“Sống là cho, đâu phải nhận riêng mình”

(Dân trí) - Một cụ bà năm nay đã 87 tuổi nhưng vẫn thường xuyên lên đường đến bất cứ đâu để làm thiện nguyện, đi xây cầu, xoá nhà dột nát, tặng bò, tặng quà… cho những hoàn cảnh khó khăn. Đó là NSƯT Lê Thu, người vừa được thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019 cách đây ít ngày.

“Sống là cho, đâu phải nhận riêng mình” - 1

Câu chuyện về nữ nghệ sĩ già thực sự truyền cảm hứng rất mãnh liệt. Hiếm ai lại có khả năng và tâm huyết vừa góp công, góp sức, góp cả vật chất cho những chuyến đi từ thiện vì người nghèo, người khó khăn như cụ. Đến mức mà, gia đình bán hai căn biệt thự ở Cao Bằng và Lào được 500 cây vàng, sau khi chia cho con cháu để có vốn làm ăn, còn lại cụ Lê Thu đã dành ra làm từ thiện.

Gần 20 năm qua, năm nào cụ cũng cùng người thân trong gia đình và 30 người trong Chi hội tán trợ Chữ thập đỏ Thăng Long bền bỉ, kiên trì với những chuyến đi thiện nguyện. Chỉ nói về tấm lòng, sự chân tình, nhiệt huyết ấy của cụ, đã là hiếm có.

Chưa hết, cụ còn dùng tài sản của mình để cho nhiều người vay (không lấy lãi). Tất nhiên, tiền đó phải được dùng để làm ăn buôn bán, từ đó giúp họ thoát nghèo. Có người làm ăn thua lỗ không trả được tiền, cụ cũng không trách móc, chỉ mong họ sớm ổn định cuộc sống mà thôi.

Người có tài sản lớn hơn cụ Lê Thu, giàu có hơn cụ Lê Thu, tôi khẳng định là ở ta rất nhiều. Báo cáo “The wealth report 2019” của Knight Frank công bố đầu năm cho thấy, tốc độ tăng trưởng giới siêu giàu (triệu phú USD) ở Việt Nam đang xếp thứ 4 thế giới. Năm 2018, nước ta có đến 12.327 triệu phú USD.

Vậy cho nên, không hề lạ khi có những người đeo trên tay những chiếc đồng hồ giá hàng chục tỷ đồng, xách những chiếc túi hàng trăm triệu… Một bộ phận người trẻ còn có sở thích khoe tài sản là giày dép, áo quần hàng hiệu rồi nhẫn kim cương, siêu xe hay “checkin sang chảnh”.

Thế nhưng trong số họ, không phải ai cũng sẵn sàng làm từ thiện. Dĩ nhiên, đó quyền lựa chọn của mỗi người với tài sản và thời gian của bản thân mình, song, cuộc sống hẳn là sẽ tốt đẹp hơn khi chúng ta biết sống với tấm lòng bao dung và san sẻ.

Một tháng trước, cũng trên Dân trí đăng tải bài viết “Đôi vợ chồng tặng khối tài sản hơn 100 tỷ đồng cho trẻ mồ côi”. Bài báo cảm động ấy kể về vợ chồng ông Bùi Công Hiệp (ngụ đường số 1, phường Long Trường, quận 9, TPHCM) đã làm giấy trao tặng 2.500 mét vuông đất và căn nhà 3 tầng tổng trị giá hơn 100 tỷ đồng để làm mái ấm cho trẻ mồ côi ở đây.

Một mái ấm mang tên “Thiên thần” với 85 đứa trẻ từ sơ sinh đến 7 tuổi, được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và cho ăn học bởi một cặp vợ chồng có tấm lòng cao cả.

Mới thấy rằng, cuộc sống không hề thiếu những cụ ông, cụ bà như trong chuyện cổ tích bước ra. Đó không phải là những nhân vật hư cấu với mục đích nêu gương, hướng thiện đơn thuần mà họ là những con người bằng xương bằng thịt.

Rất khó nếu phải vật vã với “cơm áo gạo tiền”, phải bươn chải kiếm tiền nuôi gia đình lại có thể sống một cuộc đời quảng đại và hào phóng như gia đình nghệ sĩ Lê Thu hay vợ chồng ông Hiệp, nhưng chúng ta vẫn có thể học họ cách sống vị tha, biết sẻ chia với cộng đồng, với người nghèo, với những ai kém may mắn.

Bớt chút ít thời gian để tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, dành một phần ngân sách nhỏ cho các chương trình nhân ái, quyên góp đồ dùng, sách vở, quần áo cũ cho trẻ em nghèo… ấy đều là những “hạt mầm thiện” gieo vào cuộc sống.

Và với bộ phận vì lý do nào đó không thể tham gia vào công tác thiện nguyện, thì chỉ mong đừng làm tổn hại, ức hiếp người nghèo và đừng nỡ tâm cướp đi miếng ăn, cướp đi quyền lợi chính đáng của họ.

Xin khép lại bài viết bằng 4 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:

“Nếu là con chim, là chiếc láThì chim phải hót, chiếc lá phải xanhLẽ nào vay mà không trảSống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.

Bích Diệp