Bằng giả trường ĐH Đông Đô: "Công khai danh tính là việc nên và phải làm"!

Khả Vân

(Dân trí) - Việc công khai những người mua bằng là nên làm và phải làm, vì nếu không công khai thì cũng không khác gì việc bao che dung túng cho họ, những người gian dối, lừa gạt, cướp cơ hội của người xứng đáng.

Đó là quan điểm của nhiều bạn đọc về phương án xử lý những người mua bằng tại Trường ĐH Đông Đô.

"Ăn trộm đồ đem đi bán, công an bắt được sẽ truy tố kẻ ăn cắp lẫn người tiêu thụ, vậy thì hà cớ gì kẻ bán bằng giả bị xử lý mà người mua không bị xử?", ý kiến của bạn đọc Hải Nguyễn Xuân.

Nhiều bạn đọc có cùng quan điểm, đề nghị công khai danh tính những người mua bằng: 

"Đề nghị công khai danh tính các ông "tiến sỹ giấy" này cho mọi người đều biết. Toàn những kẻ giá áo túi cơm lòe thiên hạ. Đề nghị xử lý nghiêm khung cao nhất theo luật", bạn đọc Nguyenchauvan.

Bạn đọc Đỗ Thành Nam: "Nếu làm đúng như chỉ đạo của cấp trên thì mẻ lưới này rất lớn. Xã hội chậm phát triển, bộ máy chính quyền không hiệu quả, tất cả cũng chỉ là do cán bộ công viên chức không đạt yêu cầu. Và bằng giả để thăng tiến chính là nguyên do đầu tiên. Nếu không có bằng cấp thì chắc chắn không thể tiến vào con đường quan lộ được. Thật tốt nếu như công khai tên tuổi của họ để chứng minh cho sự trong sạch của bộ máy".

"Việc công khai những người mua bằng là nên làm và phải làm, vì nếu không công khai thì cũng không khác việc bao che dung túng cho họ, những người gian dối, lừa gạt để được vào các vị trí nhẽ ra là của những người nghiêm túc và xứng đáng", bạn đọc Lê Anh.

"Cái món giả cầy, giả dê trong ẩm thực ai cũng khoái, còn chiêu giả bằng cấp trong chắc chắn là ai cũng không hài lòng nhất là đối với người học thật, bằng thật do họ đã bị giả thắng thật, bà con chúng tôi biết không chỉ con số 193 đâu mà còn nhiều lắm và cũng không chỉ Đông Đô mà còn nhiều nơi cấp bằng giả nữa. Mong sao Thủ tướng chỉ đạo tìm ra nhiều bằng giả nữa để cho vào lò đốt hết đi, để không còn đất cho cái giả sống nữa", bạn đọc Nguyễn Quang Hiêu

"Đất nước trì trệ cũng bởi những tư duy thiếu kiến thức, học giã bằng giã, học giã bằng thật, học vẹt", bạn đọc Nguyễn Hà.

"Những người sử dụng bằng giả có nghĩa là không phải học cũng có địa vị, mà không học tức là không có trình độ, thế mà ngồi vào vị trí lãnh đạo thì biết gì mà chỉ đạo. Mong sử lý thật nghiêm để trả lại sự công bằng cho xã hội", bạn đọc Nguyễn Tiệp.

"Giáo dục là nền tảng của đất nước, của xã hội, là chìa khóa của phát triển. Muốn phát triển đi lên cần phải thường xuyên siết chặt kỷ cương giáo dục, ưu tiên quan tâm giáo dục. Với vụ bằng giả này phải nghiêm minh, cương quyết. Phải mở rộng ra các trường khác, lĩnh vực khác. Ví dụ như bằng lái xe, rất nhiều trường hợp không qua học hành đào tạo hay sát hạch", bạn đọc Vũ Bùi.

Người sử dụng bằng giả có thể bị xử lý hành chính, kỷ luật hoặc hình sự.

Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết hiện nay, việc sử dụng bằng giả và mua bán bằng giả xảy ra khá phổ biến. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm của hành vi sử dụng bằng giả mà có thể bị xử lý hành chính, kỷ luật hoặc hình sự.

Trường hợp bị xử lý kỷ luật:

Theo Nghị định số 34/2011/NĐ-CP và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức sử dụng bằng giả bị xử lý kỷ luật như sau:

- Đối với cán bộ: Cán bộ bị Tòa án phạt tù (vì hành vi sử dụng bằng giả) mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc.

- Đối với công chức, viên chức: Công chức, viên chức có hành vi sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc đơn vị sự nghiệp công lập thì bị xử lý kỷ luật với hình thức Buộc thôi việc.

Riêng đối với trường hợp sử dụng bằng giả để học ở bậc học cao hơn thì bị xử lý với hình thức là đuổi học (nếu chưa học xong) hoặc hủy bỏ kết quả học tập, bằng (nếu đã học xong).

Bằng giả trường ĐH Đông Đô: Công khai danh tính là việc nên và phải làm! - 1

Xử phạt vi phạm hành chính

Điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính đối với người vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bản, chứng chỉ. Trong đó, người có hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng - 20 triệu đồng.

Đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc sử dụng văn bằng chứng chỉ bị tẩy, xóa, sửa chữa, mức phạt từ 02 triệu đồng - 08 triệu đồng.

Ngoài bị phạt tiền, người sử dụng bằng giả còn bị tịch thu bằng giả đã sử dụng.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Trong trường hợp việc mua bán văn bằng, chứng chỉ đủ yếu tố cấu thành Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sư 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo đó, mức phạt đối với người có hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Nếu có thêm các tình tiết tăng nặng như: Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng… thì mức phạt cao nhất là 07 năm tù.

Ngoài việc bị xử lý với hình phạt chính như trên, người phạm tội có thể bị phạt bổ sung với hình thức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Theo Nhà báo Bùi Hoàng Tám, Chuyện bằng cấp giả ở ta không ít, thậm chí có thể nói là nhiều, rất nhiều. Vậy ai mới cần sử dụng bằng giả?

Câu hỏi không khó trả lời bởi chỉ có những ai cần tới bằng cấp vì mục đích gì đó nhưng vì lý do này hay lý do khác, không có nên mới đi mua. Ở đời, chả ai bỏ tiền ra mua vật gì về rồi để đấy cả.

Thế nên những người sử dụng bằng cấp giả thường là những người đang có hoặc có thể có vị thế xã hội. Mấy bác nông dân, mấy cô, mấy cậu lao động phổ thông thì xin lỗi, cho họ cũng chả lấy.

Ngoài việc xử lý theo luật thì trước mắt, nên công khai cả tên tuổi những người mua, bán loại  hàng này bởi hành vi của họ vi phạm Luật hình sự và Luật công chức.

Đây có thể sẽ là biện pháp hữu hiệu để ngặn chặn tình trạng "Ơ hay, có chuyện lạ kỳ - Chỉ người "chức sắc" mới đi mua bằng".

Bạn có đồng tình với những ý kiến trên không? Hãy chia sẻ quan điểm của mình ở khung bình luận dưới đây nhé!