“Tất cả vì học sinh…”, xin đừng chỉ là khẩu hiệu!

(Dân trí) - Theo Luật trẻ em 2016 và Nghị định 56/2017/NĐ-CP, cả nước có tới 17 cơ quan có nghĩa vụ bảo vệ quyền trẻ em, thế nhưng trong những năm vừa qua, tình trạng dùng bạo lực với trẻ em, trẻ em bị xâm hại ngày càng báo động. Và đáng buồn thay, trong đó, trường học cũng đã không còn là một nơi an toàn.

“Tất cả vì học sinh…”, xin đừng chỉ là khẩu hiệu! - 1

Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2018, có hơn 53% số vụ bạo lực xảy ra trong môi trường học đường; có hơn 2.000 vụ bạo lực học đường. Xin nhấn mạnh, đây là số liệu của phía công an, và con số thực tế chắc sẽ nhiều hơn thế.

Những con số này có thể sẽ trở thành nỗi ám ảnh của phụ huynh, học sinh và nỗi lo của toàn xã hội.

Quay lại vài chục năm trước, ở thế hệ chúng tôi, đến trường bị thầy cô đánh hay xích mích, gây gổ với nhau không phải hiếm. Nhưng quan điểm về giáo dục và nhận thức của học sinh về nhân quyền thời đó và bây giờ đã không còn giống nhau.

Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, dư luận xã hội chưa hết rúng động về vụ 231 cái tát ở Quảng Bình, 50 cái tát ở Hà Nội rồi học sinh bị đánh bầm người ở Long An… thì nay, tại Hải Phòng thêm một vụ việc chấn động về một học sinh tiểu học phải nhập viện do nghi vấn bị giáo viên tát.

Những giọt nước mắt ê chề, lời xin lỗi muộn màng của cô giáo khi tát, đánh nhiều học sinh trong giờ kiểm tra ở Hải Phòng trong một cuộc họp mà tại đó có đủ các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương và báo chí… thật khiến người ta vừa giận lại vừa xót xa.

Cô giáo giải thích vì quá lo lắng học sinh không đủ thời gian làm bài khi không tập trung, thậm chí ngay cả thông tin cũng không điền đủ vào bài thi nên đã tát vào má, dùng thước đánh vào chân. Sau đó học sinh này nhập viện.

Tôi tin nỗi lo của cô giáo là có thật. Tôi cũng tin cô giáo không đến nỗi là một người hung dữ. Nhưng cô giáo ạ, cô đã sai rồi. Cô đã sai về phương pháp để “giúp” một đứa trẻ viết chậm đẩy nhanh tốc độ làm bài. Cô đã sai khi nghĩ rằng, mình làm điều đó vì trò chứ không phải vì bản thân. Và tôi cũng không bất ngờ, khi cô là giáo viên dạy giỏi nhiều năm mà vẫn mắc lỗi đó.

Bởi sâu xa, căn bệnh thành tích đã “giết chết” sự nhẫn nại và phá huỷ hình ảnh của rất nhiều người thầy, người cô. Rất nhiều nơi, cũng chỉ bởi bệnh thành tích, mà không ít các cô thầy đã phải “ép” bản thân và “ép” học trò giật điểm, giật giải, làm đẹp hồ sơ, trang trí cho nhà trường những thành tích không có thật.

Tôi thông cảm vô cùng cho áp lực khủng khiếp mà các cô đang phải chịu, nhưng đánh học sinh vì thành tích, thì cô giáo ơi, thật sự đã sai rồi!

Chuyên gia tâm lý học đường Hoàng Trung Học đã đưa ra trong một toạ đàm hồi tháng 4 vừa rồi đã nói rằng: Nếu muốn chấm dứt bạo lực trong môi trường học đường thì “tất cả phải thay đổi”.

“Các  nhà quản lý giáo dục phải là người tài năng, hiệu trưởng là người truyền cảm hứng, giáo viên phải là một nhà tâm lý. Gia đình là trung tâm, đưa phụ huynh cùng vào đồng hành với nhà trường.

Bởi, giáo dục vì con người nên mọi quy chế đánh giá học sinh, thi đua… trong nhà trường cần thay đổi. Bộ GD&ĐT cần rà soát tất cả quy chế để hướng tới giáo dục vì con người”. Và tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này.

“Tất cả vì học sinh thân yêu” - xin hãy đừng chỉ là… khẩu hiệu!

Bích Diệp