nhất là ngầm nhắc nhau, trong những ngày vui này, hãy bỏ qua những hiềm khích cũ để cùng vui đón Tết. Và thứ hai, là cầu chúc một điều quan trọng hơn cả tiền bạc vật chất, đó là sự hòa hợp, gắn kết giữa con người với nhau…

Họa sĩ Bàng Nhất Linh và tác phẩm của mình.
Họa sĩ Bàng Nhất Linh và tác phẩm của mình.

* Kỹ thuật làm tranh Đông Hồ hoàn toàn khác với kỹ thuật vẽ lên xe, anh đã thực hiện công việc này thế nào?

- Tranh Đông Hồ được vẽ trên giấy điệp, màu tự nhiên từ đất, đá… Chất liệu này  không dùng được trên chiếc xe. Do vậy khi vẽ lên Vespa, tôi chỉ lấy motif của tranh dân gian, làm sao để dùng một chất liệu khác nhưng vẫn giữ được tinh thần nhưng mang một sắc thái mới mẻ. Tôi sử dụng một loại sơn chuyên dụng là vàng lá, nó khiến bức tranh có màu sắc rất tươi tắn,  giúp những hình vẽ bền lâu, bởi chiếc xe có đời sống của nó chứ không chỉ bày một chỗ.

Để theo đúng tinh thần của tranh Đông Hồ, tôi đã mất rất nhiều thời gian để có nền tranh với sọc ngang đúng với sắc thái đặc trưng của giấy điệp, và sau đó các hình vẽ mới được vẽ lên trên lớp nền này. Tôi sử dụng vàng lá bởi ngoài việc nó tăng thêm vẻ lộng lẫy, trang trí cho xe, nó cũng là một chất liệu dân gian để song song với motif dân gian tranh Đông Hồ, được làm bởi các nghệ nhân của làng nghề cổ Kiêu Kỵ. Người Việt Nam xưa thường dùng vàng lá dát lên những đồ vật họ yêu quý, trân trọng như hộp nữ trang của các cô gái khuê các… Trong khi chiếc Vespa cũng có thể coi là một biểu tượng thời trang, một vật trang sức hiện đại.

Vespa Đông Hồ du xuân cùng cô gái Hà Thành ở làng hoa Nhật Tân.
Vespa Đông Hồ du xuân cùng cô gái Hà Thành ở làng hoa Nhật Tân.

* Cảm ơn anh. Chúc cuộc triển lãm sắp tới của anh thành công.

Thiên Bình thực hiện

Ảnh: Khánh Cường