Bé An đã yên nghỉ- câu hỏi về số phận những đứa trẻ bị bỏ rơi!

Cháu bé bị vứt bỏ dưới hố ga đã ngủ yên rồi, trong nước mắt chảy tràn của các y bác sĩ, của cộng đồng, trước số phận bi thảm của một sinh linh bé bỏng.

Cháu bé bị vứt bỏ dưới hố ga đã ngủ yên rồi,  trong nước mắt chảy tràn của các y bác sĩ, của cộng đồng, trước số phận bi thảm của một sinh linh bé bỏng- đau đớn từ khi cất tiếng khóc đầu đời, chưa từng được hưởng chút hơi ấm tình mẫu tử.

Suốt 20 ngày qua, dư luận vẫn luôn dõi theo sức khỏe của An, tên mà các bác sĩ đặt cho cháu, với mong ước một điều kỳ diệu, một phép màu.

Sinh linh bé bỏng ấy đã gắng gượng trong suốt 40 giờ dưới hố ga bỏ hoang. Không một mảnh vải trên người, và trong cái nắng nóng gay gắt.

Bé An đã yên nghỉ- câu hỏi về số phận những đứa trẻ bị bỏ rơi! - 1
Một thống kê chính thống cho biết có tới 150.000-170.000 trẻ em bị bỏ rơi, và đằng sau đó là 170.000 người mẹ, 170.000 câu chuyện thân phận.

Sinh linh bé bỏng ấy đã vật vã tồn tại, và đau đớn. Đáng tiếc, An không may mắn như Thiện Nhân, đã không có phép màu nào hết khi tình trạng nhiễm trùng của bé quá nặng.

Nhưng câu chuyện của bé An chỉ đang phản ánh một góc khuất, một tình trạng không ít bức xúc.

Năm 2013, một báo cáo của UNICEF và Bộ Lao động -Thương Binh- Xã hội đưa ra con số: Có khoảng 150.000 - 170.000 trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi.

21.000 bé trong đó sống trong các cơ sở chăm sóc tập trung. Số này bao gồm trẻ em bị mồ côi cả cha lẫn mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị khuyết tật...

Tháng 5 năm ngoái, trên báo Thanh Hóa cũng có một con số 21.000 được đưa ra.

Đó là 21.000 trẻ mồ côi và bị bỏ rơi trên toàn tỉnh này. Không ít trong số đó: sống trong cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu một nơi ở an toàn, không được học tập, thăm khám sức khỏe hay vui chơi giải trí... 

Nguyên nhân gốc rễ của việc bỏ rơi và từ bỏ trẻ em nói trên không khó để nhìn ra với nhóm nguy cơ cao bỏ rơi trẻ em là những bà mẹ tuổi vị thành niên, học sinh, sinh viên có thai ngoài ý muốn; những phụ nữ trẻ trong các khu công nghiệp; những phụ nữ có vấn đề về sức khỏe (bao gồm cả HIV dương tính và bệnh tâm thần); các bà mẹ đơn thân và những phụ nữ khó khăn kinh tế.

Như người mẹ của An: Lên Sơn Tây, ra ruộng đẻ, vứt bỏ con dưới hố và đi về.

Có một chi tiết là ngay chính người mẹ, quê ở Hậu Lộc, Thanh Hóa, cũng là một đứa con trong một gia cảnh éo le mẹ mất sớm, bố đi lấy vợ hai. Và giờ, đang mất việc dọn rửa trong những nhà hàng, vừa phải nhận hỗ trợ mùa dịch Covid-19 và chồng thì đang ở tù.

Năm 2013, Fenneke Reysoo, một chuyên gia của UNICEF từng nhận xét: Dù nghèo đói là nguyên nhân chính, nhưng không thể không kể tới yếu tố “bị tác động bởi một hay nhiều sự kiện tiêu cực” để dẫn tới hành động bỏ rơi.

An đã ngủ yên rồi. Nhưng từ số phận bi thảm của bé An, không muộn nếu chúng ta đặt lại câu hỏi về con số những đứa bé bị bỏ rơi không có may mắn như "chú lính chì" Thiện Nhân.

Theo Anh Đào

Báo Lao động