Đừng để hòa cả làng những kẻ có ý đồ trục lợi

“Trả dép” là bình luận hài hước, mỉa mai nhưng cũng không ít cay đắng của người dân khi quan chức sở Y tế Quảng Nam... bật khóc, và xin “trả lại” máy xét nghiệm COVID-19.

Ngày 24/6, việc “trả dép” được chính thức hóa bởi kiến nghị của Thanh tra.

 Kết quả thanh tra đột xuất việc thực hiện gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Real - time PCR tự động tại Sở Y tế và Sở Tài chính Quảng Nam không ngoài dự đoán của dư luận.

Đừng để hòa cả làng những kẻ có ý đồ trục lợi - 1

Đã có kết luận việc mua máy xét nghiệm COVID-19 ở Quảng Nam. Và kết quả là kiểm điểm, kiểm điểm và kiểm điểm. Ảnh: Thanh Chung

Không ngoài dự đoán vì Thanh tra cho rằng có vi phạm trong quá trình xây dựng giá. Có vi phạm trong thẩm định.

Nhưng không ngoài dự đoán, cả về yếu tố thiệt hại, được cho là chưa xảy ra do hệ thống máy đang trong quá trình vận hành thử nghiệm, chưa nghiệm thu thanh toán. Để rồi, hình thức xử lý cuối cùng là những kiến nghị... kiểm điểm.

Chúng ta không có quyền suy diễn về một hậu quả chưa xảy ra, nhưng chúng ta có quyền đặt câu hỏi: Nếu không có vụ CDC Hà Nội với hàng loạt cán bộ “nhập lò” với việc nâng giá máy từ 2 lên 7 tỉ, thì liệu việc mua sắm máy ở Quảng Nam và hàng loạt các địa phương khác - có là chuyện “chưa nghiệm thu thanh toán”, “chưa chuyển tiền cho bên bán máy”?

Dù Thanh tra kết luận thế nào thì trong mắt dân, đó vẫn là một cái máy quá đắt đỏ. Và việc mua cái máy đắt đỏ này đã hoàn thành ngay từ ngày ký hợp đồng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong buổi tiếp xúc cử tri hôm 23.6  đã khẳng định: “Có hai tỉ mà nâng lên 6-7 tỉ. Việc này sẽ phải xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Các đối tượng này không có tình tiết giảm nhẹ đâu, chỉ có tăng nặng thôi vì đó là sức khỏe, mạng sống của dân mà lợi dụng tình hình để làm những việc như thế thì sẽ bị xử nghiêm”.

Chủ tịch Quốc hội tuyệt đối đúng. Bởi việc trục lợi, ăn bẩn trong dịch bệnh không chỉ vi phạm pháp luật mà còn chạm đến những xúc cảm của người dân khi nó quá táng tận lương tâm.

Những kẻ trục lợi, bị bắt đã đành. Nhưng ngay cả những thương vụ mua đắt, mua để bên bán lãi ngay, lãi liền 1,3 tỉ đồng - cho chỉ một cái máy, cũng cần phải làm rõ. Bởi yếu tố chưa chuyển tiền, chưa nghiệm thu, thật ra - chỉ mang tính thời điểm mà thôi.

Máy xét nghiệm, nơi thì 2 tỉ, nơi 1,5 tỉ, nhưng có những nơi 7,3 tỉ, thậm chí hơn 10 tỉ và giờ nói với dân là không biết đắt rẻ thế nào.

Nếu việc xử lý trục lợi trong gói 62.000 tỉ, nếu việc mua bán máy xét nghiệm COVID-19 không được làm đến nơi đến chốn, hoặc chỉ là xuê xoa kiểm điểm, phê bình, rút kinh nghiệm... thì cái mất của chúng ta không phải, không chỉ là tiền.

Bởi cái mất niềm tin thì bao nhiêu tiền bạc cũng không thể mua lại được.

Theo ANH ĐÀO 

Báo Lao động