Tiền không bồi thường được nỗi khổ nhục án oan

Ông Trần Ngọc Chinh (79 tuổi) và gia đình em trai Trần Trung Thám (sinh năm 1942, cùng trú tại xã Đồng Thịnh, Sông Lô, Vĩnh Phúc) đã có đơn yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường khi phải chịu án oan giết người suốt gần 40 năm.

Tiền không bồi thường được nỗi khổ nhục án oan - 1

Ông Trần Ngọc Chinh đòi VKSND tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường số tiền gần 12 tỷ 870 triệu đồng.

Ông Trần Ngọc Chinh (79 tuổi) và gia đình em trai Trần Trung Thám (sinh năm 1942, cùng trú tại xã Đồng Thịnh, Sông Lô, Vĩnh Phúc) đã có đơn yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường khi phải chịu án oan giết người suốt gần 40 năm.

Tháng 1.1980, ông Chính, ông Thám, ông Khổng Văn Đệ và ông Nguyễn Đình Ký bị Công an tỉnh Vĩnh Phú bắt giam vì bị nghi là thủ phạm giết người tại thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh, H.Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc (tỉnh Vĩnh Phú cũ, khi chưa tách thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ).

Trong quá trình bị tạm giam, ông Trần Trung Thám đã chết, được cho là bị bệnh.

Kết quả điều tra xác định ông Ký là thủ phạm của vụ án và bị Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phú tuyên mức án chung thân vào ngày 15.6.1983.

Trước đó vào ngày 10.10.1982, ông Chinh, ông Đệ được VKSND tỉnh Vĩnh Phú ra quyết định đình cứu vì không phạm tội giết người và được trả tự do. Nhưng phải đến tháng 10.2019, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc cùng các cơ quan có liên quan mới tổ chức buổi cải chính, xin lỗi công khai đối với những cụ ông này.

Gần 40 năm sống trong nỗi đau khổ, tủi nhục, không ngẩng mặt được với cuộc đời.

Ông Chinh yêu cầu VKSND tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường tổng số tiền gần 12 tỉ 870 triệu đồng, gia đình bà Thắm (vợ ông Thám) yêu cầu được bồi thường tổng số tiền là 25 tỉ đồng.

Việc đòi bồi thường số tiền bao nhiêu, có phù hợp không sẽ được các cơ quan thẩm quyền tính toán, xử lý, nhưng không có số tiền nào có thể bù đắp được nỗi đau khổ, sự oan khuất. Ở đây, còn là tính mạng của một con người.

Ông Trần Trung Thám chết trong tù, có thể do bệnh tật, hoặc vì lý do nào khác. Nhưng cho dù là bệnh thực sự, thì nếu không bị bắt oan, bị tống vào trại giam thì ông Thám có bị đổ bệnh mà chết trong tù không? 

Vậy xin hỏi các cơ quan tố tụng đã ra quyết định oan sai trong vụ án này, giá của mạng sống một con người là bao nhiêu?

Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại lời vua Lý Thánh Tông, một vị vua nhân đức: “Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa”.

“Chưa rõ ngay gian” là một lời nhắc nhủ biết đâu còn có những oan sai.

“Hoặc có thể chết không đáng tội” cũng là một lời căn dặn cho muôn đời sau. 

Theo Lê Thanh Phong

Báo Lao động