Vượt Trung Quốc và trở thành “công xưởng mới” của thế giới?

(Dân trí) - Muốn kinh tế đất nước tăng trưởng, thay da đổi thịt về thực chất, cần phải nỗ lực thay đổi về cả tư duy và thực tiễn. Liệu rằng, các lãnh đạo bộ ngành, địa phương có muốn và có dám thay đổi hay không?

Vượt Trung Quốc và trở thành “công xưởng mới” của thế giới? - 1

Vấn đề này được nhiều chuyên gia kinh tế trong nước cũng như báo chí nước ngoài liên tục đề cập trong thời gian gần đây, khi Việt Nam đang là một trong những điểm đến an toàn nhất của thế giới thời kỳ dịch Covid-19 hoành hành, cũng như độ mở với kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng.

Khi mà cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trở thành tác nhân thúc đẩy xu hướng dời chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp lớn khỏi Trung Quốc và dịch bệnh Covid-19 làm quá trình này càng diễn ra nhanh hơn thì cũng là lúc mà giới phân tích đánh giá, cơ hội trở thành “công xưởng mới của thế giới” đối với Việt Nam đã đến rất gần.

Xét về yếu tố khoảng cách địa lý, về chính sách thu hút, về chi phí kinh doanh và cả những hiệp định thương mại tự do (FTA) liên tục đạt được trong những năm gần đây với các đối tác lớn trên thế giới, có thể nói, chúng ta đang có “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”.

Tuy nhiên, thực tế không hề dễ dàng như vậy.

Điều chúng ta mong muốn là những tập đoàn lớn của thế giới (được ví như “đại bàng”) sẽ tới “làm tổ”, song, ngay xung quanh chúng ta, các quốc gia khác như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… cũng đều có những chính sách thu hút rất mạnh mẽ. Do vậy, không còn cách nào khác là phải cạnh tranh.

Trước đây, cạnh tranh thu hút FDI đã trở thành một “cuộc chiến” không chỉ ở quy mô quốc gia với quốc gia mà ngay giữa địa phương này với địa phương khác cũng rất gay gắt.

Lợi thế là gì? Là giá điện rẻ, nhân công rẻ, ưu đãi về thuế đất, về thuế VAT, thuế TNDN… Kết quả lại trở thành một cuộc đua “xuống đáy”. Không ít doanh nghiệp FDI sau khi hưởng hết đặc ân đã lập tức rời bỏ để tìm kiếm nguồn ưu đãi mới.

TS. Lê Xuân Bá - Nguyên Viện trưởng Viện CIEM trong một lần trao đổi với báo chí gần đây đã có phát biểu đáng suy nghĩ. Ông cho rằng, FDI không mang nhiều công nghệ vào Việt Nam, chỉ tận dụng lợi thế thị trường, lao động, thâm dụng tài nguyên... đến chừng mực nào đó, họ chuyển đi, chúng ta không còn lại gì!?

Do vậy, theo ông Bá, Việt Nam cần xem xét đặc biệt đến cơ chế thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp dân tộc.

Bởi hiện đang có nhiều câu hỏi nếu xu hướng bảo hộ gia tăng, doanh nghiệp có xuất khẩu được không, hay quay về khai thác thị trường nội địa, nơi bị bỏ ngỏ nhiều năm?

Cá nhân người viết không cực đoan theo hướng phủ nhận những đóng góp của doanh nghiệp FDI. Sòng phẳng mà nói, họ đã mang đến động lực cải cách rất lớn cho cả các doanh nghiệp trong nước và cả với chính sách của Nhà nước.

Tuy nhiên, dù thu hút FDI là “đại bàng” hay “chim sẻ” cũng phải nhìn nhận về lợi ích chung của quốc gia, lợi ích lâu dài chứ không thể chộp giật, cục bộ như trước.

Thực tế, ngay cả khi Việt Nam đã gia nhập EVFTA và tham gia nhiều hiệp định lớn thì sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc vẫn rất lớn.

Do đó, để tận dụng được lợi thế xuất khẩu một cách triệt để và mơ trở thành “công xưởng mới” thay thế Trung Quốc cũng không hề đơn giản chút nào!

Hơn nữa, trình độ lao động của ta so với lao động Trung Quốc và các nước trong khu vực (đặc biệt là về kỷ luật lao động) vẫn còn khoảng cách, lực lượng lao động của ta cũng không thể so với Trung Quốc về mặt số lượng, quy mô.

Cho nên, như nhận định của đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường trước nghị trường gần đây: “Chúng ta không có tham vọng và cũng không mong muốn thay thế Trung Quốc để trở thành công xưởng thế giới, nhưng đây chính là thời điểm rất tốt để chúng ta tái cấu trúc nền kinh tế, giúp Việt Nam đón bắt cơ hội”.

Dù là với mục tiêu gì đi chăng nữa thì rõ ràng cũng chẳng có gì tự nhiên mà đến theo kiểu “ôm cây đợi thỏ” hay “há miệng chờ sung”.

Muốn kinh tế đất nước tăng trưởng, thay da đổi thịt về thực chất (chứ không chỉ trên bề mặt số liệu) thì hơn hết thảy, cần phải có nỗ lực thay đổi về cả trong tư duy và trên thực tiễn. Liệu rằng, các lãnh đạo bộ ngành, địa phương có muốn thay đổi và có dám hay không?

Thiết nghĩ, chúng ta không cần so với ai, chỉ cần tốt hơn, tiến bộ hơn, minh bạch hơn, như vậy, doanh nghiệp và người dân sẽ là những người hưởng lợi!

Bích Diệp