Ranh giới mong manh giữa sự cố y khoa và sự tận tâm, tận lực vì người bệnh

Nhìn lại những cách chữa bệnh "liều lĩnh" nhằm cứu sống bệnh nhân, khiến mỗi chúng ta, cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo trước mỗi sự cố y khoa, trước khi phán xét các bác sĩ.

Ranh  giới mong manh giữa sự cố y khoa và sự tận tâm, tận lực vì người bệnh - Ảnh 1.

Trước nguy cơ vỡ tim, bệnh nhân K. được mổ cấp cứu ngay tại giường bệnh ở BV Tim Hà Nội

Giải độc ngộ độc rượu bằng 15 lon bia ở BV Đa khoa Quảng Trị thực sự gây sốc, một cách thán phục, của dư luận.

Theo các chuyên gia, người bị ngộ độc rượu chứa Methanol (rượu từ cồn), được giải cứu bằng  Ethanol có trong 15 lon bia, về lý thuyết là không có gì mới. Phác đồ điều trị của Bộ Y tế đã có hướng dẫn sử dụng rượu chứa Ethanol để giải độc khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu có Methanol. 

Giải thích về cơ chế giải độc này, TS.BS Huỳnh Văn Ân, trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, đó là cơ chế tranh chấp, giải quyết. Khi đưa Ethanol  vào cơ thể, khi đó gan sẽ ưu tiên chuyển hóa Ethanol và trong thời gian ưu tiên đó bác sĩ sẽ lọc máu lấy Methanol ra và cứu bệnh nhân.

Với vụ việc này, tại thời điểm đó, BV Đa khoa Quảng Trị không có rượu chứa Methanol, sức khỏe bệnh nhân nguy kịch, để cấp cứu kịp thời, các BS đã sử dụng bia, bởi trong bia có Methanol, truyền vào dạ dày để giải độc. Và nhiều chuyên gia chống độc cho biết, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam dùng tới phương pháp dùng bia chống ngộ độc rượu kiểu này.

Điều đó cho thấy, không chỉ là những BS ở đây nắm chắc cơ chế vận hành chống độc, vận dụng rất giỏi tình huống khi cấp bách, mà còn rất dũng cảm khi sử dụng dùng bia giải độc rượu.

Tôi nói họ dũng cảm bởi, nếu chẳng may, vì bị ngộ độc quá nặng, bệnh nhân chẳng may không qua khỏi, thì không chỉ bác sĩ điều trị mà cả lãnh đạo BV này có thể sẽ hứng chịu "gạch đá" như thế nào trước những "anh hùng bàn phím" từ mạng xã hội, thậm chí cả một số bài báo chính thống?

Tương tự sự "mong manh" giữa sự cố và tận tâm, tận lực nêu trên, các bác sĩ tại Bệnh viện Tim Hà Nội đã mổ cấp cứu bệnh nhân nguy cơ bị vỡ tim ngay trên giường bệnh là trường hợp cực hy hữu. Bệnh nhân Lương Minh K (nam, 64 tuổi, ở TP Hải Dương, Tỉnh Hải Dương) vào viện lúc 16h20’ ngày 12.2.2014 do: Sốc tim - Nhồi máu cơ tim. Sáng sớm hôm sau, đang được đặt nội khí quản, thở máy, chuẩn bị đặt dẫn lưu dịch màng tim thì ngừng tim. GS.TS Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Bệnh viện, cùng các BS tiến hành hội chẩn cấp cứu và quyết định mở ngực cấp cứu ngay tại giường bệnh, phát hiện một vết nứt gần mỏm thất phải. Kíp phẫu thuật đã quyết định triển khai mổ tim hở với hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể ngay tại giường vì không có đủ thời gian chuyển bệnh nhân vào phòng mổ. Đây là một bệnh nhân rất nặng, có biến chứng vỡ thành tự do của thất và đã ngừng tim. Chỉ chậm từ 3 đến 5 phút thì não bệnh nhân sẽ ngừng hoạt động và sống thực vật. Theo y văn, rất hiếm bệnh nhân có thể cứu được. Tuy nhiên, bệnh nhân này đã được cấp cứu thành công tại giường bệnh ở BV Tim Hà Nội.

Điều đó khiến mỗi chúng ta, cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo trước mỗi sự cố trong y khoa, hãy xem xét thấu đáo mỗi trường hợp trước khi phán xét các bác sĩ.

Viết đến đây, tôi lại nhớ một sự cố buồn ở BV Mắt Trung ương. Sau khi BS M.  tiêm vào hốc mắt (cách nói dân dã) một bệnh nhân hơn 70 tuổi, vốn thị lực chỉ còn 1- 2%, khiến ông mù hẳn. Thời điểm đó, chưa kịp tìm hiểu kỹ, nhiều báo đã lên tiếng chỉ trích, thậm chí lên án BS M. đủ các kiểu. Dù là BS trẻ, nhiều triển vọng, chuẩn bị đi Pháp du học, vợ  đang có bầu đứa con đầu lòng, đã không chịu nổi áp lực mà tự vẫn. Sau cái chết của BS M., nhiều nhà báo bàng hoàng, kinh hãi nhưng BS M. đã ra đi mãi mãi. Dù không quen biết và cũng không viết gì về vụ này, tôi và một số nhà báo khác cũng đến thăm gia đình BS M. Khi chúng tôi hỏi thăm, hình ảnh người nhà của M. lặng đi, tiếng khóc nghẹn lại, thậm chí có phần cảnh giác, oán hờn, mãi ám ảnh chúng tôi.

Vương Hà