Liệu có bước ngoặt trong vụ án Hồ Duy Hải?

(Dân trí) - Nếu có những dấu hiệu cố tình làm sai lệch hồ sơ, chắc chắn vụ án Hồ Duy Hải sẽ có bước ngoặt mới. Và Cơ quan điều tra của VKSND TC từng khởi tố, điều tra những vụ án như thế.

Liệu có bước ngoặt trong vụ án Hồ Duy Hải? - 1

Với đề nghị phải điều tra hành vi cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án,  đại biểu Lê Minh Trí - Viện trưởng VKSND TC:  Tôi xin ghi nhận, tiếp thu.

Tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 22.6 của Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị 4 ở TP HCM, một lần nữa vụ án Hồ Duy Hải lại tiếp tục nóng khi cử tri hỏi  đại biểu Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (KSND TC).

Cử tri Đặng Văn Rành (quận 11) đặt câu hỏi: Nếu Ủy ban Tư pháp Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu xem xét điều tra lại vụ án thì đề nghị làm rõ có hay không hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án của các cơ quan có thẩm quyền, song song với việc điều tra Hồ Duy Hải có tội hay không? Bởi, ông Rành cho rằng: “Tôi theo dõi trên báo chí thì thấy có phản ánh việc rút bút lục, thay đổi, điều chỉnh bút lục hồ sơ vụ án”.

Những câu hỏi của cử tri cho thấy, dư luận theo dõi rất sát và nắm khá chắc diễn biến của vụ án Hồ Duy Hải.

 Mặt khác, với câu hỏi “Có hay không hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án?” - Đây là nội dung rất mới trong vụ án Hồ Duy Hải được cử tri  đề cập đến. Điều này cho thấy, cử tri đòi hỏi và làm rõ hơn hơn trách nhiệm của những cán bộ tham gia tiến hành tố tụng.

Và cử tri Mai Thanh Hà (quận 5) thắc mắc: Việt Nam có luật nào quy định cán bộ tự ý bổ sung tang vật trong vụ án Hồ Duy Hải bị xử lý hình sự hay chưa? Rất có thể, ông Hà hỏi để mà nhấn mạnh, để mà đòi hỏi, nếu cần phải xử lý hình sự với những đối tượng đã làm sai lệch hồ sơ.

Người dân chắc chắn chưa thể quên trong vụ án Năm Cam, nhằm để đối tượng (cháu Năm Cam) giết hại một cảnh sát kịp trốn thoát, một số công an làm sai lệch hồ sơ vụ án đã bị khởi tố. Còn với vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, một số điều tra viên, kiểm sát viên và cả thẩm phán chủ tọa phiên tòa phúc thẩm cũng bị khởi tố vì tội làm sai lệch hồ sơ vụ án và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trả lời những câu hỏi của cử tri, đại biểu QH, Viện trưởng VKSND TC Lê Minh Trí nói rõ: “Cử tri Rành đề nghị phải điều tra hành vi cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải. Tôi xin ghi nhận, tiếp thu. Khi vụ án có dấu hiệu và thấy cần thiết, Viện KSND TC sẽ thực thi theo pháp luật bởi Viện có chức năng kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử. Khi chúng tôi thấy cần thiết thì sẽ làm và làm đúng pháp luật”.

Câu trả lời như vậy rất rõ một điều: Nếu có những dấu hiệu cố tình làm sai lệch hồ sơ, chắc chắn vụ án Hồ Duy Hải sẽ có bước ngoặt mới. Và vụ án của ông Chấn, Cục điều tra của VKSND TC đã khởi tố một số đối tượng tham gia tiến hành tố tụng vì đã vi phạm nghiêm trọng Bộ Luật tố tụng hình sự.  

   Trước đó, trên công luận và các mạng xã hội chủ yếu chỉ tranh luận chủ yếu việc tuyên án tử hình với Hồ Duy Hải liệu đã đủ cơ sở chắc chắn hay chưa?

Về tranh luận này, dư luận cũng rất chú ý tới nội dung giám sát án oan sai của UBTV Quốc Hội do Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu làm Trưởng đoàn và bà Lê Thị Nga làm Phó trưởng đoàn (lúc đó bà Nga là Phó chủ nhiệm, nay là Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội).

Trong báo cáo của bà Nga gửi Đoàn giám sát nêu rất rõ: Có những chứng cứ ngoại phạm của Hải chưa xem xét, đánh giá kỹ; Các cơ quan tiến hành tố tụng đều lựa chọn sử dụng những chứng cứ có lợi cho việc buộc tội mà không sử dụng, phản ánh trung thực, khách quan những chứng cứ có lợi cho việc gỡ tội; Bản án kết luận dựa trên sự suy diễn của kết luận điều tra và cáo trạng; Nhiều đồ vật được bản án kết luận là hung khí, vật chứng lại hoàn toàn dựa theo lời khai của bị cáo vì tại hiện trường không thu được; Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự...

Trong kết luận của báo cáo, bà Nga khẳng định: “Qua nghiên cứu hồ sơ chúng tôi thấy việc Tòa hai cấp kết tội Hồ Duy Hải là chưa đủ cơ sở vững chắc, có đầy đủ căn cứ để giám đốc thẩm bản án hình sự phúc thẩm số 281/2009/HSPT ngày 28.4.2009 của Tòa phúc thẩm TAND TC tại TP HCM.

Chúng tôi xin nhấn mạnh, trước thời điểm báo cáo này, một số ngành trong khối tư pháp đã có các kết luận thẩm tra lại vụ án và đã khẳng định, bản án với Hồ Duy Hải là đúng người, đúng tội.

Điều đó cho thấy, khi Đoàn Giám sát tối cao của UBTVQH vào cuộc chịu sức ép rất lớn với những kết luận đó. Do đó, báo cáo số 870 của đoàn giám sát tối cao của Quốc hội năm 2015 đưa ra nhận định: "Đây là những thiếu sót, vi phạm dẫn đến nghi ngờ về tính khách quan của kết luận điều tra, truy tố, xét xử"  được dư luận ủng hộ lớn bởi kết luận này thể hiện tự tin, có tính độc lập rất cao và rất dũng cảm.

Và hiện nay, theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, trưa 16.6 vừa qua, đa số thành viên Ủy ban Tư pháp tại phiên họp này đã đánh giá những vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án là nghiêm trọng, có thể làm thay đổi bản chất vụ án. Do đó các thành viên này kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm theo đúng thẩm quyền tại điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự.

Do đó, dù Ủy ban Tư pháp chưa có báo cáo chính thức gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhưng dư luận tin rằng, vụ án của Hồ Duy Hải khó có thể dừng lại ở Quyết định Giám đốc thẩm vừa qua.   

Vương Hà