Xử lý tiêu cực thi cử rúng động năm 2018: Không thể nhẹ tay!

(Dân trí) - Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình vừa ban hành quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức “cách chức” đối với ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hòa Bình vì để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh này.

Xử lý tiêu cực thi cử rúng động năm 2018: Không thể nhẹ tay! - 1

Thông tin này đang được độc giả và công chúng đặc biệt quan tâm, trong bối cảnh cuộc chiến chống tiêu cực được đẩy mạnh.

Theo quyết định này thì trên cương vị Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hoà Bình, ông Bùi Trọng Đắc đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 - 2018 tại tỉnh Hòa Bình.

Ông Bùi Trọng Đắc để nhiều cán bộ, đảng viên của Sở GD&ĐT, ngành giáo dục đào tạo tỉnh Hòa Bình vi phạm nghiêm trọng, bị khởi tố, điều tra hình sự và bị xử lý kỷ luật.

Như vậy, tính đến nay, một số lượng không ít các cá nhân, tổ chức có liên quan đến tiêu cực thi cử đã phải trả giá. Rõ ràng, để xảy ra sai phạm nghiêm trọng như vừa qua, người đứng đầu cơ quan quản lý của ngành giáo dục tỉnh Hoà Bình không thể tránh khỏi trách nhiệm.

Cách chức trong trường hợp này thiết nghĩ là quyết định cần thiết. Động thái nói trên phần nào cũng cho thấy bước chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ của ngành giáo dục.

Dù vậy, khi kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã trôi qua gần một năm rưỡi, ảnh hưởng lớn đến uy tín của cả một kỳ thi, uy tín của ngành giáo dục và để lại hệ luỵ lớn đối với các thí sinh.

Trong một lần phát biểu tại hội trường Quốc hội hồi tháng 5 năm nay, đại biểu Thái Trường Giang của đoàn Cà Mau đã bày tỏ thẳng thắn: “Tôi có thể gọi hành động gian lận trong thi cử trong năm 2018 là hành vi ăn cướp, là vô liêm sỉ, vì đã đánh mất cơ hội, cướp mất tương lai của các cháu học thật và thi thật. Hành động gian lận thi cử đã làm băng hoại nền tảng xã hội và nền giáo dục nước nhà”.

Phát biểu này của đại biểu Giang cũng chính là lời gan ruột mà nhiều người dân và bản thân những người làm báo như chúng tôi muốn đề cập.

Cho nên, dù lãnh đạo tỉnh Hoà Bình đã quyết định kỷ luật “cách chức” với Giám đốc Sở GD&ĐT, song giá như quyết định này được đưa ra sớm hơn. Trước đó, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La Hoàng Tiến Đức cũng đã bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng, bị thu hồi và huỷ bỏ quyết định nghỉ hưu, để xử lý rốt ráo các vi phạm của ông này liên quan đến gian lận thi cử năm 2018. Còn cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang Vũ Văn Sử thì bị khai trừ khỏi Đảng.

Người viết tin rằng, việc xử lý vụ tiêu cực thi cử rúng động tại các địa phương này sẽ không dừng lại.

Bên cạnh đó, như đại biểu Thái Trường Giang nhận định, tình trạng tiêu cực thi cử năm 2018 chỉ là “giọt nước tràn ly”. Nếu như trước kia, tiêu cực trong thi cử chỉ diễn ra nhỏ lẻ thì ngày nay thành gian lận có tổ chức, tinh vi hơn, xảy ra ở nhiều địa phương. Ông Giang khẳng định, điều này có sự tiếp tay của những người có chức, có quyền, có tiền trong và ngoài ngành giáo dục.

Trong một báo cáo ngày 21/10, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng đã nêu phản ánh của cử tri nhiều địa phương, cho rằng: “Những sai phạm chủ yếu là do lỗi chủ quan của cán bộ giáo dục tại một số địa phương. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về cả kỳ thi nói chung, là đơn vị tổ chức kỳ thi do chính mình xây dựng, nhưng thực tế cho thấy Bộ còn chưa kiểm soát tốt được toàn bộ tình hình diễn biến trong kỳ thi 2018, đặc biệt là quá trình chấm thi”.

Cho nên, đây cũng là cơ hội để ngành giáo dục cần nhìn nhận lại mình, để phát huy tinh thần “phê và tự phê”. Chỉ khi nhìn thẳng vào sai lầm, chịu trách nhiệm cho những sai lầm đó thì mới có thể rút ra được bài học trong quản lý cũng như sử dụng con người đúng nơi, đúng chỗ.

Bích Diệp