Triệu Quân Sự và những đứa trẻ béo trắng ởn, suốt ngày cắm mặt vào game

Phạm nhân giết người, cướp của, vượt ngục Triệu Quân Sự hôm qua đã bị bắt. Như một định mệnh, Sự bị bắt cũng ở quán game. Và cười khi kể chuyện trốn chạy. Có người đã nói đúng, đó là nụ cười của một đứa trẻ vô lo, vô nghĩ và vô tâm.

Triệu Quân Sự và những đứa trẻ béo trắng ởn, suốt ngày cắm mặt vào game - 1

Nụ cười của Triệu Quân Sự thời điểm bị bắt ở quán game, một nụ cười đúng là không thể hiểu nổi.

Câu chuyện nghiện game của Triệu Quân Sự, từ khi cậu ta trốn trại và bị truy lùng gắt gao, bị truy nã toàn quốc đã được nói tới, kiểu hài hước, đại ý: Chẳng phải vây bắt ở đâu, cứ quán game mà tìm...

Không ngờ, sự việc y xì.

Với một cái nick name DucMinh, Triệu đã chơi game ròng rã 4 ngày trong một quán game ngay tại TP Tam Kỳ cách nơi bị vây bắt chỉ vài chục km. Chơi, ăn ngủ ngay tại quán.

Khi công an đề nghị kiểm tra hành chính, Sự loanh quanh một hồi rồi đưa hai tay ra: Các anh bắt em đi.

Nói cam chịu cũng đúng mà bảo hồn nhiên cũng không sai - ở nụ cười đang thành trends “đúng là không hiểu nổi”.

Căn bệnh game của Sự liệu có liên quan đến Đào Ngọc Hoàng, cậu bé 17 tuổi, học sinh lớp 11 trường THPT Quỳnh Lưu, tội phạm vừa bị khởi tố tội “Giết người” vì hành vi bắt cóc cháu bé 5 tuổi hàng xóm. Bắt cóc, như trong game bắt cóc - giải cứu?!

Có lẽ, phải nhắc đến Đan, cậu bé được TS Đặng Hoàng Giang coi là bi kịch nhất trong cuốn sách theo dòng văn chương phi hư cấu “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”.

Đan, cậu sinh viên vào đại học được mấy tuần thì thấy không thể tiếp tục được nữa khi “cảm thấy có một sự vô nghĩa khổng lồ” khiến mỗi ngày tới trường là một sự đày ải...

Và cuối cùng, cậu tìm quên trong game, như một cách trấn an, như một cách giết thời gian. Khi mà bản thân Đan “không biết mình là ai”, kể cả “Thỉnh thoảng tôi tự hỏi: Đời mình có thể tệ đến mức nào? Viễn cảnh xấu nhất là tôi trở thành một kẻ buông xuôi, hèn nhát, bạc nhược, không dám đối mặt với vấn đề của mình. Béo, trắng ởn và chỉ say mê mua sắm vũ khí trong game.”

Đan, hay Sự, hay Hoàng chỉ là những bi kịch về những đứa trẻ đối mặt với bi kịch. Chúng chỉ là phần nổi của tảng băng “Còn bao nhiêu số phận đang trôi nổi... đang lang thang ở quán net, hút chích và bị lên án. Có bao nhiêu đã từng mong muốn được yêu thương, mong muốn cuộc sống có ý nghĩa, nhưng đã đầu hàng”- như trong sách của TS Giang.

Và “có bao nhiêu người lớn hiểu được điều đó để mà không dán nhãn “lười” và “vô trách nhiệm” lên họ?

Câu chuyện của Đan, của Sự, của Hoàng hôm nay sẽ có ý nghĩa hơn nhiều nếu chúng ta giật mình về một bộ phận lang thang vô định, béo trắng ởn, chỉ say mê game.

Giật mình để thôi dán nhãn, để kéo chúng lại, không bước những bước chân xấu xí của Sự, của Hoàng hôm nay.

Theo Anh Đào

Báo Lao động