Than ôi, đây hẳn phải là một sự “cảm thông chết người”!

(Dân trí) - Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có chứa hoạt chất 2,4D và Paraquat đã chính thức bị loại ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam theo Quyết định số 278 ngày 8/2/2017 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường ký.

Than ôi, đây hẳn phải là một sự “cảm thông chết người”! - 1

Tuy nhiên, theo lộ trình, ngày 8/2/2018, Bộ NNPTNT cấm nhập khẩu và sản xuất thuốc trừ cỏ chứa hai hoạt chất nói trên và phải tới ngày 8/2/2019 thì những loại thuốc có chứa hoạt chất 2,4D và Paraquat mới bị cấm vĩnh viễn tại Việt Nam.

Bình luận về vấn đề này trên Dân trí ngày 6/7/2019, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới thẳng thắn cho biết “chưa thấy có nước nào làm như vậy” khi đã cấm lưu hành loại thuốc BVTV có chứa hoạt chất 2,4D và Paraquat từ ngày 8/2/2017 nhưng lại cho các đơn vị kinh doanh nhãn hiệu thuốc này thêm 2 năm nữa để tiêu thụ nốt.

Chưa hết, đến ngày 15/3/2019, để xử lý tồn tại, vướng mắc cho doanh nghiệp, Cục BVTV lại ban hành thêm một văn bản gửi Công ty TNHH Tập đoàn An Nông trong đó nêu rõ nội dung: Đối với hai loại thuốc BVTV là Cỏ cháy 20SL và Lagoote 210SL đã đóng gói không thể xuất khẩu được nhưng còn hạn sử dụng đang lưu trữ trong kho hoặc lưu thông trên thị trường thì doanh nghiệp kiểm kê chi tiết và có phương án kinh doanh đến hết ngày 30/9/2019 để báo cáo Cục BVTV.

Nôm na là tuy các loại thuốc BVTV này bị cấm nhưng không rõ vì lý do gì, doanh nghiệp vẫn được nới thời gian kinh doanh thêm 7 tháng (!). Quả là khó hiểu! Chẳng có nhẽ vì Cục BVTV “thương” doanh nghiệp, “cảm thông” với doanh nghiệp, lo doanh nghiệp không tiêu thụ hết hàng tồn kho thì doanh thu sẽ bị ảnh hưởng?

Khổ nỗi, có lẽ tình thương và lòng cảm thông của Cục BVTV với các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành không được đồng đều. Thế cho nên, giám đốc một công ty kinh doanh thuốc BVTV ở miền Tây mới bày tỏ băn khoăn: Không hiểu bằng cách nào mà công ty An Nông kia xin được giấy phép tiếp tục kinh doanh hoá chất này trong khi các đơn vị khác thì bị cấm?

TS Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng “có cái gì lấn cấn trong công tác quản lý”. Chính bởi vậy, phóng viên của Dân trí đã liên hệ với bộ phận văn phòng của Cục BVTV để đặt lịch làm việc với lãnh đạo, hi vọng có được câu trả lời. Tiếc thay, lãnh đạo Cục lại “bận đi công tác không có mặt ở cơ quan”.

Theo dõi lĩnh vực kinh tế nhiều năm, người viết phải nói rằng, ít thấy đơn vị quản lý nào mà lại thương doanh nghiệp, cảm thông với doanh nghiệp như Cục BVTV! “Thương” đến nỗi, cả khi mặt hàng kinh doanh của doanh nghiệp đã rơi vào diện “hàng cấm”, “thuốc cấm” rồi thế mà vẫn tạo điều kiện để doanh nghiệp “đẩy” cho hết tồn kho.

Cần lưu ý là Paraquat đã bị cấm sử dụng tại ít nhất 32 quốc gia trên thế giới. Thuốc trừ cỏ chứa chất này thường rất dễ bị phơi nhiễm qua da và hô hấp trong quá trình sử dụng. Và nguy hiểm hơn, thường bị sử dụng làm thuốc độc trong các vụ tự tử hoặc đầu độc với liều gây chết rất nhỏ (khoảng 10ml) mà không có thuốc giải độc.

Còn nhớ, chỉ trong 4 ngày (từ ngày mùng 1 đến sáng mùng 5 Tết Mậu Tuất 2018) có đến 13 ca nhập viện do ngộ độc chất độc chết người này.

Trong bối cảnh tình trạng thoái hoá, ô nhiễm đất sản xuất nông nghiệp ngày càng trầm trọng, yêu cầu “sạch” và “an toàn” đối với sản phẩm nông nghiệp trở nên cấp thiết, thì việc Cục BVTV vì lợi ích của doanh nghiệp trong ngành, vì lợi ích của “ai đó” mà bỏ qua lợi ích của cộng đồng, của người sản xuất nông nghiệp, thật chẳng khác gì là một sự “cảm thông chết người”!

Vì vậy, liệu có nên đổi tên Cục BVTV thành… cơ quan “bảo vệ doanh nghiệp”, phải không các bạn!?

Bích Diệp