“Sống trong chốn thẳng ngay, ai gù (nhân cách) sẽ là khuyết tật”!?

(Dân trí) - Vụ gian lận thi cử năm 2018 đã trở thành vết đen đáng xấu hổ của nền khoa cử nước nhà. Hàng chục thí sinh từ trượt thành đỗ bằng việc “bốc điểm bỏ tay người”.

“Sống trong chốn thẳng ngay, ai gù (nhân cách) sẽ là khuyết tật”!? - 1

Gần 2 năm trôi qua (7.2018) kể từ ngày xảy ra vụ việc, đã có hàng loạt cán bộ, đảng viên bị thi hành kỉ luật và hiện, Hòa Bình đang xét xử hình sự vụ án này.

Cay đắng thay, trong vụ việc xấu hổ và đau xót này, xuất hiện hình ảnh tươi cười của một số bị cáo trước cửa tòa và câu nói “nổi tiếng” của một bị cáo khác.

Về “nụ cười” của họ, người viết bài này không giải thích nổi vì sao họ lại có thể cười tươi như thế nhỉ? Chịu!

Còn câu nói “nổi tiếng” của của bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (cựu trưởng phòng khảo thí) tại phiên tòa xét xử sơ thẩm: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật" khiến tôi nhớ lại bài viết cách đây 11 năm (2009), sau đó, đã đăng trên BLOG Dân trí nhắc lại sự kiện này vào ngày 11.6.2012, trong bài: “Em biết thầy sẽ… im lặng”.

Lúc ấy, có một ý trong đề thi văn “Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mĩ A. Lin-côn (1809-1865) viết: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi”. 

Từ ý kiến trên, anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống” (3 điểm).

Vào vai một thí sinh của kỳ thi, tôi đã viết:

Trong thư Ngày 20/11/2008, Bộ trưởng đã cảnh báo: “sự giả dối vẫn đang tồn tại trong ngành và trong xã hội”. Nhà khoa học nổi tiếng bởi sự chính trực, GS Hoàng Tụy đã từng kêu lên: “Dân tộc Việt Nam không có truyền thống giả dối. Bệnh giả dối là mối nhục lớn”.

Vâng. Giả dối là “mối nhục lớn” nhưng chúng ta đang phải sống chung với sự giả dối dù trong sâu thẳm, mỗi người đều khao khát được sống trung thực với mọi người, trung thực với chính mình.

Thế nhưng ai cho họ sự trung thực? Làm sao có thể sống trong sự trung thực khi xung quanh tràn lan sự lọc lừa, dối trá?

Thưa thầy, khi cái bào thai mới ba tháng tuổi là em ngo ngoe trong bụng đã thấy mẹ vo vo tờ “polime” dúi vào tay ông bác sĩ để mua lấy câu trả lời lách luật: “Cháu đái ngồi (con gái) hay đái đứng (con trai)?”.

Ngày em chào đời, hình ảnh đầu tiên mà em nhận thấy bà em gấp gấp tờ “polime” đút vào tay cô hộ lý để “tắm cho cháu nhẹ nhàng”.

Hai tuổi, em đi mẫu giáo, ba em cầm cuốn “Sổ vàng” mặt ghệt như người vừa bị trấn lột.

6 tuổi, em đi học. Đó là cuộc đua chạy trường, chạy lớp mà phương tiện là những chiếc “phong bì” lặc lè vì nặng...

Và cho khi em chết, con em sẽ làm như bố em làm ngày ông em mất: Lo lót cái phong bì để có chỗ nằm trong nghĩa địa.

Hành trình làm người là hành trình giả dối?

"Dân tộc Việt Nam không có truyền thống giả dối”.

Thạch Sanh 3 lần bị phản bội vẫn ơn Lý Thông như một ân nhân. Mị Châu mất đầu vẫn giữ niềm tin ở tên gian ngoại bang Trọng Thủy. Cô Tấm ba lần bị lừa vẫn tin ở tình yêu thương nơi mụ dì ghẻ độc ác.

Dân tộc Việt Nam không chỉ trung thực mà thành thực đến ngây thơ.

Sự dối trá đến với dân tộc ta từ bao giờ? Ai đầu têu và nuôi dưỡng sự dối trá này, thưa thầy?

Sống trong đảo người gù, ai thẳng lưng là dị dạng.

Nếu không muốn bị coi là dị dạng, bị cộng đồng xua đuổi đương nhiên không gù cũng phải còng xuống thành gù.

Ai cho họ thẳng lưng? Ai cho họ trung thực?

Có nơi đâu mà sự trung thực bị coi như một nhược điểm, thậm chí ngu xuẩn, điên rồ, thưa thầy?

Dù muốn có một kỳ thi trung thực nhưng làm sao em trung thực được khi bên cạnh em là sột soạt tiếng mở bài dưới sự che chở của giám thị?

Cả việc phải làm đề thi này cũng lại là một lần nữa thầy lại bắt chúng em phải nói dối bằng những lời sáo rỗng, không phải của mình bởi nếu viết suy nghĩ trung thực, chắc chắn em sẽ bị điểm 0.

Trung thực rất cần sự dũng cảm. Thầy có đủ dũng cảm để cho bài thi này dù chỉ là 1/2 điểm?

Em biết, thầy sẽ im lặng vì trung thực rất cần sự dũng cảm và giá của nó không hề rẻ.

Lời nói thật đã hơn một lần chết chém.

Nhưng may mắn thay, được sống một cuộc sống trung thực đang, đã và mãi là khát vọng lớn nhất của nhân loại.

Vâng, em biết thầy sẽ vẫn… im lặng!”. (Hết trích)

11 năm đã trôi qua, giờ đây tôi lại thấy câu “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật" được nói tại một phiên tòa hình sự.

Buồn, đau và thất vọng.

Bao giờ tới lúc “Sống ở chốn thẳng ngay, ai khom lưng (nhân cách) sẽ là người dị dạng (tâm hồn)”?

Bùi Hoàng Tám