Bí, với cái lý của kẻ cắp

Bức ảnh thùng nhỏ thùng to, đống nọ bao kia này được chụp ở “số 7 Thiền Quang” khi CS hình sự triệt phá một nhóm tiêu thụ đồ ăn cắp. Số lượng tang vật, theo báo chí, là hàng ngàn thiết bị phụ tùng.

Hàng ngàn thiết bị, phụ tùng ôtô đã bị thu giữ khi Cảnh sát hình sự bất ngờ ập vào hơn 10 cơ sở, địa điểm quanh khu vực chợ Hòa Bình (chợ Trời), Hà Nội.

13 đối tượng trộm cắp và tiêu thụ đồ gian cũng đã bị bắt giữ sau đó.

Bí, với cái lý của kẻ cắp - 1
Một ổ nhóm, với vô số thiết bị, gương xe bị vặt trộm. Ảnh: Đạt Lê

Câu chuyện xưa như cái chợ Trời: N.T.A, 43 tuổi, chỉ đạo đàn em đi trộm cắp thiết bị ôtô, gương xe và mang về bán cho những cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe ôtô tại chợ Hòa Binh.

 Ai là người mua đồ ăn cắp? Chính là những người dân/khổ chủ vừa hôm qua bị “vặt tai” (ăn trộm gương chiếu hậu), bị bẻ chân (tháo trộm bánh xe)...

Báo Tiền Phong dẫn lời một chuyên gia kinh tế và một người dân khu tập thể Nguyễn Công Trứ với những câu chuyện, những chi tiết cười ra nước mắt.

Người dân, ông Trần Ngọc Thành kể tình trạng mất bugi, “mặt nạ”, biển số xe máy, gương, logo ôtô đều có thể tìm lại ở chợ Trời đã từ cả chục năm nay rồi. Và như ông Thành, dù là người dân trong chợ Trời, nhưng chính ông cũng từng phải mua lại đồ của mình...

Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Thành Chung dù biết “việc mua lại đồ là gián tiếp tiếp tay cho nạn trộm cắp hoành hành”, nhưng “bản thân tôi cũng từng phải nhờ người liên hệ với người trong chợ Trời để mua lại gương ôtô”.

Một câu chuyện buồn, một tình trạng cực kỳ bức xúc ở Thủ đô mà hoàn toàn không thể chép miệng để bảo đó chỉ là “ăn cắp vặt”.

Không thể chép miệng vì nó cứ tiếp nối mãi cái giai thoại “một mét vuông 4 thằng ăn cắp” rất xấu xí ở thủ đô - một thành phố thanh lịch và hòa bình.

Không thể chép miệng, vì công khai luôn, một cái chợ với không ít hộ kinh doanh bán đồ ăn cắp, kinh doanh theo kiểu ăn cắp rồi bán lại cho khổ chủ. Biết đấy, mà phải chịu.

Và tương lai sẽ vẫn là “10 năm” trước tính từ... bây giờ nếu việc xử lý chỉ là "bắt cóc bỏ đĩa", thậm chí, bất lực trước nạn bán đồ ăn cắp.

Có một chi tiết thế này: Đại diện quản lý thị trường địa bàn trả lời về trách nhiệm của họ như sau: “Nếu chúng tôi kiểm tra hóa đơn để xử lý, họ nói là mua cũ của người bán chứ không nói là đồ trộm cắp, rất khó cho Quản lý thị trường”.

Thôi, thế này thì đúng là cạn lời khi ngay cả cơ quan chức năng cũng bí, trước cái lý của kẻ cắp. Khi cơ quan chức năng phải chịu thua với những món đồ, chẳng hạn chiếc gương xe Lexus 470, mà kẻ tiêu thụ đồ gian nại ra rằng “mua cũ” của người bán.

Có ai tháo gương xe đang đi ra để bán không chứ?

Theo Anh Đào

Báo Lao động